Chăm sóc và tập luyện phục hồi chức năng bệnh nhân tai biến mạch máu não

Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Duy Chinh - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là Đột quỵ não) là một trong những tình trạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, hoặc nếu có cứu được thì cũng để lại nhiều di chứng nặng nề, làm rối loạn nhiều chức năng cơ thể người bệnh.

1. Một số rối loạn chức năng có thể gặp trên bệnh nhân đột quỵ não


Đột quỵ khiến bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhân thức
Đột quỵ khiến bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhân thức

  • Rối loạn vận động: yếu, liệt một phần chi thể hoặc nửa người, liệt mặt.
  • Rối loạn nhận thức, giảm tư duy, mất trí nhớ từ nhẹ đến nặng, trí tuệ sa sút.
  • Rối loạn cơ tròn: đi tiểu hoặc đại tiện không tự chủ. Nếu bệnh nhân không được chăm sóc tốt có thể gây nhiễm trùng bàng quang do đặt sonde dẫn nước tiểu.
  • Rối loạn về ngôn ngữ: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, khó diễn đạt suy nghĩ bằng lời, thậm chí không nói được
  • Rối loạn thị giác: Liệt mặt do chứng đột quỵ gây ra
  • Rối loạn cảm giác: đau, tê, hoặc cảm giác nóng rát và ngứa ran. Thậm chí không cảm giác được một phần chi thể của mình.
  • Mệt mỏi, rối loạn thăng bằng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều...
  • Khó nuốt, gặp khó khăn trong việc nuốt kết hợp với tình trạng liệt có thể dẫn đến viêm phổi do thức ăn đồ uống đi vào phổi.
  • Loét các vùng tỳ đè do nằm liệt lâu ngày.
  • Giảm các kỹ năng xã hội, các hoạt động cá nhân hàng ngày.
  • Thay đổi tâm lý, nhận thức....

Các rối loạn trên nếu không được điều trị lâu ngày dẫn đến hậu quả người bệnh không tự chăm sóc được bản thân, phải phụ thuộc vào người khác, làm tăng gánh nặng cho người thân và gia đình, bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.

Để giúp cải thiện những di chứng này đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì của bản thân người bệnh và sự hỗ trợ tích cực của nhân viên y tế, người thân bệnh nhân. Việc áp dụng một chế độ chăm sóc, điều trị và tập luyện chuyên nghiệp trong một thời gian dài giúp người bệnh phục hồi di chứng và ngăn ngừa tình trạng đột quỵ tái phát.

2. Các lĩnh vực cần chăm sóc ở bệnh nhân Đột quỵ


Động viên, giúp đỡ sẽ giúp bệnh nhân lạc quan hơn trong quá trình điều trị
Động viên, giúp đỡ sẽ giúp bệnh nhân lạc quan hơn trong quá trình điều trị

2.1. Chăm sóc tâm lý

Sau khi bị tai biến mạch máu não, nhiều người bệnh phải đối mặt với tình trạng liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ và các rối loạn chức năng khác... khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái lo âu, mệt mỏi. Các sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào người khác nên thường có tâm lý mặc cảm, cảm thấy mình vô dụng.

Để giúp người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn, người thân trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cần động viên, hỗ trợ người bệnh tự chăm sóc, có thể sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ để người bệnh tự ăn uống, vệ sinh. Điều này sẽ giúp người bệnh cảm thấy bớt cảm giác phụ thuộc và có ích hơn khi có thể chủ động thực hiện một số thao tác sinh hoạt cơ bản.

2.2. Chăm sóc dinh dưỡng

Bên cạnh chăm sóc hàng ngày, chế độ dinh dưỡng của người bệnh nhồi máu não rất quan trọng để giúp người bệnh chóng phục hồi và ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Trong thành phần mỗi bữa ăn cần được đáp ứng đủ chất dinh dưỡng và vitamin. Lưu ý để người bệnh ăn vừa đủ no, không ép người bệnh ăn quá nhiều và nên thay đổi món ăn mỗi ngày.

Với bệnh nhân hôn mê, rối loạn nuốt (nghẹn đặc – sặc lỏng): cần đặt ống thông dạ dày để bơm thức ăn vào dạ dày. Khi cho bệnh nhân ăn uống qua sonde phải cho ăn uống đúng cách (thức ăn đủ lỏng; nhiệt độ thức ăn đủ ấm; cần kiểm tra trước khi cho ăn; đủ thành phần dinh dưỡng đạm - mỡ - tinh bột và sinh tố; sau lần bơm thức ăn cuối cùng của mỗi bữa ăn qua sonde phải bơm khoảng 20ml nước lọc ngâm trong sonde tránh để thức ăn lên men trong sonde).

Trường hợp bệnh nhân quá nặng, tiên lượng cần bơm ăn lâu dài, có thể mở thông dạ dày: mở một lỗ nhỏ ở thành bụng trước, nối thông vào dạ dày, đặt 1 ống thông có van 1 chiều vào dạ dày. Mở thông dạ dày cho phép bơm ăn chủ động thời gian dài cho bệnh nhân.

2.3. Chăm sóc vệ sinh

Việc chăm sóc giữ vệ sinh cho người bệnh nhồi máu não có vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt là vùng sinh - môn (vùng cơ quan sinh dục và hậu môn). Cần giữ da người bệnh luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh lở loét, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Cần chăm sóc các loại sonde có trên người bệnh: sonde tiểu, dẫn lưu... cho đúng cách, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn.

Khi tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho người bệnh nên thực hiện ở phòng kín gió, nhiệt độ ấm, sàn nhà ít trơn trượt, nước ấm từ 37 – 45 độ C. Thời gian tắm từ 5 - 7 phút và không nên tắm buổi tối.

Đối với những bệnh nhân đột quỵ thì việc đại tiện, tiểu tiện rất khó khăn. Vì vậy, bệnh nhân có thể sử dụng bỉm lót dùng một lần hoặc dùng bô. Bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đại tiểu tiện để phòng ngừa viêm nhiễm. Người nhà cần huấn luyện cho bệnh nhân khi có ý muốn đại tiện hoặc tiểu tiện bằng cách tạo ra một số khẩu lệnh và phải nắm bắt chính xác thời điểm muốn tiểu tiện hoặc muốn đại tiện của bệnh nhân để hỗ trợ kịp thời.

2.4. Giường nằm và tư thế tốt cho bệnh nhân đột quỵ

Để ngăn ngừa nguy cơ loét, bệnh nhân nên sử dụng đệm hơi hoặc đệm nước trong trường hợp người bệnh có liệt chi, đệm và giường phải bằng phẳng, giường có thanh chắn để dự phòng ngã, đầu giường có thể nâng cao được, sử dụng thêm gối để chống đỡ và cố định phần lưng, đầu khi nằm nghiêng và chêm lót những vùng tì đè có nguy cơ lở loét da. Nên bố trí giường ở nơi thoáng mát, có ánh nắng mặt trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.

Bệnh nhân được hướng dẫn và đặt nằm ở các tư thế ngửa, nghiêng bên liệt, nghiêng bên lành theo đúng kỹ thuật, ưu tiên lựa chọn hướng bên liệt ra phía ngoài.

2.5. Chế độ sinh hoạt và tập luyện

  • Bệnh nhân cần được vận động sớm, nếu được thì tiến hành ngay từ ngày đầu tiên
  • Bệnh nhân cần được đổi tư thế nằm mỗi 2 giờ để chống loét
  • Người nhà nên thường xuyên xoa bóp, tập vận động chủ động và/hoặc thụ động các khớp tay, chân tùy theo từng bệnh nhân để giúp lưu thông tuần hoàn, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ
  • Tập thở sâu thở mạnh kèm vỗ rung lồng ngực để tránh viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Tùy mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế đề ra kế hoạch tập luyện, vận động hằng ngày cho bệnh nhân. Mỗi ngày nên tập 2 – 3 lần và tiếp tục duy trì kể cả khi các di chứng đã được khắc phục, cố gắng cho bệnh nhân tự thực hiện các hoạt động, công việc sinh hoạt hằng ngày để tăng tốc độ hồi phục

2.6. Sử dụng thuốc và tái khám

Bệnh nhân đã có tiền sử đột quỵ rất dễ bị tái phát, đặc biệt lần sau sẽ nặng hơn lần đầu. Do vậy, ngoài việc chăm sóc sinh hoạt cho bệnh nhân, người nhà cần theo dõi việc uống thuốc theo đơn bác sĩ của bệnh nhân đều đặn hàng ngày để phòng ngừa tái phát và tái khám khi hết thuốc hoặc có các dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe