Các triệu chứng mất thính giác và mức độ mất thính giác

Mất thính giác có thể xảy ra đột ngột, hoặc tiến triển dần dần mà người bệnh không nhận ra. Mất thính giác phần lớn không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bệnh dần bị cô lập do không thể nghe được âm thanh từ thế giới xung quanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

1. Mất thính giác là gì?

Mất thính giác là tình trạng khi bất kỳ bộ phận nào của tai không hoạt động bình thường. Mất thính giác không gây tử vong, nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và các mối quan hệ của người bệnh.

Phân loại dựa trên bộ phận bị tổn thương, mất thính giác được chia thành:

  • Mất thính giác dẫn truyền: Tai ngoài hoặc tai trong bị trục trặc
  • Mất thính giác giác quan: Khu vực có vấn đề là tai trong
  • Mất thính giác hỗn hợp: Người bệnh cùng lúc gặp phải 2 dạng trên

Một số tác nhân như tuổi tác, bệnh lý và gien di truyền có thể là nguyên nhân gây mất thính giác. Cuộc sống hiện đại tạo nên nhiều tác nhân khác bao gồm một số loại thuốc, cùng nhiều nguồn âm thanh ồn ào liên tục.

Với quá nhiều trường hợp mất thính giác không thể điều trị được, phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để duy trì thính lực. Dù đã mất thính giác, vẫn có những cách giúp người bệnh tiếp tục cuộc sống bình thường và chia sẻ với người thân bạn bè.

2. Triệu chứng của mất thính giác

Trong rất nhiều trường hợp, thính giác từ từ giảm đi mà người bệnh không hề hay biết. Họ chỉ có cảm giác là mọi người xung quanh đang thầm thì, người trong nhà phải nói to hơn hay chỉ đơn giản là cần đổi điện thoại mới. Chỉ cần vẫn nghe được âm thanh, thì người bệnh vẫn cho rằng thính giác vẫn bình thường. Nhưng thật ra, họ đang dần dần bị tách rời khỏi thế giới của âm thanh và tiếng động. Nhưng làm thế nào để biết bản thân đang có vấn đề với thính giác?

Các bác sĩ phân loại mất thính giác theo cấp bậc:

  • Nghe kém mức độ nhẹ: Người bệnh vẫn nghe được đối thoại 1-1, nhưng khó nghe được tất cả mọi từ ngữ khi xung quanh có tạp âm.
  • Nghe kém mức độ vừa: Người bệnh thường phải yêu cầu mọi người nhắc lại lời nói cả khi đối thoại trực tiếp và qua điện thoại.
  • Nghe kém mức độ nặng: Người bệnh gần như không thể giao tiếp bình thường mà không có thiết bị trợ thính
  • Nghe kém mức độ nghiêm trọng: Người bệnh không thể nghe thấy mọi người nói gì, trừ khi họ hét thật to. Bạn cũng không thể hiểu họ nói gì nếu không mang máy trợ thính hay cấy ốc tai

Triệu chứng khởi đầu là việc gặp khó khăn để nghe được các âm có âm vực cao, như giọng của trẻ em hay phụ nữ, cũng như âm “s” hoặc “f”. Ngoài ra còn các dấu hiệu:

  • Khó theo kịp các đoạn hội thoại khi có hơn 1 người đang phát biểu
  • Cho rằng những người khác đang lẩm bẩm hay nói không rõ lời
  • Thường hiểu nhầm những điều người khác nói và phản ứng không hợp lý
  • Bị phàn nàn do mở TV quá to
  • Nghe thấy âm thanh như tiếng chuông reo, tiếng gầm hay tiếng rít trong tai, hay còn gọi là ù tai

Người bị suy giảm thính giác thường bị ù tai
Người bị suy giảm thính giác thường bị ù tai

3. Nguyên nhân của mất thính giác

Tai của chúng ta được chia thành 3 bộ phận, lộ trình của sóng âm như sau:

  • Tai ngoài nơi làm màng nhĩ rung lên
  • Tai giữa, điểm đến thứ hai của rung động âm thanh, sau đó rung động được khuếch đại bằng 3 xương nhỏ: Xương búa, xương đe và xương bàn đạp.
  • Tai trong, có một cơ quan tên là ốc tai – có hình xoắn ốc - nó có những sợi lông nhỏ giúp thay đổi các rung động khuếch đại thành tín hiệu điện và gửi chúng đến não, nơi chúng ta nghe thấy chúng dưới dạng âm thanh.

Lớn tuổi là nguyên nhân thường gặp nhất của mất thính giác. Cứ 1 trong 3 người từ 65 tới 74 tuổi gặp mất thính giác ở các mức độ. Sau tuổi 75, cứ 2 người thì có 1 người mắc vấn đề thính giác.

Những nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ chính xác tại sao thính giác giảm theo độ tuổi, có thể là do thời gian dài tiếp xúc với âm thanh và những tác nhân gây hại khác dần dần bộ máy cơ học tinh vi của đôi tai. Gien di truyền cũng có thể là nguyên nhân.

Tiếng ồn lớn hoặc liên tục làm suy giảm thính giác. CDC báo cáo rằng khoảng 22 triệu công nhân Mỹ đang tiếp xúc với mức độ tiếng ồn nguy hiểm trong công việc. Điều này bao gồm nhiều thợ mộc, công nhân xây dựng, binh lính, thợ mỏ, công nhân nhà máy và nông dân.

Các nhạc sĩ cũng có nguy cơ bị mất thính lực do tiếng ồn. Một số nhạc công đeo nút tai đặc biệt để bảo vệ tai khi biểu diễn. Nút tai giúp họ nghe nhạc mà không gây hại cho hoạt động bên trong của tai.

Một số loại thuốc có thể làm giảm khả năng nghe hoặc thăng bằng. Hơn 200 loại thuốc và hóa chất đã được ghi nhận về gây vấn đề về thính giác và cân bằng bên cạnh khả năng chống lại bệnh tật của chúng.

  • Một số loại kháng sinh
  • Thuốc hoá trị
  • Aspirin
  • Thuốc lợi tiểu quai
  • Một loại thuốc điều trị sốt rét
  • Nhiều loại thuốc điều trị rối loạn cương dương

Mất thính lực đột ngột thường chỉ xảy ra ở một bên tai. Mặc dù có nhiều hơn 3 trường hợp trong mỗi 10 nghìn người mỗi năm, các bác sĩ vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp.

Các bệnh như bệnh tim, huyết áp caotiểu đường khiến tai có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi việc cung cấp máu cho tai. Xơ vữa tai là một bệnh xương của tai giữa, và bệnh Meniere ảnh hưởng đến tai trong. Cả hai bệnh đều có thể gây mất thính giác.

Chấn thương, đặc biệt là gãy xương sọ hoặc thủng màng nhĩ, khiến tai có nguy cơ bị mất thính lực nghiêm trọng.

Nhiễm trùng hoặc ráy tai có thể làm tắc nghẽn ống tai và làm giảm khả năng nghe.

4. Chẩn đoán mất thính giác

Để chẩn đoán mức độ mất thính giác, bác sĩ thường dùng các phương thức sau:

  • Khám thực thể để kiểm tra xem có nút ráy tai, viêm nhiễm hay bệnh lý về cấu trúc không.
  • Đo thính lực người bệnh được đeo tai nghe và lắng nghe âm thanh truyền vào tai. Xét nghiệm này được thực hiện bởi chuyên gia thính học và có thể đo mức độ âm thanh bạn có thể nghe chính xác hơn so với các xét nghiệm sàng lọc khác.

Đo thính lực giúp chẩn đoán mức độ mất thính giác
Đo thính lực giúp chẩn đoán mức độ mất thính giác

5. Điều trị mất thính giác

Phương thức điều trị dựa trên loại mất thính giác và nguồn gốc gây bệnh. Áp dụng điều trị nhanh chóng kịp thời cho mất thính giác đột ngột có thể giúp tăng khả năng hồi phục.

  • Phẫu thuật có thể vãn hồi tình trạng mất thính lực do xơ cứng tai, mô sẹo hoặc nhiễm trùng, trong khi bệnh Meniere đôi khi có thể điều trị được bằng thuốc và chế độ ăn.
  • Kháng sinh giúp điều trị mất thính lực do nhiễm trùng
  • Thay đổi đơn thuốc đang dùng nếu bạn cho rằng thuốc đó gây ảnh hưởng đến khả năng nghe, nhưng người bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thay đổi thuốc.
  • Làm sạch ráy tai bằng dụng cụ hút hoặc lấy ráy tai có thể hỗ trợ các trường hợp mất thính giác do nút ráy tai.
  • Thiết bị trợ thính hiệu quả với hầu hết các trường hợp bị mất thính lực vĩnh viễn. những thiết bị nhỏ này được mang trong hoặc sau vành tai để khuếch đại âm thanh. Âm thanh bên ngoài nghe sẽ khác biệt qua máy trợ thính, vì vậy người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ và đặt mục tiêu trước.
  • Cấy ốc tai trước đây chủ yếu dành cho bệnh nhân nhỏ tuổi, nhưng hiện đã phổ biến hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi hơn mắc mất thính giác nghiêm trọng.

6. Biến chứng của mất thính giác

Không thể nghe thấy thế giới xung quanh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nó có thể gây ra cảm giác trầm cảm và cô lập, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Theo thời gian, người bệnh có thể bắt đầu gặp vấn đề với chức năng tâm thần. Các nghiên cứu về việc điều trị chứng mất thính giác cho thấy rằng khi thính giác tốt hơn, thì chức năng não cũng vậy, đặc biệt là trí nhớ.

7. Phòng ngừa mất thính giác

Mất thính lực thường là vĩnh viễn, vì vậy hãy làm những gì chúng ta có thể để bảo vệ một trong những tài sản tự nhiên quý giá nhất của mình.

Hãy đeo nút tai khi xung quanh có âm thanh to hơn hoặc ồn hơn tiếng xe cộ. Máy cắt cỏ, máy đánh điện, máy hút bụi và hầu hết các buổi hòa nhạc đều đủ lớn để gây hại cho đôi tai không được bảo vệ. Khi có thể, hãy tránh xa nguồn phát ra tiếng ồn như đi vòng qua hoặc bịt tai khi bạn đi ngang qua một công trường xây dựng đường ồn ào.

Nếu nơi làm việc có nhiều tiếng ồn, hãy nói chuyện với người sử dụng lao động về an toàn tai. Người sử dụng lao động nên lắp đặt tường chắn hoặc tấm giảm âm trong các nhà máy ồn ào để bảo vệ thính giác của người lao động.

Hãy lưu ý rằng các hoạt động giải trí cũng đi kèm với mức độ tiếng ồn cao, như trò chơi điện tử, màn bắn pháo hoa, buổi hòa nhạc trực tiếp, sự kiện thể thao, âm nhạc từ tai nghe và thậm chí là một số đồ chơi của trẻ em. Nếu bạn biết mình sắp đến một nơi ồn ào, hãy hạn chế thời gian ở đó và đeo thiết bị bảo vệ tai. Theo nguyên tắc chung, nếu bạn phải hét lên để được nghe thấy trong khoảng cách 1m thì âm thanh tại nơi đó quá lớn.

Nếu bạn đã bị suy giảm thính lực, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm hướng điều trị đúng đắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe