Lọc máu, chạy thận: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy thận mạn là tình trạng bệnh lý gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau khiến thận không thể thực hiện được vai trò lọc và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể, lúc này việc lọc máu chạy thận cho bệnh nhân là phương pháp điều trị cần thiết để thay thế thận. Phương pháp lọc máu chu kỳ đang được áp dụng rộng rãi giúp bệnh nhân vẫn có thể làm việc hoặc du lịch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Lọc máu và chạy thận có khác nhau không?

Thận của một người khỏe mạnh mỗi ngày lọc khoảng 120-150 lít máu, nếu thận không hoạt động hiệu quả sẽ khiến chất thải tích tụ trong máu có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong. Lúc này việc lọc máu hay chạy thận nhân tạo sẽ giúp ngăn ngừa các chất thải trong máu đạt ngưỡng nguy hiểm hoặc loại bỏ độc tố, thuốc trong trường hợp khẩn cấp. Như vậy lọc máu và chạy thận đều là tên gọi chung cho phương pháp điều trị hỗ trợ thận của bệnh nhân loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu khi thận không còn làm được điều này.


Lọc máu (hay chạy thận) giúp loại bỏ các chất lỏng dư thừa trong máu
Lọc máu (hay chạy thận) giúp loại bỏ các chất lỏng dư thừa trong máu

2. Có những phương pháp lọc máu nào đang được sử dụng?

Trong thực tế có nhiều dạng lọc máu khác nhau, trong đó có 3 phương pháp chính là:

  • Chạy thận nhân tạo ngắt quãng (hay còn gọi là chạy thận nhân tạo chu kỳ) (Intermittent Hemodialysis – IHD)
  • Lọc màng bụng (Peritoneal dialysis – PD)
  • Liệu pháp thay thế thận liên tục (Continuous renal replacement therapy – CRRT)

Mỗi phương pháp lọc máu sẽ được chỉ định dựa trên các yếu tố sức khỏe bệnh nhân, phương tiện tại cơ sở y tế cũng như chi phí có thể đáp ứng được của bệnh nhân

2.1 Phương pháp chạy thận nhân tạo chu kỳ

Nguyên tắc lọc máu: máu bệnh nhân được đưa ra ngoài bằng hệ thống dây dẫn, đi qua màng lọc nhân tạo, máu được trao đổi chất với dịch lọc nhằm lấy đi độc tố ure và nước dư thừa, sau đó được đưa trở lại cơ thể.

Yêu cầu khi chạy thận nhân tạo chu kỳ: người bệnh cần có đường lấy máu đủ cho cuộc lọc (có thể qua cầu nối động tĩnh mạch được phẫu thuật ở tay hoặc qua catheter đặt ở các tĩnh mạch lớn).

Thời gian thực hiện: chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 2-3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài từ 3-4 giờ tùy thuộc vào chức năng thận còn lại và lượng máu, chất thải lọc được qua các lần điều trị

2.2 Phương pháp lọc màng bụng

Nguyên tắc lọc máu: phương pháp lọc màng bụng sẽ hoạt động thông qua khuếch tán máu, một dung dịch lọc máu vô trùng giàu khoáng chất và glucose được đưa qua một ống vào khoang phúc mạc có màng bán thấm, màng phúc mạc. Dựa vào khả năng lọc tự nhiên của phúc mạc, chất lọc sẽ được lưu lại trong màng bụng một thời gian để có thể hấp thụ chất thải, sau đó dẫn lưu ra ngoài qua ống. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần trong ngày và thực hiện qua đêm với một hệ thống tự động.


Người bệnh có thể tự thực hiện lọc màng bụng tại nhà
Người bệnh có thể tự thực hiện lọc màng bụng tại nhà

Ưu điểm: lọc màng bụng giúp bệnh nhân thoải mái hơn do có thể được thực hiện tại nhà thay vì đến các cơ sở y tế nhiều lần mỗi tuần. Trước khi bắt đầu lọc màng bụng thì bệnh nhân cần được thực hiện thủ thuật phẫu thuật nhỏ để đặt ống thông vào bụng. Lọc màng bụng là giải pháp phù hợp cho bệnh nhân không đủ sức khỏe để chạy thận nhân tạo thường xuyên (người già, trẻ sơ sinh, trẻ em) hoặc những người hay di chuyển.

Nhược điểm: Phương pháp lọc màng bụng thực tế kém hiệu quả hơn chạy thận nhân tạo khi bệnh nhân đã hết nước tiểu, nguy cơ nhiễm trùng màng bụng, chân ống và đường hầm nếu thực hiện không đúng cách.

2.3 Liệu pháp thay thế thận liên tục

Nguyên tắc lọc máu: các phương pháp thay thế thận liên tục được thiết kế để thực hiện lọc máu chậm, liên tục và có thể kéo dài 24 giờ , thường áp dụng tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt, cho các bệnh nhân nặng và huyết áp không ổn định, nhiễm khuẩn huyết.

3. Những điều cần phải lưu ý khi lọc máu

Lọc máu là một phương pháp điều trị hỗ trợ phổ biến cho bệnh nhân suy thận nhưng chắc chắn không thể hiệu quả như thận bình thường. Những bệnh nhân lọc máu cần chú ý đến chế độ ăn của bản thân cũng như việc uống các loại thuốc hỗ trợ điều trị. Ngoài ra thì người bệnh đã lọc máu vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, miễn là tuân theo quy trình lọc máu định kỳ.


Bệnh nhân lọc máu vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường
Bệnh nhân lọc máu vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường

Lọc máu có thể ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai do cơ thể sản sinh ra lượng lớn chất thải trong thai kỳ. Do đó phụ nữ mang thai có thể cần lọc máu nhiều lần hơn trong thai kỳ, nếu được ghép thận thành công thì khả năng sinh sản lại trở lại bình thường

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe