Quá trình đào thải thuốc qua thận diễn ra như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đào thải thuốc qua thận là quá trình các dược chất được loại bỏ khỏi cơ thể. Tất cả các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lý cuối cùng đều bị đào thải khỏi cơ thể, qua nhiều con đường khác nhau có thể tham gia vào quá trình này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để bạn hiểu hơn về quá trình đào thải thuốc qua thận.

1. Thận và chức năng của thận

Thận là cơ quan hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc, đối xứng nhau qua cột sống có tác dụng giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể; điều hòa và lọc các chất khoáng từ máu; tạo các hormone giúp sản xuất các tế bào hồng cầu, tăng cường sức khỏe của xương và điều hòa huyết áp; đồng thời lọc chất thải từ thực phẩm, thuốc men và các chất độc hại.

Thận có nhiệm vụ bài tiết phần lớn các chất hòa tan trong nước. Trong đó hệ thống mật cũng có thể bài tiết các loại thuốc không được tái hấp thu qua đường tiêu hóa. Trong hầu hết các trường hợp, lượng thuốc bài tiết qua ruột, nước bọt, mồ hôi, sữa mẹ và phổi là không đáng kể. Tuy nhiên, một số loại thuốc mê dễ bay hơi có thể được thở ra qua phổi. Ngoài ra nồng độ thuốc rất nhỏ có trong sữa của phụ nữ đang cho con bú cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ đang bú mẹ

2. Vai trò của thận trong đào thải thuốc

  • Thận bài tiết một tỷ lệ lớn các dược chất có liên quan đến lâm sàng và các chất chuyển hóa của chúng.
  • Sự bài tiết này là sự kết hợp của quá trình lọc thụ động ở cầu thận và bài tiết chủ động ở ống thận.
  • Một số loại thuốc được bài tiết cũng có thể bị tái hấp thu, làm giảm độ thanh thải tổng thể.
  • Các phần tử nhỏ có thể lưu thông vào và ra khỏi ống trực tiếp qua màng tế bào.
  • Một số ít các chất cũng được chuyển hóa chủ yếu qua thận.

Thận bài tiết một tỷ lệ lớn các dược chất có liên quan đến lâm sàng và các chất chuyển hóa của chúng
Thận bài tiết một tỷ lệ lớn các dược chất có liên quan đến lâm sàng và các chất chuyển hóa của chúng

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ bài tiết thuốc qua thận

  • Bệnh thận (suy thận, viêm thận) khiến các chức năng của thận suy yếu. Các phức hợp hữu ích như protein máu có thể bị mất đi, làm tăng lượng thuốc chứa liên kết trong cơ thể, dẫn đến độc tính. Các hợp chất khác có thể bị mất trong nước tiểu do quá trình hấp thu bị giảm.
  • Độ pH của nước tiểu là yếu tố quyết định quá trình ion hóa: Dịch lọc đi vào phần đầu tiên của ống thận có cùng pH với huyết tương, gần như trung tính. Vì độ pH của nước tiểu có thể từ 4,5 đến 8,0, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ bài tiết thuốc. Điều này làm cơ sở cho khái niệm kiềm hóa nước tiểu để hỗ trợ thanh thải thuốc đã dùng quá liều. Đối với các loại thuốc có tính axit yếu (độ pH càng thấp khoảng 4,5) thì càng có nhiều ion hydro tự do và các phân tử thuốc có tính axit yếu sẽ khó từ bỏ các phân tử hydro của chúng. Do đó, nước tiểu có tính kiềm sẽ thúc đẩy quá trình ion hóa và giảm lượng thuốc không ion hóa có sẵn để tái hấp thu. Thuốc bị giữ lại trong nước tiểu và độ thanh thải của nó tăng lên. Trong nước tiểu rất kiềm (ví dụ 8,0), các phân tử thuốc có tính axit sẽ có xu hướng bị loại bỏ vì chúng sẽ dễ dàng loại bỏ phân tử hydro của mình hơn và trở nên phân cực (tích điện), làm cho sự tái hấp thu của chúng qua màng tế bào không phân cực (không tích điện) nhiều khó khăn hơn. Chúng cũng dễ dàng bị loại bỏ hơn bởi quá trình hoạt động ion.
  • Thay đổi lưu lượng máu ở thận: Tốc độ tưới máu cũng quan trọng đối với việc loại bỏ như việc phân phối để bài tiết thuộc trong cơ thể. Bất kỳ sự thay đổi nào trong dòng chảy của máu thận cũng sẽ khiến thời gian để một chất bị đào thải khỏi cơ thể lâu hơn.
  • Tuổi tác: tuổi ngày càng cao thì khả năng đào thải của thận cũng ngày càng giảm theo. Bằng chứng cho thấy sự đào thải thuốc ở người 80 tuổi chỉ bằng 1/2 so với những người 30 tuổi.
  • Ngoài ra còn các yếu tố về di truyền, môi trường, giới tính...

Tuổi ngày càng cao thì khả năng đào thải của thận ngày càng giảm
Tuổi ngày càng cao thì khả năng đào thải của thận ngày càng giảm

4. Quá trình thải trừ thuốc qua thận

Thải trừ thuốc qua thận là con đường thải trừ phổ biến nhất.

4.1. Lọc ở cầu thận

Thuốc được đào thải qua thận bằng cách lọc ở cầu thận (thụ động) hoặc bài tiết ở ống thận (chủ động). Chúng cũng có thể được tái hấp thu từ dịch lọc qua lớp biểu mô ống thận, thường là bằng cách khuếch tán thụ động. Lọc cầu thận là một quá trình thụ động loại bỏ các phần tử nhỏ (nhỏ hơn kích thước của albumin).

Do đó, các loại thuốc có liên kết cao với protein không được lọc ra khỏi huyết tương và vẫn nằm trong máu còn các thuốc phân tử nhỏ không liên kết với protein sẽ bị đào thải nhanh chóng.

Ví dụ: Các loại thuốc tim mạch (digoxin, procainamid), thuốc kháng sinh (nhóm aminoglycosid, macrolid...) thường được lọc ở cầu thận.

4.2. Bài tiết thuốc

Xảy ra ở ống lượn gần và qua trung gian của các chất vận chuyển tích cực và bơm trao đổi theo cơ chế chủ động, nhờ đó thuốc được vận chuyển từ máu vào ống thận. Quá trình này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

  • Liên kết protein
  • Lưu lượng máu thận
  • Cạnh tranh giữa các chất nền đủ điều kiện cho cùng một đơn vị vận chuyển. Ví dụ: Chất nền vận chuyển axit (kháng sinh β-lactam, Furosemide, Hydrochlorothiazide, Probenecid), Chất nền vận chuyển nucleoside (Zidovudine, Ribavirin, Gemcitabine)...
  • Nồng độ của thuốc

Các thuốc có tính kiềm ( dopamin, thuốc kháng histamin ...) được bài tiết theo hệ thống vận chuyển anion. Các thuốc có tính axit (penicillin, indomethacin...) được bài tiết theo hệ thống vận chuyển cation.

4.3. Tái hấp thu ở ống thận

Sự tái hấp thu có thể chủ động hoặc thụ động, xảy ra ở ống lượn xa và ống góp. Hầu hết các loại thuốc được tái hấp thu theo cơ chế thụ động không cần năng lượng bằng cách khuếch tán.

  • Sự khuếch tán thụ động xảy ra dọc theo một gradient do sự loại bỏ nước khỏi lòng ống và bị ảnh hưởng mạnh bởi tốc độ dòng nước tiểu.
  • Sự tái hấp thu thuốc bị ảnh hưởng bởi một phần của thuốc không được ion hóa (chỉ thuốc không được ion hóa mới có thể được kích hoạt hấp thụ lại một cách thụ động) và khi đến lượt nó thì lại bị ảnh hưởng bởi độ pH của nước tiểu. Thuốc được ion hóa sẽ lưu lại trong nước tiểu và thải ra ngoài.
  • Chỉ những thuốc giống với chất nền tự nhiên có sẵn về mặt hóa học mới được tái hấp thu bằng cách vận chuyển tích cực như glucose, axit amin, vitamin A - vitamin D - vitamin E - vitamin K....

Thải trừ thuốc qua thận là con đường thải trừ phổ biến nhất
Thải trừ thuốc qua thận là con đường thải trừ phổ biến nhất

5. Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy hiệu quả

Trong ngộ độc toan với barbituric hay aspirin, kiềm hóa nước tiểu với natri bicarbonat giúp tăng đào thải barbiturat hay aspirin ra khỏi cơ thể.

Trong ngộ độc kiềm với ephedrine hay morphin, toan hóa nước tiểu với amoni clorua giúp tăng đào thải ephedrine hay morphin ra khỏi cơ thể.

Probenecid cạnh tranh bài tiết ở ống thận với penicillin, nên làm chậm thời gian đào thải của penicillin, do đó làm tăng hoạt tính điều trị. Vì vậy, penicillin thường được phối hợp với Probenecid để làm tăng hiệu quả điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu.

Đối với bệnh nhân suy nhược chức năng thận, cần phải đánh giá mức độ suy giảm, tránh sử dụng hay phải điều chỉnh liều dùng thông thường, tần suất sử dụng thuốc và theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương đối với các thuốc có chỉ số điều trị hẹp.

  • Suy thận được định lượng bằng cách đo hoặc ước tính độ thanh thải creatinin.
  • Liều lượng được điều chỉnh tùy theo mức độ thiếu thuốc và tỷ lệ thuốc được bài tiết không thay đổi trong thận.
  • Liều duy trì được điều chỉnh bằng cách giảm liều thông thường, tăng khoảng cách dùng thuốc hoặc cả hai.

Các loại thuốc cần tránh sử dụng hay điều chỉnh liều với các thuốc gây độc tính ở thận như: thuốc thuộc nhóm Quinolon, aminoglycosid, cephalosporin...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: sciencedirect.com, news-medical.net, erangedphysiology.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe