Bệnh thận đa nang: Bạn cần biết gì?

Bệnh thận đa nang là tình trạng có nhiều nang ở thận, những nang này có kích thước khác nhau và có thể phát triển theo thời gian, gây tổn thương thận ở nhiều mức độ khác nhau.

1. Bệnh thận đa nang là gì?

Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease - PKD) là một bệnh lý mạn tính, trong đó có sự phát triển các khối u nang bên trong thận. U nang là những túi tròn, không phải ung thư, mà nó chứa đầy chất lỏng bên trong, có thể có kích thước khác nhau và nó có thể phát triển thành khối u rất lớn theo thời gian trong PKD.

Nguyên nhân gây ra thận đa nang (PKD) thường là do sự đột biến trong gen (Gen là các thành phần bên trong tế bào mang thông tin xác định các đặc điểm hoặc tính năng của bạn). Tình trạng đột biến gen gây ra PKD có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc tự xảy ra khi cả cha và mẹ của bạn đều không yếu tố của gen đột biến để di truyền. Thông thường bệnh thường bắt đầu phát triển ở độ tuổi từ khoảng 30 tuổi hoặc có thể xảy ra ngay sau khi sinh hay gọi là bệnh thận đa nang bẩm sinh. Thận đa nang thường xảy ra ở cả hai bên, ít khi có trường hợp thận đa nang 1 bên.

Khi bị bệnh thận đa nang thì bạn cũng có thể xuất hiện u nang ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan ( bệnh gan thận đa nang), tuyến tụy, lách, ruột và các mạch máu trong não...

Khi mắc bệnh thận đa nang nhiều người sống chung với nó, thậm chí có thể không hề biết họ mắc bệnh vì không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng ở một số người có một số nang có thể dẫn đến tổn thương thận và thậm chí có thể gây ra suy thận.

Trong hầu hết các trường hợp, thận đa nang(PKD) được di truyền trong gia đình. Cho nên, nếu bạn có cha mẹ, anh, chị, em ruột thịt hoặc con cái mắc PKD, hãy thăm khám bác sĩ để biết liệu bạn hoặc ai đó trong gia đình cần phải sàng lọc bệnh hay không. Phát hiện sớm giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm nguy cơ bệnh nặng mới phát hiện bệnh.

2. Triệu chứng bệnh thận đa nang

Không phải tất cả mọi người khi mắc bệnh thận đa nang PKD đều sẽ có các triệu chứng và hầu hêty những người mắc bệnh có thể không nhận thấy chúng trong vài năm. Nhưng bệnh phát triển theo thời gian và có thể làm tổn thương thận của bạn, ngay cả khi các triệu chứng không nghiêm trọng hoặc không đáng chú ý đến.

Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm:

  • Huyết áp tăng hơn so với mức bình thường.
  • Nhức đầu xuất hiện thường xuyên.
  • Đau ở bên hông hoặc lưng.
  • Hay cảm thấy no hoặc thấy bụng chướng lên bất thường.
  • Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm vùng ở thận
  • Có máu trong nước tiểu.

Các triệu chứng này không quá đặc hiệu, cho nên bạn cần phải thăm khám cận lâm sàng mới chẩn đoán chính xác bệnh.

3. Biến chứng của thận đa nang

Ngay cả khi bệnh thận đa nang nhẹ (PKD) nhẹ thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Huyết áp cao nếu không được kiểm soát tốt có thể gây hại thêm cho thận và tăng khả năng mắc các bệnh tim, đột quỵ. Nếu không được điều trị đúng cách thì tăng huyết áp sẽ diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
  • Phình mạch máu não: một khối phồng ở trong mạch máu (động mạch) trong não có thể bị vỡ ra và gây chảy máu não rất nguy hiểm, có thể tử vong nếu phình mạch lớn và không được cấp cứu kịp thời. Bởi vì, những người bị bệnh thận đa nang thì có nguy cơ cao bị chứng phình động mạch và những người có tiền sử gia đình bị chứng phình động mạch cũng có nguy cơ cao bị thận đa nang.
  • Đau mãn tính: Đau là một triệu chứng khá phổ biến đối với những người bị bệnh thận đa nang. Đau thường xảy ra ở vị trí hông hoặc lưng. Cơn đau cũng có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận.
  • Các vấn đề về van tim: Nghiên cứu thấy rằng 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh thận đa nang bị bệnh về van tim như sa van hai lá. Khi đó, van tim không còn đóng đúng cách, điều này khiến máu bị rò rỉ ngược lại. Lâu dần làm giảm chức năng tim.
  • Suy thận: Đây một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thận đa nang. Gần một nửa số người mắc bệnh này bị suy thận ở độ tuổi 60. Thận đa nang có thể gây cản trở hoạt động chức năng của thận, khiến cho chất thải bị tích tụ đến mức gây hại. Khi bệnh nặng hơn, có thể dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Khi ấy bệnh nhân cần phải lọc thận liên tục hoặc cấy ghép thận để kéo dài tuổi thọ.
  • Các vấn đề về đại tràng: Bệnh túi thừa có thể phát triển ở những người bị bệnh thận đa nang.
  • Sỏi thận: Có khoảng từ 11-34% số bệnh nhân mắc thận đa nang bị bệnh sỏi thận. Những trường hợp sỏi nhỏ ở thận thường khó chẩn đoán và dễ bị bỏ qua. Nó cũng góp phần tăng nguy cơ tổn thương thận.
  • Nhiễm khuẩn: Đây thường là lý do chính khiến người bệnh phải nhập viện. Nếu bị nhiễm khuẩn nang thì nang sẽ tăng kích thước và gây đau. Khám thấy thận to, ấn vào cảm thấy đau.
  • Các vấn đề khi mang thai đối với phụ nữ: Mang thai thường thành công đối với hầu hết phụ nữ mắc bệnh thận đa nang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, những người có nguy cơ bị tăng huyết áp hoặc suy chức năng thận trước khi mang thai có thể phát triển tình trạng tiền sản giật, đe doạ tính mạng sản phụ.

4. Các biện pháp điều trị bệnh thận đa nang

Mặc dù không có cách nào có thể chữa khỏi PKD, nhưng có những phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, làm chậm sự phát triển của khối u nang và ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tổn thương thận và làm mất chức năng thận.

Để kiểm soát tốt điều này bạn cần có một kế hoạch điều trị PKD phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân của bản thân. Điều trị bệnh có thể bao gồm thuốc, thay đổi lối sống. Một số biện pháp điều trị và một lối sống lành mạnh có thể giúp quản lý PKD và làm việc giảm tổn thương cho thận của mình, bao gồm:

  • Điều trị nhiễm khuẩn thận bằng kháng sinh phù hợp; Tăng huyết áp điều trị bằng các thuốc hạ huyết áp; Cắt thận nếu tình nang thận quá to, có biến chứng tiểu máu, nhiễm trùng tái phát.
  • Tránh uống caffeine và cần uống nhiều nước, đặc biệt nếu bạn thấy có máu trong nước tiểu.
  • Bỏ hút thuốc lá để giảm tổn thương thận.
  • Tiếp tục các hoạt động thể chất, để duy trì cân nặng hợp lý và ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít muối.
  • Hạn chế căng thẳng bằng cách giúp đối phó với căng thẳng như thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, tập thể dục, nghe nhạc.
  • Uống tất cả các loại thuốc theo chỉ dẫn ngay cả khi bạn cảm thấy ổn và không thấy có bất kỳ triệu chứng nào. Kế hoạch điều trị có thể cần thay đổi theo thời gian. Vì vậy, bạn cần thăm khám định kỳ đúng hạn để biết điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, hãy nói với bác sĩ về bất kỳ loại thảo mộc và chất bổ sung nào bạn dùng và tất cả các loại thuốc để có thể biết về cách dùng và liệu chúng có thể gây ảnh hưởng đến thận của bạn hay không.

Tóm lại, ngay cả khi thận đa nang (PKD) nhẹ và các triệu chứng không nghiêm trọng thì nó cũng gây ảnh hưởng tới cơ thể bạn. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi mắc bệnh là bạn phải tuân thủ kế hoạch điều trị, ngay cả khi cảm thấy ổn hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào.

Phát hiện bệnh thận đa nang không khó bằng việc thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ ổ bụng. Các bác sĩ khuyến cáo nên đi xét nghiệm kiểm tra chức năng thận nếu có nghi ngờ bất thường về thận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: education.webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe