Hồng cầu rửa là một loại chế phẩm máu đặc biệt khi các tế bào hồng cầu được rửa sạch hai lần với nước muối sinh lý. Loại chế phẩm này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tai biến khi truyền máu, nhất là trên các đối tượng đã từng có tiền căn.
1. Hồng cầu rửa là gì?
Hồng cầu rửa là một loại chế phẩm máu bao gồm các hồng cầu đã được rửa bằng nước muối. Theo đó, những kỹ thuật viên, bác sĩ huyết học sẽ lấy các đơn vị máu toàn phần hoặc hồng cầu lắng đem đi rửa bằng 1 đến 2 lít nước muối sinh lý bằng phương pháp thủ công hoặc trong một máy rửa tế bào máu tự động. Sản phẩm sau khi được rửa sẽ khó tránh khỏi tỷ lệ các hồng cầu thiếu hụt hơn so với ban đầu từ 10 đến 20%.
Như vậy, vì có một số lượng lớn các thành phần đã bị rửa trôi, nguy cơ xảy ra triệu chứng bất lợi, bao gồm các tai biến truyền máu, sẽ được giảm thiểu. Các thành phần là gồm có 99% lượng protein huyết tương và 85% số lượng bạch cầu so với ban đầu. Nồng độ kali tồn dư chỉ còn là 0,2 mEq/L. Các chất chuyển hóa của hồng cầu khác gần như cũng được loại bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, quá trình rửa cũng loại bỏ các cytokine gây ra phản ứng sốt.
Do quá trình điều chế hồng cầu rửa xảy ra trong hệ thống hở, phá vỡ niêm phong của các đơn vị máu toàn phần hoặc hồng cầu lắng ban đầu, nguy cơ nhiễm khuẩn là khó có thể tránh khỏi một cách tuyệt đối. Vậy nên, chế phẩm máu này có thời hạn sử dụng ngắn, không quá 24 giờ kể từ khi điều chế, dù vẫn cần bảo quản ở nhiệt độ 2 - 6 độ C. Ngoài ra, việc loại bỏ dung dịch bảo quản chống đông máu cũng làm hạn chế khả năng sống và chức năng của tế bào.
2. Các chỉ định sử dụng hồng cầu rửa là gì?
Chỉ định truyền hồng cầu rửa như sau:
- Tiền căn đã có các phản ứng truyền máu không cải thiện được bằng cách truyền hồng cầu nghèo bạch cầu
- Có tình trạng thiếu IgA với sự hiện diện của kháng thể kháng IgA trong máu
- Từng có phản ứng phản vệ mức độ nặng trong lần truyền máu trước đó
- Từng có phản ứng dị ứng phát hồng ban nghiêm trọng nhưng không thể ngăn chặn được bằng thuốc kháng histamine trước truyền máu
- Cần truyền máu cho trẻ sơ sinh hoặc thai nhi trong buồng tử cung.
Tuy nhiên, không được tùy tiện sử dụng hồng cầu rửa vì lý do tình huống khẩn cấp, bệnh nhân thiếu IgA đơn thuần, phản ứng sốt có thể được điều trị kiểm soát với thuốc hạ sốt và các chế phẩm máu nghèo bạch cầu...
Tóm lại, tiền căn mắc phải tai biến truyền máu khó kiểm soát là yếu tố cần phòng tránh trong lần truyền máu tiếp theo. Lúc này, hồng cầu rửa là chế phẩm máu được lựa chọn, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, duy trì cuộc sống trên các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo cần phải truyền máu suốt đời.
XEM THÊM: