Phản ứng hòa hợp đầy đủ trong truyền máu là phản ứng lựa chọn nhóm máu hệ hồng cầu ABO và các hệ nhóm máu hồng cầu khác phù hợp nhất giữa người cho và người nhận. Đây là xét nghiệm quan trọng giúp đảm bảo an toàn miễn dịch cho người bệnh khi được truyền máu.
1. Phản ứng hòa hợp đầy đủ trong truyền máu có ý nghĩa gì?
Tại Việt Nam, an toàn truyền máu về mặt miễn dịch chưa được đảm bảo. Đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch mới chỉ được thực hiện định nhóm máu hệ ABO và làm phản ứng chéo ở 22 độ C. Việc thực hiện phản ứng hòa hợp đầy đủ ở cả 22 độ C, 37 độ C, enzyme và nghiệm pháp Coombs gián tiếp có ý nghĩa quan trọng giúp lựa chọn nhóm máu hệ hồng cầu của người cho phù hợp nhất với người nhận, giúp đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch, đặc biệt với những trường hợp người bệnh có kháng thể bất thường.
Phản ứng hòa hợp đầy đủ trong truyền máu là một kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, được chỉ định thực hiện khi truyền máu, chế phẩm máu.
2. Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định: Khi truyền máu, chế phẩm máu
Chống chỉ định: Không có chống chỉ định
3. Chuẩn bị
Bệnh phẩm
- Máu bệnh nhân: 2ml máu lấy vào ống không chứa chất chống đông + 1ml vào ống chứa chất chống đông EDTA.
Phương tiện, hóa chất
Phương tiện:
- Máy ly tâm ống thẳng.
- Tủ lạnh bảo quản thuốc thử huyết thanh mẫu, hồng cầu mẫu và mẫu máu, huyết thanh Coombs
- Kính hiển vi
- Gạch men trắng.
- Bình cách thuỷ 37°C (hoặc tủ ấm hoặc bình giữ nhiệt)
- Bình đựng nước muối.
- Nhiệt kế
- Pipette Paster hoặc pipett man, đầu côn
- Ống nghiệm để định nhóm (50 x 7mm) nhựa hoặc thuỷ tinh.
- Giá đựng ống nghiệm để tiến hành kỹ thuật.
- Lam kính.
- Bút chì kính, bút dạ
- Bông thấm
- Cốc mỏ thuỷ tinh
- Que thuỷ tinh
- Găng tay
Thuốc thử:
- Anti D, anti A, anti B, anti AB
- Huyết thanh Coombs
- Nước muối 9 %
- Hồng cầu mẫu
- Hồng cầu chứng
Phiếu xét nghiệm
- Giấy chỉ định xét nghiệm ghi đầy đủ thông tin về người bệnh: họ tên, tuổi, giường bệnh, khoa phòng, chẩn đoán.
4. Quy trình phản ứng hòa hợp đầy đủ
Đánh dấu ống 1 và ống 2:
- Ống 1: Huyết thanh người bệnh + Hồng cầu người cho 5%
- Ống 2: Hồng cầu bệnh nhân 5% + Huyết thanh người cho
Yêu cầu kỹ thuật:
- Truyền máu toàn phần: Làm chéo cả 2 ống
- Truyền khối hồng cầu: Làm chéo ống 1
- Truyền huyết tương, khối tiểu cầu: Làm chéo ống 2
Kỹ thuật làm chéo ống 1 đầy đủ như sau:
- Bước 1: Định lại nhóm máu của bệnh nhân và người cho
- Bước 2: Nhỏ 3 giọt huyết thanh bệnh nhân
- Bước 3: Thêm 1 giọt hồng cầu của người cho 5%
- Bước 4: Trộn đều
- Bước 5: Ly tâm 1000 vòng/phút trong 15 - 30 giây
- Bước 6: Đọc và ghi lại kết quả
- Bước 7: Ủ tiếp ở 37 ̊C trong 30 phút
- Bước 8: Ly tâm 1000 vòng/phút trong 15 - 30 giây
- Bước 9: Đọc, ghi kết quả
- Bước 10: Rửa hồng cầu 3 lần bằng nước muối 0,9%
- Bước 10: Thêm 2 giọt kháng globulin.
- Bước 11: Ly tâm 1000 vòng/phút trong 15 - 30 giây
- Bước 12: Đọc và ghi kết quả
- Bước 13: Nếu kết quả âm tính thêm 1 giọt hồng cầu chứng
- Bước 14: Ly tâm 1000 vòng/phút trong 15 - 30 giây
- Bước 15: Đọc, ghi lại kết quả: Kết quả phải dương tính; Nếu kết quả âm tính phải làm lại thử nghiệm
5. Nhận định kết quả
- Nếu kết quả một trong những điều kiện, nhiệt độ của phản ứng hoà hợp đầy đủ trên dương tính (ngưng kết) phải tiến hành chọn máu cho bệnh nhân.
- -Nếu kết quả phản ứng hòa hợp đầy đủ ở các điều kiện, nhiệt độ trên đều âm tính (không ngưng kết), máu người cho hoà hợp với máu của bệnh nhân. Túi máu được phát để truyền cho bệnh nhân.
6. Sai sót và xử lý
Hồng cầu bệnh nhân tự ngưng kết do vậy phải rửa bằng nước muối ấm 37°C.
XEM THÊM: