Hỏi
Chào bác sĩ! Tôi chuẩn bị sinh em bé đầu lòng, tôi rất sợ đau. Tôi nghe nói có phương pháp “đẻ không đau” nhưng lại bị đau lưng sau khi tiêm. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi nguyên nhân đau lưng sau sinh có phải do sử dụng phương pháp “đẻ không đau” hay không? Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn và giải đáp!
Mai Anh (1992)
Trả lời
Chào bạn! Theo một số nghiên cứu, có đến 50% bà mẹ có hiện tượng đau lưng trong tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, đau lưng sau sinh do biến chứng gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống là khá hiếm, đặc biệt là đau xuất hiện sau nhiều năm ổn định mà không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc gây tê trước đó.
Các nguyên nhân thực sự gây đau lưng sau sinh, bao gồm:
- Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra một loại hormon gọi là relaxin cho phép dây chằng ở vùng xương chậu được thư giãn và các khớp trở lên lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Hormone này có thể giúp các dây chằng hỗ trợ cột sống nới lỏng, dẫn đến mất ổn định trục cột sống. Hiện tượng này gây tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng. Tuy nhiên, loại hormone này vẫn ở mức cao sau sinh bé 3-4 tháng, sau khi trở về mức bình thường thì hiện tượng đau lưng của bà mẹ mới giảm.
- Mang thai làm thay đổi trọng tâm cơ thể. Do đó, có thể dần dần, ngay cả khi không nhận thấy bắt đầu điều chỉnh tư thế và cách di chuyển. Điều này có thể dẫn đến đau vùng cột sống thắt lưng hoặc khối cơ lưng gây đau.
- Cảm xúc trong lúc mang thai như lo lắng, hồi hộp, có thể gây căng cứng cơ, đặc biệt cơ lưng. Việc gắng sức của cột sống được tăng lên dần theo thời gian đối với hầu hết phụ nữ, những tác động này lên cột sống hiếm khi gây nên một cơn đau cấp tính, có chăng chỉ là cảm giác mỏi nặng, giãn vùng lưng tăng dần theo thời gian.
- Khi mang thai khỏe mạnh, phụ nữ Việt Nam thường tăng từ 10-20kg. Cột sống của người mẹ, ngoài việc chịu áp lực trọng tải của chính mình còn phải hỗ trợ trọng lượng khối tử cung – em bé khi mang thai. Vùng thắt lưng là nơi tải trọng trọng lực chính, khi đó khối cơ thành bụng bị dãn nên cột sống bị mất sự hỗ trợ từ khối cơ thành bụng dẫn đến căng cơ nhiều hơn ở phía lưng phần thấp. Khối lượng công việc của người mẹ bị tăng dần lên khi nâng em bé lặp đi lặp lại ở tư thế uốn cong và xoắn nghiêng trong lúc di chuyển. Ngoài ra, trọng lượng em bé và tử cung đang phát triển cũng gây áp lực lên mạch máu và dây thần kinh ở khung xương chậu, lưng và vùng cùng cụt. Điều này làm tiền đề cho hiện tượng đau lưng về sau.
Từ thông tin bài viết trên bạn có thể có đáp án cho câu hỏi: “Nguyên nhân đau lưng sau sinh có phải do sử dụng phương pháp “đẻ không đau” hay không?”. Nếu tâm lý sợ đau khi đẻ bạn hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp đẻ không đau tại bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec. Tại đây không chỉ có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại mà đội ngũ y bác sĩ sản khoa kết hợp với bác sĩ khoa Gây mê hồi sức sẽ thực hiện đúng quy trình gây mê, không chỉ làm hạn chế biến chứng nguy hiểm mà còn tạo được cảm giác an toàn và tâm lý ổn định, sức khỏe tốt cho cả mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng