Người bị chóng mặt sẽ có cảm giác quay cuồng, choáng váng mất thăng bằng. Chóng mặt có thể là triệu chứng đơn thuần hoặc nằm trong bệnh lý khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về chóng mặt, bao gồm các nguyên nhân tiềm ẩn, một số phương pháp điều trị mà bạn có thể áp dụng được.
1. Chóng mặt mất thăng bằng là gì?
Chóng mặt là một cảm giác phổ biến, người bệnh cảm thấy bị choáng đột ngột, chóng mặt mất thăng bằng, bản thân đang bị xoay vòng, như thể môi trường xung quanh đang quay xung quanh họ. Chóng mặt không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của một bệnh lý có từ trước. Nhiều tình trạng khác nhau có thể gây ra chóng mặt. Chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Chóng mặt là một triệu chứng đơn thuần, nhưng nó cũng có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác như:
- Bị choáng váng mất thăng bằng;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Ù tai;
- Đau đầu;
- Rung giật nhãn cầu, hoa mắt, nhìn mờ;
- Cơ thể bị kéo về một hướng;
- Tinh thần không ổn định.
Chóng mặt có thể kéo dài trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, từ vài giây đến vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Thông thường, chóng mặt kéo dài vài giây hoặc vài phút.
2. Phân loại nguyên nhân gây chóng mặt
Các tình trạng khác nhau có thể dẫn đến chóng mặt, tuy nhiên nó thường được chia thành 2 loại sau:
- Chóng mặt ngoại biên
Loại chóng mặt này chiếm khoảng 80% các trường hợp. Chóng mặt ngoại biên thường do các vấn đề ở tai trong.
Các cơ quan nhỏ ở tai trong phản ứng với trọng lực và vị trí của con người bằng cách gửi thông tin qua các tín hiệu thần kinh đến não. Quá trình này cho phép mọi người giữ thăng bằng khi họ đứng lên. Những thay đổi đối với hệ thống này có thể gây chóng mặt mất thăng bằng. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính và viêm mê đạo tai hay bệnh Meniere là những nguyên nhân phổ biến thuộc loại chóng mặt này.
- Chóng mặt trung ương
Chóng mặt trung ương liên quan đến các vấn đề với thần kinh trung ương. Nó thường bắt nguồn từ một vấn đề ở một phần của thân não hoặc tiểu não. Khoảng 20% trường hợp chóng mặt thuộc loại này. Các nguyên nhân có thể bao gồm chứng đau nửa đầu tiền đình, các khối u liên quan đến vùng thần kinh trung ương.
3. Một số nguyên nhân gây chóng mặt mất thăng bằng hay gặp
- Viêm mê đạo tai
Bệnh lý này có thể xảy ra khi nhiễm trùng gây viêm mê đạo tai trong, khu vực này chứa dây thần kinh ốc tai. Dây thần kinh này có chức năng dẫn truyền thông tin đến não về chuyển động của đầu, vị trí và âm thanh.
Ngoài bị chóng mặt mất thăng bằng, người bị viêm mê đạo tai có thể bị mất thính giác, ù tai, đau đầu, đau tai và thay đổi thị lực.
- Viêm thần kinh sọ não số 8, nhánh tiền đình
Tương tự như viêm mê đạo tai nhưng không ảnh hưởng đến thính giác của người bệnh. Viêm dây thần kinh tiền đình gây chóng mặt có thể kèm theo mờ mắt, buồn nôn dữ dội hoặc cảm giác bị choáng váng mất thăng bằng, ù tai.
- Cholesteatoma
Đây là phát triển của da bất thường trong tai giữa nhưng không phải là ung thư, thường là do nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Khi cholesteatoma phát triển phía sau màng nhĩ, nó có thể làm hỏng cấu trúc xương của tai giữa, dẫn đến mất thính lực và chóng mặt.
- Bệnh Meniere (ứ nước mê nhĩ)
Nguyên nhân gây bệnh Meniere là do sự tích tụ chất lỏng ở tai trong, có thể dẫn đến bị choáng đột ngột kèm theo ù tai và mất thính lực. Bệnh Meniere có xu hướng phổ biến hơn ở những người từ 40–60 tuổi. Bệnh Meniere được cho là có yếu tố di truyền vì một số trường hợp nó xuất hiện ở nhiều thành viên trong cùng gia đình.
- Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Các cơ quan tai là cấu trúc bên trong tai trong có chứa chất lỏng và các hạt tinh thể canxi cacbonat. Trong chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, các tinh thể này bị tách ra và rơi vào các ống bán khuyên. Ở đó, mỗi tinh thể rơi xuống chạm vào các tế bào lông cảm giác trong quá trình chuyển động.
Kết quả là, não nhận được thông tin không chính xác về vị trí của cơ thể và xảy ra hiện tượng bị chóng mặt mất thăng bằng. Thường giai đoạn chóng mặt kéo dài dưới 60 giây, các triệu chứng khác như buồn nôn có thể xuất hiện.
- Chóng mặt khi mang thai
Buồn nôn và chóng mặt là những vấn đề thường gặp khi mang thai. Những thay đổi về nội tiết tố dẫn đến những thay đổi ở tai trong. Điều này có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng, triệu chứng buồn nôn và chóng mặt, ù tai, khó nghe, cảm giác đầy tai. Những thay đổi về trọng lượng cơ thể và tư thế khi mang thai cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về thăng bằng.
Khi mang thai, huyết áp của phụ nữ thường thấp hơn bình thường, làm giảm lưu lượng máu đến não. Điều này có thể gây chóng mặt tạm thời. Lượng đường trong máu thấp hay thiếu máu trong thai kỳ có thể dễ dẫn đến chóng mặt hơn những người khác.
- Các nguyên nhân gây chóng mặt khác
Chóng mặt cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác như: chấn thương đầu, tiền sử phẫu thuật tai, bệnh zona trong hoặc xung quanh tai, xốp xơ tai, bệnh giang mai, đột quỵ, bệnh tiểu não hoặc thân não, bệnh đa xơ cứng...
4. Điều trị chóng mặt mất thăng bằng
Một số loại chóng mặt có thể tự khỏi do cơ thể thích ứng được mà không cần điều trị. Tình trạng chóng mặt kéo dài kèm các triệu chứng khác như nôn, tê tay chân, sốt... hay bạn nghi ngờ chóng mặt do có nguyên nhân tiềm ẩn, hãy đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Để điều trị chứng chóng mặt cho bệnh nhân, bác sĩ căn cứ vào việc xác định nguyên nhân để có phương án điều trị hợp lý.
Đa số các trường hợp chóng mặt mất thăng bằng có thể chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc và các bài tập giữ thăng bằng... Bên cạnh đó, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau như: phục hồi chức năng tiền đình kết hợp hệ thống ICS Impulse, thủ thuật tái định vị sỏi tai. Nếu chóng mặt do nguyên nhân nghiêm trọng hơn như u, chấn thương thì phẫu thuật được đặt ra để điều trị dứt điểm.
Mỗi bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà để giúp giải quyết chóng mặt và hạn chế ảnh hưởng của nó như:
- Thay đổi lối sống: Một số cách có thể giúp giảm tác động của chóng mặt bao gồm: Nằm yên trong một căn phòng tối yên tĩnh khi choáng váng mất thăng bằng. Ngồi xuống ngay khi cảm giác chóng mặt xuất hiện. Tập luyện các chuyển động gây ra triệu chứng như đứng dậy, nhìn lên trên hoặc quay đầu. Ngồi xổm thay vì cúi xuống nhặt một thứ gì đó. Ngủ ngẩng cao đầu trên 2 hoặc nhiều gối. Bật đèn khi thức dậy vào ban đêm để tránh bị ngã. Bất kỳ ai bị chóng mặt mất thăng bằng không nên lái xe hoặc sử dụng thang.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Tránh caffein, socola, rượu và không hút thuốc lá. Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin B6 giúp cải thiện chóng mặt và buồn nôn. Không nên ăn mặn, hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối.
Choáng váng mất thăng bằng có thể xảy ra đột ngột mà không báo trước. Mặc dù các cơn chóng mặt có thể đáng sợ, nhưng chúng sẽ biến mất nhanh chóng trong thời gian ngắn. Nếu bạn đang bị chóng mặt nghiêm trọng hoặc kéo dài, triệu chứng của bạn có thể liên quan đến một tình trạng bệnh lý khác. Bác sĩ giúp bạn xác định nguyên nhân gốc rễ của chứng chóng mặt, lựa chọn điều trị được cá nhân hóa để giúp bạn trở lại cuộc sống bình thường.
Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng, khi cảm thấy choáng váng mất thăng bằng lâu ngày không khỏi, người bệnh cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Thần kinh thăm khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.