Những mốc thời gian quan trọng của lịch sử truyền máu

Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1492: Tại Rome, Đức Giáo Hoàng Innocent VIII bị một cơn đột quỵ, ông bị yếu và hôn mê. Bác sĩ khuyên truyền máu như một biện pháp điều trị cho căn bệnh của Đức Giáo Hoàng. Do Y học chưa phát triển, bệnh tình của Đức Giáo Hoàng không cải thiện và qua đời vào cuối năm đó.

1615: Andreas Libavius ​​mô tả kỹ thuật truyền máu của ông. Tuy nhiên kỹ thuật của ông không được công bố đầy đủ.

1628: Bác sĩ người Anh William Harvey (1578-1657) mô tả chức năng của tim và sự tuần hoàn của máu. Ông chỉ ra rằng tim là một máy bơm và sự co bóp của tim đẩy máu vào các động mạch và máu đó quay trở lại tim sau khi lưu thông qua các tĩnh mạch. Do đó, máu lưu thông tuần hoàn trong cơ thể. Harvey suy luận chức năng của các van là để ngăn chặn máu chảy ngược vào trong các tĩnh mạch.

1665: Việc truyền máu đầu tiên được ghi nhận. Bác sĩ Richard Lower (Oxford) thí nghiệm truyền máu trên động vật (truyền máu của chó cho chó) và thực hiện truyền máu của động vật cho người sau đó 2 năm. Chó được truyền máu vẫn duy trì sự sống bằng cách truyền máu từ những con chó khác.

1667: Jean-Baptiste Denis ở Pháp báo cáo truyền thành công máu từ cừu sang cho người.

1678: Truyền máu từ động vật sang người đã được thử nghiệm bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không thành công và sau đó bị cấm bởi Hiệp hội các bác sĩ Paris vì xảy ra nhiều biến chứng dẫn đến tử vong.

1795: Bác sĩ người Mỹ ở Philadelphia, Philip Syng Physick, lần đầu tiên thực hiện truyền máu cho người, mặc dù ông không công bố cụ thể.

1818: James Blundell, một bác sĩ sản khoa người Anh, đã thành công khi thực hiện truyền máu của người cho một bệnh nhân bị băng huyết sau sinh. Người cho máu chính là chồng của bệnh nhân, ông lấy một lượng máu nhỏ từ cánh tay của người chồng, sử dụng một ống tiêm, truyền trực tiếp cho người vợ. Giữa những năm 1825 và 1830, ông đã thực hiện 10 lần truyền máu, 5 trong số đó chứng minh có lợi cho bệnh nhân và kết quả được công bố. Ông cũng phát minh ra những công cụ khác nhau để thực hiện truyền máu.


Hình 1: Các công cụ truyền máu của James Blundell
Hình 1: Các công cụ truyền máu của James Blundell

1840: Tại London, Anh, Samuel Armstrong Lane được sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn - Tiến sĩ Blundell, lần đầu tiên thực hiện thành công truyền máu để điều trị bệnh Hemophilia.

1867 - Bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister sử dụng chất khử trùng để kiểm soát sự lây nhiễm trong truyền máu.

Từ 1873-1880 - Trong những năm này, các bác sĩ Mỹ ghi nhận, đã truyền sữa (từ bò, dê) cho người.

1884 - Truyền nước muối thay thế sữa như “chất thay thế máu”, do tần số phản ứng bất lợi với sữa tăng.

1901 - Karl Landsteiner, một bác sĩ người Áo, cá nhân quan trọng nhất trong lĩnh vực truyền máu, lần đầu tiên 3 nhóm máu người được ghi nhận A, B và O.


Hình 2: Bác sĩ Karl Landsteiner
Hình 2: Bác sĩ Karl Landsteiner

1902: Nhóm máu chính thứ 4 là nhóm máu AB của người được ghi nhận bởi A.Decastrello và A. Sturli.

1907: Hektoen cho rằng an toàn của việc truyền máu có thể được cải thiện bằng thực hiện phản ứng chéo (cross-matching) giữa máu của người cho và người bệnh để loại trừ các hỗn hợp không tương thích. Reuben Ottenberg lần đầu tiên truyền máu theo nhóm máu và thực hiện phản ứng chéo (cross-matching). Ottenberg cũng áp dụng quy luật của Menden vào nhóm máu và O là nhóm được công nhận phổ biến nhất.

1908: Bác sĩ phẫu thuật người Pháp, Alexis Carrel đề xuất một phương pháp để ngăn chặn đông máu. Phương pháp của ông đòi hỏi phải nối đông mạch của người cho trực tiếp với tĩnh mạch của người nhận qua đường khâu của vết mổ. Ông lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật này để cứu sống con trai của một người bạn với ba bệnh nhân là người cho máu. Quy trình này không khả thi cho truyền máu, mở đường cho việc cấy ghép nội tạng thành công sau này, Carrel nhận giải Nobel năm 1912.

1908: Carlo Moreschi ghi nhận phản ứng Antiglobulin.

1912: Roger Lee, một bác sĩ ở Massachusetts General Hospital, cùng với P. D. White, xây dựng và phát triển thời gian đông máu "Lee-White". Lee tiếp tục chứng minh rằng máu từ tất cả các nhóm có thể được truyền được cho bệnh nhân nhóm AB.

1914: Chất chống đông mới kéo dài thời gian chống đông, Natricitrate được phát hiện, cho phép bảo quản máu lâu hơn.

1915: Tại Bệnh viện Mt. Sinai ở thành phố New York, Richard Lewisohn được ghi nhận là đã sử dụng Natricitrate như một chất chống đông máu, làm thay đổi quy trình truyền máu trước đây thành quy trình truyền máu cơ bản như hiện nay và hoạt động Ngân hàng máu cơ bản đã hình thành. Hơn nữa, cùng thời gian này, R. Weil chứng minh tính khả thi của bảo quản lạnh cũng là hình thức chống đông máu.

1916: Francis Rous và J. R. Turner giới thiệu một dung dịch citrate glucose có thể lưu trữ máu trong vài ngày sau khi lấy máu. Ngoài ra, năm 1915 Lewisohn khám phá điều này cho phép máu được lưu trữ trong các thùng chứa để truyền sau và phương pháp truyền trực tiếp từ tĩnh mạch đến tĩnh mạch ra đời (vein-to-vein). Phát hiện này cũng trực tiếp dẫn đến việc thành lập "kho máu" đầu tiên của Anh trong Thế chiến I. Oswald Robertson đã được ghi nhận là tác giả của "kho máu" này.

1925: Karl Landsteiner, sau đó làm việc tại thành phố New York, hợp tác với Phillip Levine, phát hiện ra ba nhóm máu: M, N và P.

1926: Hội Chữ thập đỏ Anh thiết lập các dịch vụ truyền máu người đầu tiên trên thế giới.

1930: Karl Landsteiner, nhân vật quan trọng nhất trong Y học truyền máu, người phát hiện ra ba nhóm máu của con người đầu tiên, nhận giải Nobel Y học.

1932: Cơ sở hoạt động đầu tiên như một ngân hàng máu được thành lập ở Bệnh viện Leningrad, Nga.

1937: Bernard Fantus, giám đốc điều trị tại Bệnh viện Cook County ở Chicago, Illinois (Mỹ), thành lập ngân hàng máu Bệnh viện đầu tiên ở Mỹ. Với phòng thí nghiệm Bệnh viện có khả năng giữ và lưu trữ máu của người hiến, Fantus gọi là "Ngân hàng máu". Trong vài năm, các ngân hàng máu Bệnh viện và cộng đồng bắt đầu được thành lập trên khắp nước Mỹ. Tại Mỹ, một số Ngân hàng máu sớm nhất được ghi nhận là ở Cincinnati, Miami, New York và San Francisco.

Năm 1939 và năm 1940: Các hệ thống nhóm máu Rh được phát hiện bởi Karl Landsteiner, Alex Wiener, Philip Levine và R. E. Stetson và nhanh chóng được công nhận là nguyên nhân của phần lớn các phản ứng truyền máu sau đó. Được gọi là hệ thống Rhesus (Rh), một thử nghiệm đáng tin cậy cho nhóm Rh này đã được thiết lập, các phản ứng truyền máu trở nên hiếm hoi. Xác định yếu tố Rh, bên cạnh ABO là một bước đột phá quan trọng trong Ngân hàng máu.


Hình 3: Nhóm máu ABO, Rh
Hình 3: Nhóm máu ABO, Rh

1940: Edwin Cohn, một giáo sư sinh hóa tại Trường Y Harvard, đã phát triển một ethanol phân đoạn lạnh, quá trình phân tách huyết tương ra khỏi các thành phần khác của máu. Albumin, một loại protein có đặc tính thẩm thấu mạnh, cộng với gamma globulin và fibrinogen đã bị tách riêng và sẵn sàng sử dụng trong lâm sàng. Hiệu quả của việc sử dụng albumin trong truyền máu lần đầu tiên đã được chứng minh bởi John Elliott.

1941: Isodor Ravdin, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng từ Philadelphia, điều trị sốc có hiệu quả cho các nạn nhân của trận Trân Châu cảng với albumin của Cohn. Tiêm trực tiếp vào máu, albumin hấp thụ chất lỏng từ các mô xung quanh, ngăn chặn sự xẹp mạch máu, triệu chứng có liên quan đến sốc.

1943: J. F. Loutit và P. L. Mollison giới thiệu dung dịch acid citrate dextrose (ACD), làm giảm thể tích chất chống đông máu, cho phép truyền khối lượng máu lớn hơn và lưu trữ máu lâu hơn.

1943: P. Beeson công bố tai biến truyền máu liên quan đến viêm gan.

1945: Coombs, Mourant và Race mô tả việc sử dụng Antihuman Globulin "Coombs Test" để xác định các kháng thể bất thường.

1947: Hiệp hội các ngân hàng máu Mỹ (AABB) được thành lập để "thúc đẩy các mục tiêu chung của các ngân hàng máu và hiến máu cộng đồng Mỹ ra đời".


Hình 4: Ngân hàng máu
Hình 4: Ngân hàng máu

Năm 1949 và 1950: Hệ thống thu gom máu tại Mỹ đã tăng lên đến khoảng 1.500 ngân hàng máu Bệnh viện, 46 trung tâm Huyết học cộng đồng và 31 Hội Chữ thập đỏ khu vực tại Mỹ.

1950: Việc sử dụng glycerol như chất bảo quản đông lạnh hồng cầu trở nên phổ biến.

1950: Carl Walter và W. P. Murphy, Jr., giới thiệu các túi nhựa để thu thập máu. Thay thế chai thủy tinh dễ vỡ bằng những túi nhựa. Phát triển kỹ thuật này kéo theo sự phát triển của hệ thống thu gom an toàn và dễ dàng hơn, điều chế nhiều thành phần máu từ một đơn vị máu toàn phần duy nhất.

1951: AABB (Hiệp hội Ngân hàng máu Mỹ) thiết lập một hệ thống trung tâm tập trung, cung cấp và trao đổi giữa các ngân hàng máu ở Mỹ.

1953: Phát triển các máy ly tâm làm lạnh tiến hành điều chế thành phần máu cho điều trị.


Hình 5: Các chế phẩm máu
Hình 5: Các chế phẩm máu

1954: Chế phẩm Kết tủa lạnh (Cryoprecipitate) (nay là AHF) được phát triển cho những người bị bệnh Hemophilia.

1954-1958: Sản phẩm được điều chế từ huyết tương được phát triển để điều trị các bệnh như thủy đậu.

1959: Max Perutz của Đại học Cambridge giải mã cấu trúc phân tử của hemoglobin, phân tử vận ​​chuyển oxy và cung cấp màu cho tế bào hồng cầu.

1960: A. Solomon và J. L. Fahey báo cáo quá trình lọc máu điều trị lần đầu tiên.

1961: Vai trò của tiểu cầu đậm đặc trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân ung thư bị xuất huyết đã được công nhận.

1962: Yếu tố Antihemophilic (AHF) đậm đặc đầu tiên để điều trị rối loạn đông máu ở bệnh nhân Hemophilia đã được phát triển thông qua quá trình chưng cất phân đoạn.

1962: Ở Mỹ có khoảng 4.400 ngân hàng máu Bệnh viện, 123 trung tâm Huyết học cộng đồng và 55 trung tâm Chữ thập đỏ, thu thập sáu triệu đơn vị máu mỗi năm.

1964: Chiết tách huyết tương được giới thiệu như một phương tiện thu thập huyết tương phân đoạn.

1967: Rh globulin miễn dịch đã được giới thiệu thương mại để ngăn chặn bệnh Rh ở trẻ sơ sinh có mẹ mang Rh âm.

1969: S. Murphy và F. Gardner đã chứng minh tính khả thi khi lưu trữ tiểu cầu ở nhiệt độ phòng, một cuộc cách mạng điều trị truyền tiểu cầu.

1971: Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt (HBsAg) viêm gan B tiến hành ở người hiến máu bắt đầu tại Mỹ.

1972: Chiết tách tiểu cầu “Apheresis” đã được sử dụng để tách tiểu cầu.

1979: Một chất chống đông máu mới, CPDA-1, kéo dài thời gian lưu trữ của máu và các tế bào máu đến 35 ngày, tăng cường cung cấp máu và tạo điều kiện chia sẻ máu giữa các ngân hàng máu với nhau.

Đầu những năm 1980: Các bác sĩ bắt đầu được đào tạo đặc biệt về truyền máu và tích cực tham gia chăm sóc bệnh nhân.

1983: Chất nuôi dưỡng hồng cầu mới được giới thiệu, kéo dài thời gian lưu trữ máu đến 42 ngày.

1985: Các xét nghiệm sàng lọc máu đầu tiên để phát hiện HIV được cấp phép và thực hiện bởi các Ngân hàng máu Mỹ.

1987: Hai xét nghiệm gián tiếp để sàng lọc viêm gan C được phát triển và thực hiện: anti-HBc và kiểm tra men gan alanine (ALT).

1989: Tại Mỹ, lần đầu tiên thực hiện sàng lọc virus HTLV-I (anti HTLV-I) ở người hiến máu.

1990: Xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan C (loại viêm gan không phải A, B).

1992: Xét nghiệm sàng lọc kháng thể kháng HIV-1 và kháng thể HIV-2.

1996: Xét nghiệm kháng nguyên p24 HIV.

1999: Kỹ thuật khuếch đại acid nucleic (Nucleic Acid Amplification Testing- NAT) được sử dụng trong sàng lọc máu được FDA công nhận. NAT trực tiếp phát hiện các vật liệu di truyền của virus như viêm gan C và HIV.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn:

THE HISTORY OF BLOOD TRANSFUSION AND BLOOD TRANSFUSION MEDICINE. http://www.bloodbook.com/trans-history.html.

The History of Blood Banking

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe