Những cách cụ thể để 'đánh bại' sự chần chừ

Chần chừ là một đặc điểm tâm lý mà hầu như tất cả mọi người đều có, người ta có thể đưa ra nhiều lý do để ngụy trang cho sự chần chừ đó. Tuy nhiên, nếu thật sự muốn “đánh bại” sự chần chừ, bạn có thể chia nhỏ công việc hay cảm nhận lợi ích của việc mà bạn đang chần chừ.

1. Chần chừ là gì?

Chần chừ là một đặc điểm tâm lý của mọi người nói chung, được biểu hiện thông qua việc do dự, đắn đo, trì hoãn trước một hành động hay quyết định nào đó.

Khi đứng trước một quyết định khó khăn, những việc mà chúng ta cảm thấy khó hiểu, trừu tượng thì đa số chúng ta sẽ trì hoãn và thực hiện những việc đơn giản trước. Đó là tâm lý chung của hầu hết mọi người.

Bộ não của chúng ta thường sẽ dễ dàng xử lý những việc cụ thể hơn là những việc trừu tượng. Bởi bộ não của chúng ta thấy được những rắc rối hiện hữu trước mắt khi thực hiện những việc khó khăn hơn là nhìn thấy lợi ích của việc đó mang lại. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho chúng ta chần chừ.

Hậu quả của việc chần chừ sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc. Nếu chúng ta chần chừ trong việc giải quyết công việc sẽ làm cho những công việc khó khăn bị dồn lại, đến khi thực hiện sẽ gây ra những áp lực lớn hơn trong thời gian ngắn hoặc kéo dài thời gian hoàn thành. Ngoài ra, nó còn làm cho chúng ta chậm trễ trong việc nâng cao kỹ năng của bạn thân, như bạn muốn học ngôn ngữ khác nhưng luôn ngại khó và chần chừ không thực hiện.


Chần chừ là một đặc điểm tâm lý mà hầu như tất cả mọi người đều có
Chần chừ là một đặc điểm tâm lý mà hầu như tất cả mọi người đều có

2. Làm sao để hết chần chừ?

Hiểu được đặc tính nhận diện công việc của bộ não thì chúng ta có thể tìm cách hạn chế được sự chần chừ.

2.1. Làm cho việc đó thật cụ thể

Điều này có nghĩa là nếu càng làm rõ ràng và cụ thể một nhiệm vụ thì bạn sẽ hoàn thành nó sớm hơn, giảm chần chừ. Ví dụ như bạn cần làm một cái thẻ ngân hàng trong khi bạn chưa từng làm bao giờ, nếu ngần ngại bạn hãy làm nó cụ thể hơn bằng cách tìm hiểu ngân hàng muốn làm, chi nhanh thuận tiện cho việc bạn đi lại di chuyển, thời gian làm việc của ngân hàng để cụ thể hoá thời gian phù hợp...

Nếu làm theo từng bước cụ thể sẽ làm bạn giảm bớt cảm giác có rào cản, hạn chế chần chừ.

2.2. Cảm nhận lợi ích của hành động lớn hơn và thực tế hơn

Hãy tưởng tượng việc mình làm sẽ tuyệt vời như thế nào khi hoàn thành. Khi tưởng tượng về tương lai sẽ giúp chúng ta cảm giác thực hơn, điều này có thể mang lại động lực khi làm việc tại thời điểm hiện tại. Giả sử bạn đang cần gọi cho đối tác, nhưng vẫn đang chần chứ, ngại gọi hay tưởng tượng về sự hài lòng của bản thân và đối tác sau khi kết thúc cuộc gọi sẽ giúp bạn phấn chấn hơn.

Bạn cũng cần cam kết thực hiện hành động và công khai sự cam kết đó. Nói với mọi người rằng chúng ta sẽ hoàn thành một việc gì đó đúng thời hạn. Điều đó có thể khuếch đại mạnh mẽ sự hấp dẫn của việc thực sự hành động.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải đối mặt với sự rủi ro khi không hành động. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng ta không thích đánh giá đúng hiện trạng những nhược điểm khi không hành động. Mặc dù có thể cân nhắc những ưu và khuyết điểm của việc khi làm điều gì đó mới, nhưng ít cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc không làm một điều gì đó. Tình trạng này còn được gọi là thành kiến thiếu sót, khiến chúng ta bỏ qua một số lợi ích của việc hoàn thành công việc. Nếu như bạn đang trì hoãn việc gì đó bởi một việc thú vị hơn thì bạn hãy bắt buộc bản thân phải suy nghĩ về những rủi ro khi trì hoãn nó.


Hậu quả của việc chần chừ sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc
Hậu quả của việc chần chừ sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất công việc

2.3. Để thời gian và nỗ lực bỏ ra thấp hơn

Khi bạn xác định một nhiệm vụ hay một mục tiêu khó, bạn sẽ có xu hướng trốn tránh nó vì nghĩ nó sẽ rất tốn công sức và thời gian. Khi đó bạn hãy chia nhỏ mục tiêu công việc của mình ra, tạo thành một danh sách các công việc cần làm để hoàn thành mục tiêu chính. Khi đó nếu bạn hoàn thành từng mục tiêu nhỏ sẽ cảm thấy chúng dễ dàng hơn, ít tốn công sức và thời gian hơn. Như vậy, nó sẽ góp phần giúp chúng ta có động lực lớn hơn.

Khi làm việc gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng bạn vẫn luôn cảm thấy không muốn thực hiện nó thì hãy dành ra một thời gian để tự hỏi bản thân tại sao bạn cảm thấy khó khăn khi thực hiện công việc này. Khi giải đáp được thắc mắc thì bạn sẽ có những hướng giải quyết phù hợp.

Chần chừ là một thói quen tâm lý của rất nhiều người, nó có thể gây ảnh hưởng tới công việc cũng như những mục tiêu sống của bản thân. Nếu như bạn cũng đang gặp phải tình trạng này thường xuyên hãy thử áp dụng một số biện pháp trên để cải thiện sự chần chừ của bản thân

Nguồn tham khảo: webmd.com, hbr.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe