Mệt mỏi mãn tính đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tình trạng lúc nào cũng mệt mỏi làm ảnh hưởng thật sự đến cuộc sống, công việc, học tập. Đặc biệt có thể dẫn đến trầm cảm thực sự, sống cô lập với xung quanh, suy nhược cơ thể trầm trọng.
1. Mệt mỏi mãn tính là gì?
Mệt mỏi mãn tính là một hội chứng tên tiếng anh là Chronic Fatigue Syndrome (CFS) đặc trưng bởi tình trạng người bệnh cảm thấy uể oải, lúc nào cũng thấy mệt mỏi chung chung không rõ lý do, mệt mỏi này kéo dài ít nhất 6 tháng và không được cải thiện ngay cả khi bệnh nhân đã được nghỉ ngơi, không liên quan đến các bệnh lý khác.
Hậu quả của việc lúc nào cũng mệt mỏi:
- Ảnh hưởng mạnh đến công việc, học hành, giảm các hoạt động bản thân cũng như chán chường không muốn tham gia các hoạt động cộng đồng xã hội.
- Có thể dẫn đến trầm cảm, nặng nhất của trầm cảm là tự tử, tự hủy hoại bản thân, sống cô lập với thế giới xung quanh
- Phong cách sống hạn chế
- Hạn chế trong công việc
- Suy nhược cơ thể
2. Nguyên nhân gây ra mệt mỏi mãn tính
Nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi mãn tính gồm:
- Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến nhiều yếu tố như nhiễm virus, nhiễm toxins.
- Sau khi phẫu thuật, sau chấn thương
- Rối loạn chức năng trong hệ thống miễn dịch
- Một số thuốc như nhóm Benzodiazepam, Betablocks, thuốc chống trầm cảm và dùng kháng sinh lâu ngày cũng có thể gây ra mệt mỏi mãn tính
- Nguyên nhân mệt mỏi mãn tính khác như thiếu máu thiếu sắt, hạ glucose máu, bệnh dị ứng, thay đổi các hormone sản xuất tại các vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận.
3. Biểu hiện của mệt mỏi mãn tính
Biểu hiện bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, các triệu chứng chính bao gồm:
- Mệt mỏi: Mệt mỏi là biểu hiện sự thiếu hụt năng lượng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, không liên quan tới gắng sức và không giảm khi nghỉ ngơi. Mệt mỏi trong hội chứng này thường kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Ngoài ra có cảm giác không muốn ăn uống, hạn chế trong các hoạt động hàng ngày.
- Khó chịu sau gắng sức: Khi tham gia vào các hoạt động gây gắng sức bệnh nhân sẽ cảm thấy kiệt sức khó hồi phục, gây hại cho cơ thể. Do đó, những người mắc chứng mệt mỏi mãn tính phải tự kiểm soát hoạt động của mình để tránh bị quá sức.
- Rối loạn giấc ngủ: Mệt mỏi mãn tính thường gây rối loạn giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, mất ngủ, ngủ không sâu, khó đi vào giấc ngủ, ngủ ngủ quá nhiều, hay gặp ác mộng, đổ mồ hôi vào ban đêm. Người bệnh thức dậy với cơ thể mệt mỏi mặc dù đã nghỉ ngơi sau một đêm dài.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Suy giảm nhận thức: Những người bị suy giảm nhận thức có thể có vấn đề về trí nhớ. Việc suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề đơn giản cũng có thể làm suy giảm nghiêm trọng mức năng lượng ở một người mắc chứng mệt mỏi mãn tính.
- Hạ huyết áp tư thế đứng: Đây là những triệu chứng xảy ra khi chuyển từ nằm ngửa sang ngồi hoặc đứng như chóng mặt, mất thăng bằng.
- Đau: Hầu hết tất cả những người bị hội chứng mệt mỏi mãn tính đều xuất hiện tình trạng đau, khó chịu từ đau đầu, chuột rút nhẹ cho đến đau dữ dội, đau nhức chung ở cả cơ và khớp. Các kiểu đau khác cũng rất phổ biến như: đau kiểu âm ỉ, đau nhói hay đau có kèm theo ngứa ran.
- Các triệu chứng khác như sốt nhẹ, khó tập trung, giảm hoặc tăng cân, đau ngực, nhịp tim nhanh, đau họng, đau cơ, nổi hạch, ho kéo dài, mắt nhạy cảm ánh sáng, đau mắt hoặc khô mắt, dị ứng, chóng mặt, dễ cáu gắt, lo lắng, hoảng loạn,...
4. Điều trị mệt mỏi mãn tính
Nguyên tắc điều trị:
- Không có phương pháp cụ thể điều trị chứng mệt mỏi. Mục đích của điều trị nhằm cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng phối hợp các phương pháp điều trị,
- Cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn
- Điều trị triệu chứng
- Liệu pháp tâm lý
Cụ thể:
- Khuyên người bệnh thay đổi cách suy nghĩ và cách cư xử, thường xuyên đưa người bệnh đi chơi, đi du lịch.
- Sử dụng thuốc giảm đau bằng acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin giúp giảm đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp
- Thuốc chống trầm cảm được dùng ở bệnh nhân có trầm cảm, thường dùng để cải thiện tính khí, kiểm soát đau và giúp ngủ tốt hơn.
- Nhận thức hành vi liệu pháp. Trong liệu pháp hành vi nhận thức, làm việc với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xác định suy nghĩ tiêu cực và hành vi trì hoãn thay thế bằng sự lành mạnh, tích cực.
- Điều trị các vấn đề về giấc ngủ. Thay đổi thói quen ngủ có thể đủ để giúp bắt đầu phục hồi giấc ngủ ban đêm, tránh các chất như caffeine và rượu, bác sĩ có thể kê toa thuốc ngủ..
5. Phong cách sống và biện pháp khắc phục tại nhà
- Tránh căng thẳng: Xây dựng lối sống có kế hoạch nhằm giảm bớt các áp lực, căng thẳng, cho phép bản thân có thời gian thư giãn mỗi ngày.
- Ngủ đủ giấc: Cần có giờ giấc sinh hoạt hợp lý, ngủ sâu giấc. Nếu đêm mất ngủ thì nên hạn chế ngủ trưa hình thành thói quen cho giấc ngủ hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên: Có thể tập dục bằng các môn thể thao như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, gym
- Giữ hoạt động ở cấp độ ổn định, không làm việc quá sức.
- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh uống nhiều nước, hạn chế lượng caffeine, hút thuốc phải dừng lại, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục thường xuyên.
- Các phương pháp trị liệu và thư giãn khác như: Châm cứu, thở sâu, thư giãn cơ bắp như thiền, massage, kéo giãn, yoga có thể làm giảm mệt mỏi, đau đớn, lo lắng và các triệu chứng khác liên quan đến CFS.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.