Đặt ống dẫn lưu màng phổi ở bệnh nhân hô hấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tràn khí màng phổi hay tràn dịch màng phổi được xem là những căn bệnh liên quan đến chức năng hô hấp phổ biến hiện nay. Một trong những phương pháp điều trị bệnh này là mở màng phổi đặt ống dẫn lưu màng phổi. Dẫn lưu màng phổi tối thiểu là biện pháp giải phóng khoang màng phổi đang bị chèn ép, cần có chỉ định rõ ràng và tuân theo quy trình cụ thể.

1. Đặt ống dẫn lưu màng phổi là gì?

Bên cạnh những phương pháp điều trị tràn khí, tràn dịch màng phổi như điều trị bảo tồn, theo dõi, chọc hút khí, dịch trong khoang màng phổi bằng kim thì đặt ống dẫn lưu màng phổi là một phương pháp điều trị can thiệp nhằm giải phóng khoang màng phổi khỏi sự chèn ép của dịch hay khí trong đó.

Vì dẫn lưu màng phổi tối thiểu là phương pháp đặt ống dẫn lưu màng phổi qua thành ngực của bệnh nhân, có sự xâm lấn nên cần phải được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm, đồng thời phải đảm bảo những nguyên tắc dẫn lưu nhằm điều trị tràn khí, tràn dịch màng phổi hiệu quả.


Đặt ống dẫn lưu màng phổi để can thiệp giải phóng khoang màng phổi.
Đặt ống dẫn lưu màng phổi để can thiệp giải phóng khoang màng phổi.

2. Chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi

Những trường hợp sau đây sẽ được các bác sĩ điều trị chỉ định dẫn lưu màng phổi tối thiểu:

  • Những bệnh nhân mắc phải tràn dịch, tràn khí màng phổi dẫn đến chèn ép phổi và cuối cùng là ảnh hưởng đến chức năng hô hấp hay gây khó thở.
  • Những trường hợp bệnh nhân bị tràn khí, tràn dịch màng phổi tái phát nhiều lần.
  • Bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi có chỉ định dẫn lưu để rửa khoang màng phổi.
  • Sau chấn thương hoặc tai biến sau phẫu thuật dẫn đến tình trạng tràn máu màng phổi.
  • Những bệnh lý ác tính dẫn đến tràn dịch, tràn máu màng phổi cần được đặt ống dẫn lưu màng phổi để gây dính màng phổi.
  • Những bệnh nhân chấn thương dẫn đến hiện tượng tràn khí màng phổi cần phải thông khí nhân tạo.
  • Trường hợp tràn khí màng phổi mãn tính, tràn khí màng phổi hở, có van...
  • Bệnh nhân tràn khí màng phổi nhưng điều trị bằng những phương pháp như chọc hút khí, đặt catheter dẫn lưu khí thất bại.

3. Chống chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi

Đặt ống dẫn lưu màng phổi thường không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên khi thực hiện cũng cần lưu ý đến những trường hợp sau:

  • Những bệnh nhân có những vấn đề về rối loạn đông máu - cầm máu, cụ thể là khi xét nghiệm cận lâm sàng thấy tỷ lệ prothrombin <50%, và/hoặc số lượng tiểu cầu <50 g/L.
  • Những đối tượng bệnh nhân gặp những vấn đề về rối loạn huyết động
  • Những bệnh nhân có tiến sử phẫu thuật lồng ngực hay đã được thực hiện gây dính màng phổi ở vị trí dự định mở màng phổi khiến da có dấu hiệu tổn thương.

4. Chuẩn bị đặt ống dẫn lưu màng phổi

4.1 Chuẩn bị bệnh nhân

  • Người thực hiện thủ thuật đặt ống dẫn lưu màng phổi có nhiệm vụ phải giải thích rõ ràng về việc thực hiện đặt ống dẫn lưu màng phổi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
  • Cho người nhà bệnh nhân và bệnh nhân ký vào cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.
  • Chuẩn bị tâm lý, động viên để bệnh nhân cảm thấy yên tâm, không lo lắng trước và trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Để bệnh nhân đi vệ sinh trước khi thực hiện đặt ống dẫn lưu màng phổi.
  • Thử phản ứng Xylocaine trên bệnh nhân.
  • Thực hiện tiêm bắp cho bệnh nhân với Atropin 0.25 mg, tiêm vào khoảng 15 đến 30 phút trước khi làm thủ thuật.
  • Tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân trước khi đặt ống dẫn lưu màng phổi 15 phút.

4.2 Chuẩn bị dụng cụ

  • 1 khay vô khuẩn.
  • Săng vô khuẩn gồm 1 săng kín và 1 săng có lỗ.
  • Áo phẫu thuật, khẩu trang, găng tay vô khuẩn.
  • Dung dịch sát khuẩn Betadine 10% và cồn 70°.
  • Thuốc tê Xylocain 2%.
  • Dung dịch Atropin 1/4mg x 2 ống.
  • Những thuốc và dụng cụ dùng để cấp cứu bao gồm Adrenalin 1mg, Methylprednisolon 40mg, bộ đặt nội khí quản, bóng Ambu, máy hút đờm và hệ thống thở oxy.
  • Bơm tiêm 20ml, gạc N2, dao mổ, kim 20g, 2 bộ kim chỉ khâu.
  • Ống dẫn lưu màng phổi cỡ 28-31G.
  • Bộ mở màng phổi gồm có 1 pince cong, 1 kìm kẹp kim, 2 pince cầm máu, 1 phẫu tích có mấu và 1 phẫu tích không có mấu, 1 kéo cắt chỉ, 1 kìm kẹp săng.
  • Hệ thống dẫn lưu màng phổi 3 bình.

Quá trình đặt ống dẫn lưu màng phổi cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín.
Quá trình đặt ống dẫn lưu màng phổi cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín.

5. Các bước thực hiện đặt ống dẫn lưu màng phổi

Để tiến hành đặt ống dẫn lưu màng phổi, cần trải qua những bước kiểm tra và thực hiện kỹ thuật như sau:

  • Kiểm tra xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã thực hiện đủ những kết quả cận lâm sàng cần thiết cho phẫu thuật chưa, như chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm chức năng đông máu, sinh hóa máu...
  • Kiểm tra lại tình trạng bệnh nhân, tình trạng huyết động, hô hấp, tim mạch, khả năng phối hợp khi đặt ống dẫn lưu màng phổi.
  • Đặt bệnh nhân nửa nằm nửa ngồi, đầu cao 1 góc 30°, tiến hành tiêm thuốc tiền mê cho bệnh nhân nếu cần.
  • Đội mũ, khẩu trang, mặc áo choàng phẫu thuật, đeo găng tay vô khuẩn.
  • Xác định vị trí đặt ống dẫn lưu màng phổi ở gian sườn 4-5 đường nách trước đối với tràn khí màng phổi và gian sườn 4-5 hay 5-6 đường nách giữa đối với tràn dịch màng phổi.
  • Sát trùng vùng đặt ống dẫn lưu màng phổi.
  • Tiêm thuốc tê cho bệnh nhân ngay vùng mở màng phổi, gây tê từng lớp, từ da vào đến lá thành của màng phổi, lưu ý không cho thuốc tê tiếp xúc với lòng mạch. Đồng thời dùng kim gây tê để thăm dò khoang màng phổi.
  • Dùng dao mổ rạch da tại vị trí bờ trên xương sườn số 6 khoảng 0.5-1cm, sau đó dùng pince không có mấu để bóc tách mô dưới da hướng pince về bờ trên của xương sườn số 5, ấn chắc bàn tay qua những cơ liên sườn và thành của màng phổi thì có thể nghe được tiếng xì ra lúc mũi pince chạm đến khoang màng phổi đối với trường hợp tràn khí màng phổi.
  • Tách 2 đầu pince 1 khoảng vừa đủ để mở lỗ cho ống dẫn lưu được đưa vào bên trong màng phổi, đưa ống hướng ra phía trước và lên trên phía đường giữa xương đòn trong trường hợp tràn khí màng phổi, còn nếu là tràn dịch màng phổi thì đưa ống về phía sau và xuống dưới.
  • Đặt ống dẫn lưu màng phổi vào sâu khoảng 2-3cm đối với những bệnh nhân là trẻ đẻ non tháng, 3-4cm đối với những trẻ đẻ đủ tháng và lưu ý kiểm tra tình trạng có khí hoặc dịch chảy ra.
  • Khâu để cố định ống dẫn lưu.
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế dẫn lưu thoải mái và chú ý những vấn đề xảy ra trong quá trình di chuyển.
  • Gắn đầu còn lại của ống với máy hút dẫn lưu màng phổi liên tục.
  • Với trường hợp tràn khí màng phổi có thể khâu chỉ chờ chữ U quanh ống nhằm khâu lỗ thủng thành ngực khi rút ống dẫn lưu
  • Ghi nhận thời gian, ngày, giờ, tên của người đặt dẫn lưu.
  • Chụp X-quang kiểm tra vị trí của đầu ống dẫn lưu và khoang màng phổi.
  • Sau thủ thuật đặt ống dẫn lưu màng phổi, cần theo dõi những vấn đề sau trên bệnh nhân bao gồm dấu hiệu sinh tồn, hệ thống dẫn lưu (áp lực hút, lượng dịch, màu sắc dịch màng phổi).

Đặt ống dẫn lưu màng phổi là một thủ thuật can thiệp có thể để lại một số biến chứng quan trọng như chảy máu, tổn thương cơ quan, nhiễm trùng... nên trong quá trình thực hiện dẫn lưu màng phổi tối thiểu cần đảm bảo theo những nguyên tắc cơ bản như vô khuẩn, 1 chiều, kín, liên tục với áp lực điều khiển.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe