Khó chịu trong người là từ diễn tả chung cho cảm giác không khỏe, bệnh tật hoặc mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng. Một người có thể cảm thấy như vậy do các vấn đề không nghiêm trọng thoáng qua. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đang mắc các bệnh lý mãn tính và nghiêm trọng hơn mà cần đến sự trợ giúp và điều trị.
1. Cảm giác khó chịu trong người là như thế nào?
Cảm thấy khó chịu trong người nhìn chung là cảm giác không khỏe, là một triệu chứng chứ không phải bệnh. Mỗi người bệnh có xu hướng trải nghiệm và mô tả khó chịu theo những cách khác nhau, thường liên quan đến các yếu tố như không thoải mái, đau đớn, phiền muộn, mệt mỏi, bệnh tật. Những triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện rất chậm, hoặc kéo dài ở những đối tượng khác nhau.
Hầu hết tất cả mọi người đều trải qua cảm giác mệt mỏi và khó chịu trong người, có thể xuất hiện khi mất ngủ, ăn uống kém, làm việc quá sức hoặc bị cảm cúm. Cảm giác mệt mỏi kéo dài khiến cơ thể mất năng lượng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu có thể kể đến như:
- Thiếu máu: việc thiếu máu sẽ khiến quá trình trao đổi chất và cung cấp oxy tới các tế bào bị suy giảm, khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, chóng mặt, uể oải, kiệt sức và thiếu năng lượng. Ngoài ra thiếu máu còn có thể dẫn đến các triệu chứng như rụng tóc, ăn không ngon, đau bụng, ù tai, lạnh tay chân và tim đập bất thường
- Bệnh đái tháo đường: khiến người bệnh thường mệt mỏi, khát nước, tiểu tiện thường xuyên, đói, sụt cân và cáu gắt, trong đó mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên và kéo dài nhất
- Bệnh tuyến giáp: khi bị bệnh này các hormon tuyến giáp hoạt động không hiệu quả làm rối loạn quá trình chuyển hóa khiến cơ thể mệt mỏi
- Suy tuyến thượng thận: cũng là tình trạng khiến người bệnh mệt mỏi, sút cân, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy và tăng sắc tố da
- Bệnh trầm cảm: là bệnh lý rối loạn tâm trạng gây cho người bệnh cảm giác buồn bực, mỏi mệt, suy nghĩ tiêu cực, nếu không được điều trị mà để kéo dài có thể để lại các hậu quả nghiêm trọng.
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính: là một dạng bệnh lý gây mệt mỏi kéo dài ở nhiều mức độ khác nhau khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi mà không hề cải thiện dù đã được nghỉ ngơi
- Thiếu vitamin B12: là vitamin đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe não bộ, quá trình trao đổi chất và hệ miễn dịch. Việc thiếu hụt B12 khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động không hiệu quả, cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, ủ rũ.
- Do bệnh về đường hô hấp: các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp cũng khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi thường xuyên nên đừng chủ quan khi có các triệu chứng mệt mỏi kéo dài.
2. Khám và chẩn đoán khó chịu kéo dài như thế nào?
Việc khám và chẩn đoán triệu chứng khó chịu kéo dài khá khó khăn, vì có quá nhiều nguyên nhân và mọi người có xu hướng trải nghiệm và mô tả tình trạng khó chịu theo những cách khác nhau. Khi tiếp cận những đối tượng này bác sĩ cần khai thác đầy đủ một lịch sử y tế cụ thể gồm:
- Thói quen ăn uống và tập thể dục
- Thói quen ngủ
- Sử dụng ma túy hoặc rượu
- Thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn
- Tiền sử gia đình và các triệu chứng khác
Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu của người bệnh tạm thời và không cần điều trị y tế, có thể kể đến như:
- Thay đổi múi giờ
- Quá sức
- Cảm cúm
Nếu các vấn đề này nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc có bất kỳ triệu chứng bổ sung nào thì người bệnh nên đến khám bác sĩ để được điều trị hiệu quả hơn.
3. Phương pháp điều trị khó chịu
Thực tế việc điều trị khó chịu còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân, nếu đó là kết quả từ một vấn đề y tế thì việc giải quyết tình trạng đó có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Những người trải qua mệt mỏi có thể được khuyến khích sử dụng các chất như caffeine hoặc modafinil. Những loại thuốc này có thể giảm bớt sự mệt mỏi, khó chịu trong thời gian ngắn nhưng không phải là một giải pháp lâu dài.
Để thực sự giải quyết hoàn toàn vấn đề khó chịu lâu ngày, người bị mệt mỏi cần hoạt động thể chất thường xuyên hơn, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện sức khỏe. Một số trường hợp người khó chịu đặc trưng bởi cảm giác trầm cảm, có thể cải thiện tình trạng bằng các loại thuốc trầm cảm hoặc thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức. Tuy nhiên, tất cả nên được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và điều chỉnh trị liệu tốt hơn.
Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã hiểu thêm về tình trạng mệt mỏi và có cách khắc phục giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.
Trong trường hợp nếu bị mệt mỏi kéo dài bạn nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, nhằm có những tư vấn phù hợp về tình trạng hiện tại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.