Rối loạn chuyển hóa nước và điện giải kèm đau thắt ngực phải làm sao?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi bị rối loạn chuyển hóa nước và điện giải, rối loạn chức năng gan, đau thắt ngực, loãng xương làm cho cơ thể tôi nhức mỏi toàn thân. Do dịch bệnh nên tôi không thể đi bệnh viện. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi rối loạn chuyển hóa nước và điện giải kèm đau thắt ngực phải làm sao? Mong bác sĩ tư vấn, tôi cảm ơn bác sĩ.

Đỗ Thị Thu Hương (1966)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bác,

Với câu hỏi “Rối loạn chuyển hóa nước và điện giải kèm đau thắt ngực phải làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Rối loạn thăng bằng nước điện giải thường gặp là trạng thái thiếu nước và điện giải, mà trong đó mất nước ưu trương là hay gặp hơn cả, thường phát sinh trước hoặc sau phẫu thuật do ăn uống thiếu, bổ sung không đầy đủ lượng nước cần thiết, nôn mửa, ỉa chảy, bay hơi mồ hôi quá nhiều do sốt, tăng tần số thở,...

  • Mất nước mức độ nhẹ: Khi lượng nước thiếu không quá 1-2 lít (2-3% trọng lượng cơ thể). Hội chứng lâm sàng khi đó có thể là khát, khô miệng, giảm lượng nước tiểu, nhịp tim nhanh.
  • Mất nước mức độ trung bình: Khi lượng nước thiếu hụt từ 3-5 lít (5-8 % trọng lượng cơ thể). Bệnh nhân thấy khát hơn, lưỡi khô, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, mạch yếu, mệt mỏi, thiểu niệu, rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
  • Mất nước mức độ nặng: Lượng nước thiếu 8 lít hoặc hơn (8% trọng lượng cơ thể). Lúc này hình ảnh lâm sàng là sốc giảm khối lượng máu lưu hành, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, mất ý thức mê sảng, ảo giác, kích thích vận động tâm thần, toan chuyển hóa, vô niệu, sốt, huyết áp tụt, mạch nhanh.

Nếu bác đã có kết quả xét nghiệm rõ ràng điện giải đồ giảm thì nên bù tùy theo mức độ nhẹ như uống Oresol, nếu nặng thì có thể cân nhắc bù dịch đường truyền.

Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim, cơn đau thắt ngực có cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim.

Dấu hiệu đau thắt ngực có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn, chừng 10-30 giây hoặc vài phút. Trường hợp cơn đau kéo dài trên 15 phút thì nhiều khả năng bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực có 2 loại: Đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đối với đau thắt ngực ổn định, nguyên nhân là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành. Dấu hiệu của cơn đau xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh vận động gắng sức nhưng ổn định lại khi nghỉ ngơi.

Trước hết, bác cần phải ngừng ngay lập tức mọi hoạt động gắng sức và nghỉ ngơi ngay lập tức. Bác nên đến khám để bác sĩ có thể kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nếu bác còn thắc mắc về rối loạn chuyển hóa nước và điện giải, bác có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bác có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe