Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bạo lực gia đình vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và đáng báo động trong xã hội. Đặc biệt thời đại mạng xã hội bùng nổ, nhiều vụ việc bạo lực phụ nữ và trẻ em đã được đưa ra pháp luật xử lý, nhưng ẩn đâu đó vẫn còn nhiều góc khuất. Hậu quả về sự tổn thương về thể chất và tâm lý của nạn nhân là vô cùng lớn.
1. Tìm hiểu bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là những hành vi mang tính bạo lực xảy ra giữa những người thân trong gia đình, gây ra sự tổn thương về thể chất, tinh thần và nhân phẩm cho nạn nhân và những thành viên khác
Bạo lực với phụ nữ và bạo lực với trẻ em trong gia đình là hai trường hợp phổ biến và thường xuyên xảy ra. Trong đó, bạo lực với trẻ em được coi như một hình thức ngược đãi trẻ em, bởi trẻ tiếp xúc và chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ, chịu sự trừng phạt của người lớn, đồng thời còn có những nguy cơ như bỏ giam, tra tấn, xâm hại tình dục, tâm lý.
2. Những tổn thương tâm lý ở nạn nhân bị bạo lực gia đình
Những tổn thương tâm lý ở phụ nữ khi bị chồng bạo hành có thể kể đến như:
- Rối loạn cảm xúc với những dấu hiệu, biểu hiện như: căng thẳng, lo lắng, hốt hoảng, suy nghĩ không tập trung, dễ bị xúc động, hay khóc, không thấy hạnh phúc, khó khăn trong khi đưa ra các quyết định, làm việc chậm chạp, không có hứng thú với các công việc hằng ngày.
- Buồn chán, cảm giác vô dụng và có ý nghĩa muốn kết thúc cuộc sống
- Những nạn nhân bị bạo lực gia đình có xu hướng sử dụng chất gây nghiện, rượu và ma tuý; có nhiều ý nghĩ tự hại, tự sát
- Bị trầm cảm, lo âu
- Cảm giác xấu hổ, tội lỗi, ám ảnh, rối loạn hoảng sợ
- Thiếu lòng tự trọng
- Gặp các rối loạn ngủ, ăn uống; giảm các hoạt động thể chất
- Có những hành vi tình dục không an toàn
Những tổn thương tâm lý ở trẻ em khi bị bạo hành :
- Trẻ em thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng
- Tỏ ra nhút nhát hoặc hung hăng quá mức
- Có những hành vi như: đái dầm, mút tay
- Có xu hướng bắt chước các hành vi bạo lực của người lớn
- Học tập: giảm sút, thiếu động lực học tập
- Có những hành vi lệch chuẩn, gây hấn
- Dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm
Về cơ bản hậu quả của bạo lực gia đình gây ra đối với trẻ em và phụ nữ vô cùng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý mà còn khiến cho 2 đối tượng trên dễ hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực, chán nản ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc trong tương lai. Vì thế, hãy cố gắng tạo ra một môi trường sống tốt nhất cho trẻ em để các con có được tuổi thơ hạnh phúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.