6 điều cơ bản nhất về chụp cộng hưởng từ (MRI) bạn cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Đình Hùng - Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến trên toàn thế giới. Các bác sĩ và nhà nghiên cứu liên tục cải tiến các kỹ thuật MRI để hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh chính xác cho người bệnh. Bài viết này xem xét 6 điều cơ bản nhất về chụp MRI bạn cần biết.

1. Lý do thực hiện chụp MRI

Chụp cộng hưởng từ: là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến hàng đầu trên thế giới nhất là đối với các mô mềm và hệ thần kinh. Có rất nhiều lý do để các bác sĩ đưa ra chỉ định chụp MRI như:

Chụp cộng hưởng từ não và tủy sống nhằm xác định:

● Tổn thương các mạch máu não;

Chấn thương sọ não

Ung thư não, tủy sống hoặc những tổn thương tủy sống;

Bệnh đa xơ cứng;

● Sàng lọc những nhóm đối tượng có nguy cơ đột quỵ.

MRI tim và mạch máu để chẩn đoán các trường hợp:

● Tắc nghẽn mạch máu;

● Các bệnh tim mạch hoặc các bất thường về cấu trúc của tim;

● Tổn thương sau các cơn đau tim cấp tính.

Chụp cộng hưởng từ xương và khớp:

● Tìm kiếm các nhiễm trùng xương và những tổn thương các khớp;

Ung thư xương;

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm;

● Tìm ra nguyên nhân của tình trạng đau cổ hoặc thắt lưng có dấu hiệu chèn ép dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm
Chụp cộng hưởng từ xương và khớp giúp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

MRI cũng có thể được thực hiện để kiểm tra tình trạng của một số cơ quan như:

● Vú, buồng trứng hoặc chụp MRI tử cung (đối với nữ giới);

● Chụp cộng hưởng từ phổi, gan, thận;

● Tuyến tụy;

● Tuyến tiền liệt (đối với nam giới);

● Chụp MRI ổ bụng để chẩn đoán căn nguyên những tổn thương tại khu vực này.

Ngoài ra MRI chức năng (fMRI) có khả năng tính toán lưu lượng máu trong não để xem khu vực nào có sự thay đổi khi bệnh nhân thực hiện một số bài kiểm tra như trả lời câu hỏi dạng ngắn hoặc cử động bàn hay ngón tay. fMRI giúp phát hiện các vấn đề về não sau đột quỵ hoặc phẫu thuật để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

2. Chuẩn bị gì để chụp MRI

Trước khi tiến hành chụp MRI bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên một số thông tin về:

● Các bệnh đang mắc phải, nhất là bệnh liên quan đến gan hoặc thận;

● Đã từng thực hiện phẫu thuật thời gian gần đây;

● Dị ứng với các loại thuốc phản quang;

● Đang mang thai hoặc có thể mang thai;

● Mang trong mình những thiết bị kim loại hỗ trợ như: Máy trợ tim, trợ thính, khớp nhân tạo, đinh cố định xương gãy...

Ngoài ra bệnh nhân sẽ được yêu cầu mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không có khóa hoặc thay quần áo của bệnh viện. Họ cũng được yêu cầu để những vật dụng sau ngoài phòng chụp:

● Điện thoại di động;

● Răng giả;

● Kính mắt;

● Máy trợ thính;

● Chìa khóa;

● Áo lót;

● Đồng hồ đeo tay;

● Tóc giả.

Nếu mắc hội chứng sợ không gian kín, bệnh nhân có thể được cho làm quen với máy trước hoặc tiêm một loại thuốc an thần qua đường tĩnh mạch.

Máy trợ thính
Khi chụp MRI, bệnh nhân được yêu cầu tháo máy trợ thính

3. Dụng cụ chụp MRI

Máy chụp cộng hưởng từ là một thiết bị lớn thông 2 đầu với các khối nam châm bao xung quanh. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm trên một chiếc bàn chụp có thể di chuyển dọc theo trục của máy.

Trong khi tiến hành chụp, không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng nằm hoàn toàn trong hệ thống của máy mà chỉ phần cơ thể được chỉ định chụp, phần còn lại của cơ thể nằm bên ngoài.

Một loại máy được gọi là MRI mở được chế tạo cho những người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc người béo phì quá mức. Tuy nhiên chất lượng hình ảnh của các máy MRI mở thường không tốt bằng máy MRI kín.

Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla tại Vinmec
Máy chụp cộng hưởng từ tại Vinmec

4. Điều gì xảy ra khi chụp MRI

Trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở cánh tay, thường là gadolinium. Loại thuốc này giúp kỹ thuật viên quan sát rõ hơn các cấu trúc bên trong cơ thể. Bệnh nhân sẽ nằm trên một bàn chụp có thể di chuyển dọc theo thân máy và được cố định bởi dây đai an toàn.

Máy MRI tạo ra một từ trường mạnh tác động vào cơ thể người bệnh, máy tính sẽ thu lại tín hiệu từ các proton trong cơ thể và thể hiện chúng dưới dạng hình ảnh thông qua màn hình của kỹ thuật viên. Mỗi bức ảnh chính là một lát cắt mỏng của cơ thể hoặc khu vực được tiến hành chụp.

Trong khi tiến hành chụp, bệnh nhân có thể nghe thấy 2 âm thanh lớn, đó là khi máy tiến hành bật và tắt sóng từ trường, họ sẽ được cung cấp dụng cụ giảm âm như tai nghe hoặc nút tai. Ngoài ra do MRI kích thích các dây thần kinh nên thường xuất hiện các cơn co giật nhẹ nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường. Quá trình chụp sẽ kéo dài trong khoảng từ 20 đến 90 phút tùy theo diện tích khu vực được chụp.

Trong MRI chức năng, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu thực hiện một số bài kiểm tra đơn giản chẳng hạn chạm đầu ngón tay cái vào đầu các ngón tay khác hoặc trả lời các câu hỏi bác sĩ đưa ra. Điều này giúp xác định chính xác phần nào của não kiểm soát những hành động này.

Tiêm thuốc cản quang khi chụp CT
Bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang trước khi chụp MRI

5. Ai không nên chụp MRI?

Những trường hợp sau không được chỉ định chụp MRI:

● Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên chụp MRI trừ trường hợp thực sự cần thiết. Đây là khoảng thời gian các cơ quan của thai nhi đang phát triển, hơn nữa việc tiêm thuốc cản quang cho bà mẹ cũng sẽ vô tình truyền chúng qua nhau thai vào máu trẻ.

● Trường hợp dị ứng với thuốc cản quang hoặc những trường hợp suy thận nặng.

● Người mang những thiết bị hỗ trợ bằng kim loại trong cơ thể.

6. Kết quả mong đợi từ chụp MRI

Trong trường hợp cần tiêm thuốc cản quang, kỹ thuật viên sẽ đảm bảo loại bỏ hết thuốc khỏi cơ thể bệnh nhân sau khi tiến hành chụp cộng hưởng từ.

Những phản ứng dị ứng xuất hiện sau khi tiêm thuốc cảm quang rất hiếm gặp, tuy nhiên cần thông báo ngay với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên nếu gặp phải một trong các triệu chứng sau: phát ban, nổi mề đay, khó thở....

Trong trường hợp mắc hội chứng sợ không gian kín và phải sử dụng thuốc an thần người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại cơ sở y tế cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo hoặc được người thân đưa về.

Chụp cộng hưởng từ đang ngày càng trở lên phổ biến bởi những giá trị mà nó mang lại. Có nhiều lý do khiến các bác sĩ chỉ định bệnh nhân của mình là chụp MRI như MRI não, tủy sống, MRI tim, mạch máu, MRI ổ bụng... để giúp đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh.

Hình ảnh chụp MRI tưới máu não
Chụp MRi giúp đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh

Chụp cộng hưởng từ không được áp dụng cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, những người bị suy thận nặng cũng như những người mang trong mình thiết bị hỗ trợ bằng kim loại do sóng từ trường có thể ảnh hưởng xấu đến những đối tượng trên. Ngoài ra tuy dị ứng với thuốc cản quang hiếm gặp nhưng người bệnh cũng cần hết sức cảnh giác khi xuất hiện các triệu chứng như phát ban, mề đay, khó thở... sau khi chụp MRI.

Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan