Các phương pháp gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ánh Hiền - Bác sĩ Gây mê Giảm đau, Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây tê đám rối thần kinh cánh tay (ĐRTKCT) là một kỹ thuật gây tê vùng thực hiện bằng cách đưa thuốc tê vào khu vực đám rối thần kinh cánh tay để làm mất cảm giác đau ở vùng đám rối cánh tay chi phối.

1. Ưu điểm gây tê đám rối thần kinh cánh tay

Hiện nay xu thế trên thế giới là gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm. Các bác sĩ Gây mê hồi sức xác định chính xác dây thần kinh cần gây tê và các cấu trúc xung quanh, tránh chọc vào mạch máu. Sau đó bơm thuốc tê và đánh giá mức độ phong bế của thuốc tê. Nhờ vậy giảm thiểu được các tai biến, biến chứng như tổn thương dây thần kinh, tiêm thuốc vào mạch máu gây ra ngộ độc thuốc tê, tiêm thuốc không đúng vị trí dẫn đến thất bại trong kỹ thuật. Khi thuốc gây tê trong mổ hết tác dụng, có thể truyền thuốc tê liên tục qua catheter để giảm đau sau mổ.

Đây là một kỹ thuật mới, nổi bật với nhiều ưu điểm:

    • An toàn, ít tai biến, biến chứng
    • Thao tác nhanh gọn và chính xác, tỉ lệ thành công cao
    • Kết quả giảm đau tốt
    • Ít ảnh hưởng tới sinh hiệu: nhịp tim, huyết áp và độ bão hòa oxy
    • Giảm được các tác dụng phụ của thuốc mê và các biến chứng khi gây mê đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...
    • Không cần sử dụng Morphin và các tiền chất morphin, giúp tránh các tác dụng phụ của Morphin như: buồn nôn, nôn, bí tiểu, táo bón, gây nghiện
    • Bệnh nhân hồi phục sớm sau phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống
    • Chi phí thấp
TÊ ĐRTKCT

2. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định ngoại khoa

  • Các phẫu thuật ở chi trên từ vai đến bàn tay đặc biệt cho các bệnh nhân có chống chỉ định gây mê toàn thân.

Chỉ định nội khoa

  • Điều trị đau do bị bệnh viêm dây thần kinh (zona) hoặc đau ở các mỏm cụt.
  • Đau ở tay do tập luyện thể dục thể thao.
  • Các trường hợp thiếu máu chi trên gây đau.

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân không đồng ý.
  • Bệnh nhân dị ứng với thuốc tê.
  • Nhiễm trùng vùng gây tê.
  • Bệnh nhân động kinh, tâm thần...
  • Không gây tê ĐRTKCT 2 bên cùng một thời điểm vì dễ dẫn đến ngộ độc thuốc tê do quá liều
  • Không gây tê ĐRTKCT trên xương đòn khi có bệnh lý ở phổi bên đối diện (tràn máu, tràn khí khoang màng phổi...)

3. Các phương pháp gây tê đám rối thần kinh cánh tay

3.1 Gây tê ĐRTKCT đường gian cơ bậc thang

  • Chỉ định: phẫu thuật xương đòn, khớp vai, phần trên xương cánh tay
  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, đầu quay về phía đối diện bên gây tê
  • Vị trí đầu dò siêu âm: dùng đầu dò thẳng đặt ở mặt cắt ngang phía trên xương đòn 3-4 cm và phía ngoài tĩnh mạch cảnh
  • Mục tiêu: Thuốc tê lan giữa cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa, bao quanh thân trên và thân giữa đám rối cánh tay
  • Thể tích thuốc tê: 7-15 ml
TÊ ĐRTKCT

3.2 Gây tê ĐRTKCT đường trên đòn

  • Chỉ định: phẫu thuật từ phần dưới cánh tay đến bàn tay
  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, đầu quay về phía đối diện bên gây tê
  • Vị trí đầu dò siêu âm: dùng đầu dò thẳng đặt ở vị trí phía trên và giữa xương đòn
  • Mục tiêu: thuốc tê bao quanh đám rối cánh tay, phía sau trên động mạch dưới đòn
  • Thể tích thuốc tê: 20 ml
TÊ ĐRTKCT

3.3 Gây tê ĐRTKCT đường nách

  • Chỉ định: mổ từ khuỷu tay đến bàn tay
  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, cánh tay dạng 90 độ
  • Vị trí đầu dò siêu âm: dùng đầu dò thẳng đặt theo trục ngắn cánh tay và cắt ngang đầu xa cơ ngực lớn
  • Mục tiêu: thuốc tê bao quanh động mạch nách
TÊ ĐRTKCT

  • Thể tích thuốc tê: 15-20 ml
TÊ ĐRTKCT

4. Các biến chứng do gây tê đám rối thần kinh cánh tay

4.1 Các tổn thương thần kinh

  • Do tác động cơ học (chọc kim), ngộ độc thuốc tê, hoặc adrenalin co mạch gây thiếu máu gây rối loạn cảm giác ở một vùng da do thần kinh chi phối, sau một thời gian rối loạn cảm giác sẽ hết
  • Để tránh các biến chứng này cần lưu ý:
    • Không cố gắng tìm cảm giác dị cảm
    • Không bơm thuốc tê khi bệnh nhân kêu đau do chọc dây thần kinh
    • Không sử dụng các dung dịch thuốc tê đậm đặc
    • Nếu chọc vào động mạch cần ép chặt vào đó khoảng 5 phút để tránh gây máu tụ chèn ép vào các dây thần kinh

4.2 Tác dụng gây tê lan tỏa

  • Tê hạch sao khi gây tê đường trên đòn gây ra hội chứng Claude Bernard Honer
    • Mặt đỏ, đồng tử co, mắt lõm, nhiệt độ da tăng, ngạt mũi (bên gây tê).
  • Tê dây thần kinh hoành khi gây tê gian cơ bậc thang và gây tê trên đòn.
    • Suy hô hấp do liệt cơ hoành.
    • Điều trị: thở oxy hoặc thông khí nhân tạo
  • Tê thần kinh quặt ngược: khàn tiếng

→ Các triệu chứng sẽ hết khi hết tác dụng của thuốc tê

4.3 Lỗi kỹ thuật

  • Chọc vào khoang ngoài màng cứng hoặc khoang dưới nhện
    • Triệu chứng: Tụt huyết áp, ngừng tim, suy hô hấp, ngừng thở.
    • Điều trị: Đặt ống nội khí quản, hô hấp điều khiển, bóp tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc co mạch
  • Ngộ độc thuốc tê: do dùng quá liều hoặc bơm thuốc tê vào mạch máu
    • Triệu chứng: Tê lưỡi, nhức đầu nhẹ, rối loạn thị lực, co giật, hôn mê, ngưng thở, chậm nhịp tim, ngừng tim.
    • Điều trị: Lipofundin 20%, Midazolam, đặt nội khí quản hô hấp điều khiển nếu cần. Atropin nếu mạch chậm, thuốc co mạch, truyền dịch.
  • Tràn khí màng phổi
    • Chẩn đoán xác định dựa vào chụp X quang phổi.
    • Điều trị: Chọc hút, đặt dẫn lưu khoang màng phổi hút liên tục

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan