Khám phản xạ là khám gì? Cách khám như thế nào

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phản xạ là một trong các chức năng của hệ thần kinh. Sự toàn vẹn của đáp ứng phản xạ là bằng chứng về tính nguyên vẹn của hệ thần kinh. Qua đó, khám phản xạ thần kinh là điều không thể thiếu trong tiếp nhận bệnh nhân có nghi ngờ tổn thương thần kinh nói chung hay khám bệnh lý thần kinh nói riêng.

1. Khám phản xạ thần kinh là khám gì?

Khám phản xạ là phần khách quan nhất của kiểm tra thần kinh. Điều này rất hữu ích trong việc giúp xác định mức độ tổn thương của hệ thần kinh. Thậm chí, trong một số tình huống, phản xạ có thể là phần chính yếu của việc thăm khám, như ở bệnh nhân hôn mê.

Điều kiện để khám phản xạ một cách chuẩn xác, có giá trị là đòi hỏi sự hợp tác tối thiểu từ phía bệnh nhân và tạo ra phản ứng có thể được đánh giá khách quan bởi bác sĩ. Đồng thời, bác sĩ cần phải biết các phản xạ thường thực hiện nhất và các kết quả có thể nhận được. Tuy nhiên, việc giải thích các phản ứng của phản xạ đòi hỏi một số phân tích kỹ lưỡng, dựa trên giải phẫu và sinh lý chức năng.

Các nhóm phản xạ thường được thăm khám bao gồm:

  • Các phản xạ liên quan đến các dây thần kinh sọ như phản xạ ánh sáng đồng tử, phản xạ quai hàm
  • Các phản xạ cơ xương
  • Các phản xạ nông ngoài da

Tất cả các phản xạ nêu trên, dù ở mức độ đơn giản nhất, đều có cấu tạo từ một cung cảm biến. Trong đó, cung phản xạ đòi hỏi cần có tín hiệu cảm giác (hướng tâm) và tín hiệu vận động (ly tâm). Trong khi các phản xạ đơn giản chỉ liên quan đến một khớp nối thần kinh trực tiếp giữa sợi cảm giác và sợi vận động, một số phản xạ có thể cần đến nhiều nơron liên kết.

2. Khám phản xạ gân cơ

Phản xạ gân cơ là một phản xạ đơn giản, với tế bào thần kinh nhận cảm có các kết nối trực tiếp với sợi trục trong cơ.


Khám phản xạ gân cơ nhị đầu
Khám phản xạ gân cơ nhị đầu

Phản xạ căng cơ bình thường dẫn đến sự co rút của cơ khi gân bị kéo căng một cách đột ngột. Kết quả được phân loại theo cách bán định lượng với mức độ đáp ứng của phản xạ gân sâu là từ 0 đến 4+. Kết quả 2+ là bình thường trong khi kết quả 0 là biểu thị không có phản hồi nào cả. 1+ hay 3+ cho biết kết quả phản xạ giảm hơn hay tăng hơn mức bình thường.

Cụ thể là kết quả 1+ có nghĩa là một phản xạ chậm chạp hoặc bị ức chế. Trong trường hợp này, bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng cung phản xạ, do khiếm khuyết bất kỳ thành phần nào hay con đường dẫn truyền bị trì trệ. Ngược lại, nếu các phản xạ nhanh hơn đáng kể so với thông thường được gọi là 3+ trong khi 4+ có nghĩa là phản xạ này rất hiếu động và có sự xuất hiện của rung giật tại chỗ. Đây là một phản ứng phản xạ lặp đi lặp lại và là biểu hiện của tổn thương hệ thống ức chế, kìm hãm.

Trong thực tế, bác sĩ khám khám phản xạ gân cơ bằng cách dùng búa gõ trên đầu các gân lớn như gân xương bánh chè, gót chân... Một cách để phản xạ dễ bộc lộ hơn là làm giảm sự chú ý của người bệnh vào thao tác khám bằng cách cho người bệnh đếm số ngược, kéo đối kháng hai bàn tay.

3. Khám phản xạ nông ngoài da

Phản xạ nông ngoài da là phản ứng đối với các kích thích trên da. Kết quả của phản xạ được phân loại đơn giản như có đáp ứng với kích thích hay không đáp ứng. Bên cạnh đó, các phản ứng trên da nhưng không đối xứng rõ ràng qua trục cơ thể thì cũng sẽ được coi là bất thường.

Cơ chế của các phản xạ này khá khác biệt so với các phản xạ căng cơ ở chỗ tín hiệu cảm giác không chỉ đến tủy sống mà còn phải liên kết qua nhiều tế bào trung gian để đến não. Sau đó, con đường đáp ứng lại phải xuống tủy sống để đến các tế bào thần kinh vận động. Như vậy, phản xạ nông ngoài da là một ví dụ cho phản xạ đa nơ-ron. Từ đó, bất kỳ tổn thương nào trong các thành phần này cũng đều gây ra kết quả bất thường trong cung phản xạ.

Một ví dụ cổ điển về phản xạ nông trên da là phản xạ da bụng. Bằng cách dùng vật đầu tù kích thích vào một phần tư bụng sẽ thấy sự co thắt của cơ bụng ở góc phần tư đó. Tương tự như vậy, sự kích thích và đáp ứng trên da cũng dễ dàng quan sát được khi sờ chạm vào da bìu, da vùng quanh hậu môn.


Vùng và hướng kích thích khi khám phản xạ da bụng và da bìu
Vùng và hướng kích thích khi khám phản xạ da bụng và da bìu

4. Khám phản xạ của dây thần kinh sọ

Bản thân các dây thần kinh sọ cũng tạo thành các cung phản xạ với nhau. Trong đó, một dây đóng vai trò tiếp nhận kích thích, đưa tín hiệu và hệ thần kinh xử lý tại các nhân. Giữa các nhân xám của các dây thần kinh cũng có mối liên kết; theo đó, tín hiệu đáp ứng kích thích là tín hiệu vận động theo một dây sọ khác ra ngoài.

Tương tự như việc phân tích các cung phản xạ nêu trên, sự bất thường nào trong các thành phần hay có sự chèn ép con đường dẫn truyền đều dẫn tới những sai lệch trong đánh giá đáp ứng.

Một ví dụ phản xạ của dây thần kinh sọ cổ điển nhất là phản xạ ánh sáng thị giác với con đường nhận cảm là thị giác qua dây thần kinh sọ II và đáp ứng bằng dây sọ III. Để thực hiện phản xạ này, bác sĩ dùng đèn pin soi đồng tử chuyên dụng chiếu vào một bên mắt, đáp ứng kích thích bình thường là đồng tử mắt cùng bên sẽ co nhỏ lại. Khi ngưng kích thích, đồng tử sẽ giãn ra. Đây là phản xạ cơ bản trong đánh giá chức năng não bộ ban đầu ở bệnh nhân hôn mê.

5. Những yếu tố làm thay đổi đáp ứng với phản xạ

Các thay đổi đáp ứng của phản xạ là do các tổn thương hay thay đổi về mặt sinh lý hoặc thực thể trên các thành phần tạo nên cung phản xạ. Theo đó, khi phân tích kết quả thu nhận được sau khi tạo kích thích và để đặt mục tiêu suy luận bệnh lý, vị trí tổn thương, bác sĩ cần nắm rõ các thành phần có liên quan đến rối loạn chức năng ở các cấp độ khác nhau của hệ thống thần kinh.

  • Cơ bắp: Phản xạ căng cơ bị suy giảm nếu sức cơ giảm
  • Khớp nối thần kinh cơ: Phản xạ căng cơ bị suy giảm nếu mất sự liên kết trong khớp nối thần kinh cơ, khiến cho tín hiệu bị cắt đứt
  • Thần kinh ngoại biên: Phản xạ giảm hay không đối xứng có thể do tổn thương thần kinh ngoại biên ở đầu tận thần kinh bên ngoài.
  • Rễ thần kinh: Thành phần của các cung phản xạ có sự tham gia của rễ thần kinh vận động và cảm giác. Nếu rễ thần kinh bị chèn ép do ngoại lực, sự dẫn truyền tín hiệu cũng bị suy giảm. Tuy nhiên, các phản xạ nông ngoài da thường khó nhận thấy sự bất thường do có sự chồng chéo giữa các rễ thần kinh.
  • Tủy sống và thân não: Nhất là đối với các phản xạ đa nơ-ron, tủy sống và thân não là nơi chứa các nơ-ron đóng vai trò liên kết giữa nơ-ron hướng tâm và nơ-ron ly tâm.

Đáp ứng của cung phản xạ với kỹ thuật khám phản xạ thần kinh
Đáp ứng của cung phản xạ với kỹ thuật khám phản xạ thần kinh
  • Tiểu não: Nơi đây có chức năng kiểm soát các phản xạ đáp ứng thăng bằng. Tổn thương tiểu não khiến cơ thể không thể đáp ứng với những thay đổi vị trí trong không gian.
  • Hạch nền (nhân xám): Đây là đầu tận của các sợi thần kinh sọ trong phản xạ thần kinh sọ. Sự liên kết bằng các nơ-ron trung gian giữa hai hạch nền của hai sợi thần kinh hướng tâm và ly tâm cũng là một thành phần không thể thiếu của một cung phản xạ toàn vẹn.
  • Vỏ não: Đây là nơi thực hiện các hoạt động não trung ương của hệ động vật bậc cao và con người, bao gồm cảm xúc, thái độ và trí nhớ. Theo đó, nếu vỏ não tổn thương sẽ gây ra các phản xạ không thích đáng trong tâm lý - tâm thần.

Tóm lại, dấu hiệu của phản xạ là một bằng chứng khách quan của sự toàn vẹn về chức năng hay cấu trúc của một cung phản xạ. Theo đó, mọi nhân viên y tế điều cần biết khám phản xạ thần kinh từ mức độ đơn giản nhất như phản xạ đồng tử trong đánh giá tổn thương sọ não hay phân tích vị trí tổn thương trong cung phản xạ nhằm biện luận các bệnh lý thần kinh chuyên sâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe