Hồng cầu là một tế bào máu giúp vận chuyển oxy đến các cơ quan, cho các tế bào trong cơ thể sử dụng. Trong một số bệnh lý về hồng cầu có thể có sự biến đổi về kích thước của hồng cầu khiến cho hồng cầu nhỏ hơn hoặc lớn hơn bình thường.
1. Kích thước hồng cầu bình thường là bao nhiêu?
Hồng cầu có chức năng chính của là vận chuyển Hemoglobin, đây là chất gắn với oxygen từ phổi rồi đến trao đổi với các mô của cơ thể. Ngoài ra, hồng cầu còn chứa một lượng lớn carbonic anhydrase, một enzyme xúc tác cho phản ứng giữa CO2 và nước tạo ra carbonic acid (H2CO3) diễn ra nhanh hơn. Từ đó có thể giúp chuyển một lượng khổng lồ CO2 từ mô sang dạng HCO3- để đưa về phổi, ở mao mạch phổi nó lại chuyển lại thành CO2 và được thải ra ngoài không khí qua đường hô hấp như một chất thải của cơ thể.
Trên kính hiển vi người ta nhận thấy hồng cầu bình thường, không có nhân và có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính trung bình của hồng cầu khoảng 7,8 micrometers và dày khoảng 2,5 micrometers ở vị trí dày nhất và khoảng 1 micrometer hoặc có khi nhỏ hơn ở vị trí trung tâm. Thể tích trung bình hồng cầu thì khoảng 90 đến 95 μm3.
Hình dạng của hồng cầu bình thường có thể thay đổi đáng kể khi biến dạng để đi qua các mao mạch nhỏ. Tế bào hồng cầu có thừa một khoảng lớn màng tế bào cho các vật chất bên trong, nên sự biến dạng này không làm căng quá mức màng tế bào và không làm vỡ tế bào.
2. Những bệnh lý gây thay đổi kích thước hồng cầu
Hồng cầu có thể gặp nhiều bệnh lý khác nhau thay đổi hình dạng và kích thước của hồng cầu. Dưới đây là một số bệnh lý về hồng cầu gây thay đổi kích thước hồng cầu bao gồm:
2.1. Bệnh hồng cầu khổng lồ
Thiếu máu hồng cầu khổng lồ là bệnh lý thiếu máu nhưng có kích thước hồng cầu lớn hơn bình thường. Nguyên nhân gây ra bệnh hồng cầu khổng lồ bao gồm:
- Thiếu hụt vitamin B12: Nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu hụt B12 là thiếu máu ác tính do sự giảm tiết các yếu tố nội (thường là thứ phát do tự kháng thể). Các nguyên nhân thông thường khác là giảm hấp thu do viêm dạ dày hoặc nhiễm sán dây, hiếm khi do ăn kiêng.
- Khiếm khuyết sử dụng thiếu vitamin B12
- Thiếu Folate: Nguyên nhân thường gặp của thiếu folate bao gồm bệnh celiac và nghiện rượu.
Biểu hiện thiếu máu hồng cầu to:
- Các biểu hiện thiếu máu như mệt mỏi, da niêm mạc nhợt...thường diễn ra âm thầm, không rõ ràng.
- Biểu hiện đường tiêu hóa có thể gặp bao gồm tiêu chảy, viêm niêm mạc và chán ăn.
- Xét nghiệm máu: Thường thấy có dấu hiệu thiếu máu như số lượng hồng cầu, hemoglobin giảm, kèm theo MCV( thể tích trung bình hồng cầu) cao hơn 100fl, RWD( dải phân bố hồng cầu) tăng.
- Trên tiêu bản máu thấy hồng cầu to, hình bầu dục, không đều.
- Xét nghiệm thêm vitamin B12 để xác định nguyên nhân gây bệnh.
2.2. Bệnh hồng cầu nhỏ
Thiếu máu hồng cầu nhỏ được định nghĩa là tình trạng thiếu máu mà kích hồng cầu nhỏ hơn bình thường. Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
- Thiếu sắt: Sắt là một nguyên liệu tạo ra hemoglobin, nên khi cơ thể bị thiếu sắt sẽ làm cho hồng cầu chứa ít hemoglobin hơn, khiến cho kích thước nhỏ hơn. Các nguyên nhân có thể khiến bạn bị thiếu sắt bao gồm mất máu mạn tính, thiếu nguồn cung cấp, tăng nhu cầu...
- Bệnh thiếu máu huyết tán thalassemia: Đây là một bệnh liên quan tới di truyền, gây ảnh hưởng tới tổng hợp chuỗi globin của hemoglobin.
- Nhiễm độc chì: Có thể do thường xuyên tiếp xúc với nguồn chất có chứa chì.
- Thiếu máu nguyên bào hồng cầu: Đây là do nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải khiến ảnh hưởng tới sự sản xuất ở tủy xương.
- Viêm mạn tính: Cũng khiến cho sắt bị dự trữ nhiều hơn bình thường ở trong tế bào. Khiến cho cơ thể bị thiếu nguồn tạo máu, có thể gặp trong bệnh ung thư, viêm khớp dạng thấp...
Các biểu hiện của thiếu máu hồng cầu nhỏ tùy theo mức độ thiếu máu:
- Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da xanh hoặc da vàng.
- Tim đập nhanh hay hồi hộp trống ngực.
- Niêm mạc nhợt, móng tay dễ gãy.
- Khó thở, thở nhanh.
- Xét nghiệm: Thấy thấy có dấu hiệu thiếu máu như số lượng hồng cầu bình thường hoặc đôi khi tăng, hemoglobin giảm, kèm theo MCV (thể tích trung bình hồng cầu) thấp hơn 80fl, thường kèm theo MCH (lượng huyết sắc tố trung bình có trong một tế bào hồng cầu) dưới 28pg/l, RWD (dải phân bố hồng cầu) thường bình thường hoặc tăng.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân như xét nghiệm sắt huyết thanh, ferritin (sắt dự trữ), điện di hemoglobin nếu nghi ngờ bệnh thalassemia.
2.3. Thiếu máu hồng cầu kích thước bình thường
Thiếu máu hồng cầu bình thường là tình trạng thiếu máu mà kích thước của hồng cầu vẫn bình thường. Nó thường gặp trong tình trạng mất máu cấp tính do chấn thương hay bệnh xuất huyết.
Những biểu hiện của thiếu máu này thường tương tự nhưng rõ rệt hơn thiếu máu mạn tính. Kèm theo xét nghiệm thấy số lượng hồng cầu và hemoglobin giảm, nhưng MCV và MCH bình thường.
Những biến đổi kích thước bình thường của hồng cầu có thể gặp ở nhiều bệnh lý về hồng cầu khác nhau. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhất là trong những thời kỳ tăng nhu cầu như khi mang thai, chấn thương, nhiễm khuẩn...là biện pháp giúp phòng ngừa thiếu máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.