Tình trạng vành tai chảy dịch hoặc mủ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về tai nguy hiểm như chàm tai, mô tế bào tai, viêm sụn vành tai và phổ biến nhất nhất là bệnh lý viêm tai ngoài cấp tính. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị vành tai chảy nước qua bài viết dưới đây.
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Nguyên nhân chảy dịch ở vành tai
Tình trạng chảy mủ và chảy nước vàng ở vành tai thường xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
1.1. Bệnh chàm tai
Bệnh chàm tai gây ra các triệu chứng cho người bệnh như tình trạng trạng nổi ban đỏ, chảy dịch, ngứa da do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Trường hợp người bệnh bị bội nhiễm, vành tai sẽ bị chảy dịch hoặc mủ nhiều. Chàm tai thuộc loại bệnh lý ngoài da và không gây ảnh hưởng đến thính giác cũng như các cơ quan bên trong cấu trúc tai. Tuy vậy, các triệu chứng bệnh có thể gây khó chịu, ngứa và bứt rứt nếu người bệnh không điều trị đúng cách và phù hợp.
1.2. Bệnh viêm mô tế bào tai
Viêm mô tế bào tai xảy ra do tình trạng nhiễm trùng tại tầng sâu nhất của cấu trúc da. Bệnh lý nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, người bệnh thường có các triệu chứng như phồng rộp da, đau, nóng rát... đi kèm với chảy dịch, sưng tấy.
1.3. Bệnh viêm sụn vành tai
Bệnh viêm sụn vành tai là tình trạng nhiễm trùng thứ phát sau các chấn thương mạnh. Các tác động từ chấn thương vật lý có thể làm mạch máu ở vành tai bị tổn thương, tụ máu. Trường hợp mạch máu bị hư hại sẽ làm giảm mức độ tuần hoàn nuôi dưỡng sụn tai, từ đó làm cho vành tai xuất hiện dấu hiệu chảy nước vàng, chảy dịch. Dịch tiết ban đầu thường vô khuẩn, màu vàng hoặc trắng, tuy nhiên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm do sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn.
1.4. Bệnh viêm tai ngoài cấp tính
Một trong những nguyên nhân phổ biến làm viêm vành tai chảy mủ là tình trạng viêm tai ngoài cấp tính. Bệnh lý xảy ra do sự viêm nhiễm, nhiễm trùng lỗ mở ở bên ngoài ống tai. Người bệnh bị viêm tai ngoài cấp tính thường xuất hiện triệu chứng đau nhức tai, giảm thính lực, sốt nhẹ, ù tai và chảy nước vàng hoặc dịch ở vành tai.
Điều trị viêm tai ngoài có tỷ lệ thành công cao và ít để lại di chứng quan trọng. Tuy vậy, nếu chủ quan người bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm tai ngoài ác tính, viêm mô tế bào, thủng màng nhĩ và hẹp ống tai.
1.5. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các bệnh lý gây chảy nước vàng ở vành tai đã được liệt kê, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng trên như sau:
- Người bấm khuyên vành tai nhưng không vệ sinh tai sạch sẽ và đúng cách;
- Người bị dị ứng với khuyên tai cũng như các loại thuốc xịt tóc;
- Người không vệ sinh tai đúng cách và đều đặn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển;
- Nghe điện thoại nhiều khiến thần kinh vành tai bị tổn thương;
- Ứ đọng nước ở tai sau khi tắm, bơi lội.
2. Điều trị viêm tai ngoài cấp tính (viêm tai chảy mủ)
Điều trị viêm vành tai chảy mủ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh cụ thể. Trong những trường hợp bắt buộc, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị thích hợp.
2.1. Điều trị các bệnh lý liên quan
Một trong những phương pháp giúp điều trị viêm vành tai chảy mủ là điều trị các bệnh lý dẫn đến tình trạng trên. Cụ thể như sau:
- Điều trị bệnh chàm tai: Phương pháp điều trị bệnh lý gồm sử dụng thuốc kháng dị ứng, thuốc kháng sinh đường uống và thuốc bôi ngoài chứa steroid theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần sử dụng kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, sinh hoạt hợp lý nhằm giảm biến chứng và ngăn ngừa bệnh bùng phát mạnh hơn.
- Điều trị bệnh viêm mô tế bào: Người bệnh có thể phải sử dụng kháng sinh từ 10 – 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ, bên cạnh đó là sử dụng phối hợp thuốc giảm đau, hạ sốt trường hợp thân nhiệt tăng cao, đi kèm với triệu chứng đau nhức dữ dội ở tai.
- Điều trị viêm sụn vành tai: Người mắc bệnh viêm sụn vành tai nếu được phát hiện sớm sẽ được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc giảm đau, kháng sinh và chống viêm. Kết hợp với đó là thực hiện các biện pháp chăm sóc và vệ sinh tai hợp lý. Trường hợp tai bị xuất hiện dịch tiết, người bệnh cần chọc hút dịch tiết và dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, đối với người bệnh đã bị bội nhiễm hoặc tụ mủ thành áp xe, bác sĩ sẽ tiến hành trích loại bỏ mủ, nạo hết sụn tai bị viêm kết hợp với dùng kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Điều trị bệnh viêm tai ngoài cấp tính: Các phương pháp điều trị viêm tai ngoài cấp tính gồm dùng thuốc bôi tại chỗ, nhỏ tai bằng thuốc chứa thành phần axit acetic, corticosteroid và dùng kháng sinh tại chỗ trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, đối với viêm tai ngoài cấp tính nhẹ có thể được điều trị bằng thay đổi pH ống tai bằng axit acetic 2%, giảm viêm với hydrocortisone tại chỗ liều 5 giọt 3 lần trong ngày, thời gian điều trị khoảng 7 ngày. Đối với viêm tài ngoài cấp tính trung bình, sử dụng thuốc kháng sinh và corticosteroid tại chỗ đem lại hiệu quả cao. Trước khi điều trị thuốc, người bệnh cần lấy mảnh biểu bì và tổ chức bệnh ra khỏi ống tai bằng ống hút hoặc tăm bông. Người bệnh cần lưu ý không để nước rơi vào tai.
Hầu hết các bệnh lý không gây nguy hiểm và để lại biến chứng nghiêm trọng nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị. Trường hợp người bệnh để bệnh lý kéo dài không chỉ gây tổn thương, hoại tử sụn và mô mềm mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực.
2.2. Vệ sinh tai đúng cách và thay đổi thói quen xấu
Trường hợp chảy mủ và chảy nước vàng ở vành tai do thói quen sinh hoạt không lành mạnh và vệ sinh kém, người bệnh cần thực hiện vệ sinh tai đúng cách và thay đổi các thói quen xấu như sau:
Lưu ý khi vệ sinh tai:
- Sử dụng khăn sạch và ẩm để lau nhẹ nhàng vùng vành tai và vùng tai xung quanh; sau đó xoắn nhẹ góc khăn và lau nhẹ để giúp làm sạch vùng ống tai ngoài;
- Dùng dung dịch rửa tai chuyên dụng, natri clorid để vệ sinh ống tai;
Một số thói quen cần thay đổi:
- Không dùng các vật nhọn và cứng để lấy ráy tai;
- Tránh các tác nhân dẫn đến tình trạng dị ứng như dùng thuốc xịt tóc, đeo khuyên tai, dùng dầu gội gây dị ứng...;
- Nếu gặp chấn thương ở tai, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám nhằm phát hiện các tình trạng viêm nhiễm nếu có và điều trị sớm;
- Dùng nút bảo vệ tai khi tắm hoặc bơi lội giúp hạn chế hiện tượng nước chảy vào bên trong ống tai;
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý về tai mũi họng để giúp phòng tránh biến chứng lên tai.
Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy dịch vành tai, tùy thuộc nguyên nhân và các triệu chứng mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Tuy rằng, bệnh không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến thính lực. Vì thế, khi thấy có những bất thường ở tai, chảy dịch vàng thì bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.