Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Răng khôn ảnh hưởng rất nhiều đến cấu trúc hàm, do đó nhiều người băn khoăn rằng liệu không biết có nên nhổ răng khôn không, đặc biệt là khi có ý định niềng răng.
1. Răng khôn là gì?
Răng khôn là răng mọc cuối cùng và chúng nằm sâu trong hàm răng. Tùy thuộc vào sự tăng trưởng của mỗi cơ thể mà răng khôn sẽ phát triển ở các giai đoạn khác nhau ở mỗi người.
Những chiếc răng này gần như không tham gia hoặc tham gia rất ít vào quá trình hoạt động ăn và nhai hàng ngày.
2. Niềng răng có cần nhổ răng khôn không?
Tùy vào tình trạng răng miệng mỗi người bác sĩ sẽ lựa chọn nhổ răng khôn khi niềng răng hay không. Trong đó có hai trường hợp chính thường được bác sĩ yêu cần nhổ răng khôn để niềng răng đạt hiệu quả cao.
- Trường hợp 1: Chân răng khôn có dấu hiệu bị mọc lệch, khiến răng đâm vào má, đâm ngang, đâm vào răng số 7 thì nên nhổ. Răng khôn thường mọc ở người ở độ tuổi từ 17-25, nên quá trình mọc răng khôn có thể xảy ra sau khi đã niềng răng. Để không ảnh hưởng đến kết quả niềng răng nên nhổ răng khôn trước. Vì răng khôn mọc sau này có thể đâm vào răng bên cạnh khiến đẩy hàm về phía trước, phá hủy kết quả niềng răng.
- Trường hợp 2: Một số trường hợp răng khôn được nhổ để tạo chỗ trống niềng răng, sẽ không cần phải nhổ răng số 4. Răng khôn nằm trong cùng của hàm nên khi nhổ răng khôn thì vẫn mang lại lợi ích thẩm mỹ rất lớn cho người chỉnh nha.
3. Vì sao nên nhổ răng khôn khi niềng răng?
Khi thực hiện niềng răng, các Nha sĩ đặc biệt quan tâm và thường sẽ cho chỉ định nhổ răng khôn vì những lý do sau:
- Giúp tạo khoảng trống cho răng hàm di chuyển
Răng khôn thường chiếm một diện tích khá lớn ở trên cung hàm. Chính vì thế, nhổ răng khôn trước khi niềng răng sẽ giúp hàm răng tạo ra được một khoảng trống, đủ để nha sĩ có thể co kéo, dàn đều răng ra tận cùng của góc hàm, từ đó giúp các răng di chuyển về đúng vị trí theo ý muốn, tạo ra khoảng cách giữa các răng đều và đẹp hơn.
- Ngăn ngừa bị các bệnh lý răng miệng và bảo vệ sức khỏe răng miệng
Như đã nói, răng khôn nằm ở vị trí trong cùng của răng hàm nên chúng rất khó vệ sinh, hơn nữa răng khôn nhưng chúng không hề “khôn”, ở nhiều người răng khôn có thể mọc ngầm, mọc lệch gây ảnh hưởng đến các răng lân cận.
Do đó, khi niềng răng nhờ chỉ định nhổ răng của bác sĩ sẽ giúp tạo khoảng trống cho hàm răng di chuyển mà răng khôn buộc phải nhổ sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng, đồng thời bảo vệ răng miệng khỏi những biến chứng nguy hiểm.
Răng khôn vốn là chiếc răng không được nha sĩ khuyến khích duy trì. Răng khôn có thể đâm vào răng số 7 làm hỏng răng và dễ bị bệnh lý. Tuy nhiên do ngại nhổ răng mà vẫn để răng này tồn tại trên cung hàm. Có thể nói cùng một ca điều trị niềng răng nhưng có thể thực hiện được 2 lợi ích đồng thời.
- Bảo vệ kết quả niềng răng
Răng khôn hình thành hay mọc lệch lạc, rất khó để kiểm soát. Nếu trong quá trình đeo niềng, răng khôn mới bắt đầu nhú thì chúng sẽ tác động lực xô đẩy các răng kế cận, khiến răng này bị mọc nghiêng, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc răng, tác động tiêu cực đến kết quả niềng răng.
Nhổ răng khôn khi niềng răng được nha sĩ thực hiện nhanh chóng, an toàn và không đau như đồn đoán nên không có gì phải quá lo lắng. Việc nhổ răng khôn không chỉ giúp duy trì hàm răng đều đặn, quá trình niềng răng cũng giúp bác sĩ sẽ kiểm soát, điều chỉnh mà còn ngăn ngừa được rất nhiều biến chứng do răng khôn gây ra như: Sâu răng, viêm nướu, sai lệch khớp cắn, hôi miệng...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.