Fenilham là thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, thường được chỉ định giảm đau trong ung thư, phẫu thuật gây mê và giảm đau sau phẫu thuật. Thuốc có tác dụng mạnh gấp 100 lần Morphin. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thuốc Fenilham có tác dụng gì?
1. Fenilham là thuốc gì?
- Fenilham có thành phần chính là Fentanyl - thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid. Fenilham tác dụng thông qua cơ chế tác động thụ thể μ-opioid, giảm đau kiểu gây ngủ, liều thấp có tác dụng an thần, liều cao có tác dụng gây ngủ. Thuốc tác dụng nhanh sau khi tiêm từ 3-5 phút và hiệu quả kéo dài 1-2 giờ.
- Thuốc Fenilham được hấp thu nhanh chóng sau khi tiêm, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương. Hiệu quả giảm đau và tác dụng của thuốc phụ thuộc vào nồng độ và sự dung nạp của từng cá thể.
2. Chỉ định của thuốc Fenilham
Thuốc Fenilham được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Giảm đau trong các trường hợp cần giảm đau mạnh nhóm opioid như ung thư và gãy xương lớn,...
- Giảm đau trong và sau mổ phải có máy hô hấp hỗ trợ.
- Hỗ trợ trong gây mê trước mổ và thở máy trong hồi sức.
- Phối hợp với thuốc tê trong các gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống.
3. Chống chỉ định của thuốc Fenilham
Fenilham chống chỉ định dùng trong các trường hợp dị ứng với thành phần fentanyl hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Fenilham:
- Không sử dụng thuốc Fenilham trong kiểm soát cơn đau cấp và sau phẫu thuật do không dự kiến được liều và có thể gây suy hô hấp nặng.
- Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi dùng thuốc vì nguy cơ suy hô hấp có thể xảy ra do Fenilham tác động lên hệ thần kinh trung ương.
- Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sử dụng thuốc nhóm opioid có thể giảm hô hấp và tăng đề kháng thông khí.
- Sử dụng liên tục, kéo dài Fenilham có thể gây giảm dung nạp và lệ thuộc thuốc.
- Bệnh nhân khối u não dùng thuốc có thể gia tăng áp lực nội sọ.
- Fenilham làm chậm nhịp tim trên bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp tim chậm.
- Theo dõi chức năng gan trước và trong khi dùng thuốc do độc tính trên gan của Fenilham.
- Thuốc Fenilham có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, trí tuệ và thể lực. Nên tránh dùng Fenilham cho các bệnh nhân làm việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, lái xe, vận hành máy móc,...
- Chưa nghiên cứu đầy đủ an toàn của thuốc Fenilham cho thai nhi và trẻ em. Vì vậy, phụ nữ có thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc.
- Người lớn tuổi cần xem xét giảm liều Fenilham do khả năng độc tính trên gan và thận.
4. Tương tác của thuốc Fenilham
- Dùng đồng thời Fenilham với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (giảm lo âu, an thần, giãn cơ, kháng histamin gây ngủ) có thể gia tăng tác động ức chế.
- Dùng chung Fenilham với các chất ức chế men CYP3A4 ở gan (ritonavir) có thể làm tăng nồng độ của thuốc và làm kéo dài hiệu quả của thuốc, gây suy hô hấp.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
Fenilham được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm tĩnh mạch. Sử dụng thuốc phải được chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Liều dùng ở người lớn:
- Tiền mê ở người lớn: 50 – 100 microgam/ lần. Tiêm tĩnh mạch tốc độ chậm.
- Hỗ trợ gây mê (bệnh nhân tự thở): Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 50 – 200 microgam. Sau đó tiêm 50 microgam sau 30 phút tùy theo đáp ứng.
- Hỗ trợ gây mê (bệnh nhân có hỗ trợ hô hấp): Liều khởi đầu 300 – 3500 microgam. Sau đó tiêm 100 – 200 microgam sau 30 phút tùy theo đáp ứng. Liều tối đa 50 microgam/ kg.
- Gây tê ngoài màng cứng phối hợp với thuốc tê Bupivacain: 50 – 100 microgam/ lần.
- Gây tê tuỷ sống: 25 – 50 microgam/ lần.
- Giảm đau sau mổ: Truyền tĩnh mạch chậm 50 – 200 microgam /giờ hoặc sử dụng bơm tiêm điện.
Liều dùng ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi:
- Tiền mê: 3 – 5 microgam/kg/ lần. Tiêm tĩnh mạch tốc độ chậm.
- Giảm đau, an thần: Liều khởi đầu 15 microgam/ kg. Sau đó 1 – 3 microgam/kg sau 30 phút tùy theo đáp ứng.
- Giảm đau sau mổ: Liều khởi đầu 3 – 5 microgam/ kg tiêm tĩnh mạch chậm hoặc dùng bơm tiêm điện; sau đó tiêm 1 microgam/kg/ lần.
6. Tác dụng phụ của thuốc Fenilham
Khi sử dụng thuốc Fenilham, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Phản ứng phản vệ.
- Phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm: ngứa, ban đỏ,...
- Giảm thông khí và suy hô hấp.
- Buồn nôn, nôn, táo bón và tiêu chảy.
- Hạ huyết áp và chậm nhịp tim.
- Đau đầu, buồn ngủ, ảo giác và lo lắng.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Bí tiểu.
Tóm lại, Fenilham là thuốc giảm đau có tác dụng mạnh, được chỉ định trong các cơn đau mãn tính, hỗ trợ giảm đau trong và sau phẫu thuật và hỗ trợ gây tê. Thuốc phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa và cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân trong suốt thời gian điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.