Thân nhiệt của chúng ta thường sẽ duy trì ở một mức cố định, nhưng có rất nhiều trường hợp vì một lý do nào đó mà thân nhiệt của cơ thể bị giảm. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể gây những ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng lưu thông máu trong cơ thể.
1. Vì sao chúng ta bị hạ thân nhiệt?
Nhiệt độ cơ thể trung bình là 37° C, nhưng có thể thay đổi một chút ở mỗi người. Nhiệt độ cơ thể có thể dao động từ 36,1 ° C đến 37,2 ° C được coi là bình thường. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà thân nhiệt của bạn đo được thấp hơn nhiệt độ trên được gọi là hạ thân nhiệt. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hạ thân nhiệt ở người, một số nguyên nhân có thể kể tới như:
- Nhiệt độ môi trường quá lạnh: Khi nhiệt độ môi trường quá lạnh cơ thể không được bảo vệ bằng quần áo ấm thì sẽ làm thân nhiệt bị giảm.
- Tình trạng sức khỏe không tốt: Khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus có thể gây ra hạ nhiệt độ cơ thể khi cơ thể chống lại vi trùng; luôn cảm thấy lạnh cũng có thể do thiếu máu, mắc bệnh suy giáp.
- Uống rượu: Tưởng chừng uống rượu có thể giúp bạn ấm áp hơn, nhưng thực tế thì rượu làm giảm khả năng nhận biết sự thay đổi nhiệt của môi trường và giảm khả năng tự điều hoà nhiệt độ của cơ thể. Nên nếu gặp môi trường lạnh bạn dễ bị hạ thân nhiệt.
Sự lão hóa: Khi chúng ta già đi, nhiệt độ cơ thể cơ bản đôi khi thấp hơn như một phần tự nhiên của quá trình này. Do ở người già có sự giảm mức chuyển hoá cơ bản.
2. Một số biện pháp giúp tăng nhiệt độ cơ thể
2.1 Biện pháp tăng nhiệt độ nhanh
- Nhảy nhanh tại chỗ: Một vài động tác nhảy nhanh tại chỗ ở những nơi an toàn có thể giúp tăng nhịp tim và tăng tuần hoàn, do đó làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn hoạt động quá nhiều, cường độ cao có thể dẫn đến giảm nhiệt độ trong thời gian ngắn khi cơ thể đổ mồ hôi.
- Đi bộ: Nếu ra ngoài trong môi trường lạnh, cần liên tục di chuyển để tránh hạ thân nhiệt. Nhưng cũng không cần chạy nhanh chỉ cần đi bộ cho máu lưu thông, bởi việc chạy nhanh trong thời tiết khắc nghiệt có thể làm giảm khả năng phối hợp của bạn và tăng nguy cơ chấn thương.
- Đưa tay vào nách: Khi bị lạnh các ngón tay hay ngón chân là phần đầu tiên của cơ thể của bạn mà bắt đầu cảm thấy tê, khó cử động. Đặt tay dưới nách để giữ nhiệt cơ thể và làm ấm các ngón tay.
- Dùng đồ bảo hộ cơ thể: Một số vật dụng được dùng để làm ấm và tăng nhiệt cơ thể như mũ, găng tay, tất chân và quần áo nếu có sẵn. Nếu có thể giữ ấm bàn tay, bàn chân và đầu của mình thì nhiệt độ cơ thể ổn định hơn.
2.2 Thức ăn giúp ấm cơ thể
- Trà hoặc cà phê nóng: Đồ uống ấm có thể làm ấm cơ thể một cách nhanh chóng, thậm chí cảm thấy ấm khi bạn nuốt nó. Hơi nước từ đồ uống nóng cũng có thể tạo thêm hơi ấm cho vùng mặt cổ và cầm một cốc ấm cũng giúp làm nóng bàn tay của bạn.
- Súp: Món súp ấm, nóng có thể có tác dụng tương tự như trà hoặc cà phê, làm ấm cơ thể khi ăn.
- Thức ăn chứa chất xơ: Ăn thực phẩm giàu chất xơ giúp tiêu hóa lâu hơn do đó có cảm giác ấm hơn. Một số món có thể làm ấm cơ thể như khoai lang, bí đỏ, súp lơ...
- Protein và chất béo: Protein và chất béo mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn carbohydrate và cơ thể cũng sẽ có cảm giác ấm hơn. Một số món ăn như bơ, oliu, các loại hạt, trứng... có thể không làm ấm bụng ngay lập tức, nhưng thường xuyên dùng chế độ ăn uống này sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể.
- Thức ăn giàu sắt: Khi bị thiếu máu sẽ làm cơ thể bị lạnh thường xuyên nên những thức ăn có chứa sắt sẽ làm giảm nguy cơ thiếu máu. Một số loại thức có thể chứa nhiều sắt như động vật có vỏ, đậu, thịt đỏ và các loại cải xanh...
- Thực phẩm giàu calo: Lạnh làm cho cơ thể phải tiêu tốn nhiều calo để làm ấm cơ thể. Cho nên những thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu calo có thể giúp cơ thể ấm hơn một chút trong những tháng lạnh hơn.
2.3 Thở bụng
Một số cách hít thở cũng làm tiêu hao năng lượng và sinh ra nhiệt độ để làm ấm cơ thể. Bạn có thể thở bụng hay một cách thở sâu để làm tăng nhiệt độ.
Để thở bụng bạn làm như sau: Hít một hơi thật sâu, sau đó phình bụng, giữ hơi trong vòng vài giây rồi thở ra và kết hợp hóp bụng. Thời gian đầu khi mới tập thở bụng cơ thể sẽ cảm giác mệt, khi quen sẽ đỡ hơn.
2.4 Một số mẹo khác làm tăng nhiệt độ cơ thể
- Ngồi gần người khác: Khi bị lạnh hãy chia sẻ thân nhiệt với người khác. Hơi thở ấm áp và sức nóng của một người khác gần mình có thể giúp giữ cho nhiệt độ cơ thể không giảm xuống quá thấp.
- Tắm nước ấm: Một cách nhanh chóng để tăng nhiệt độ là liệu pháp ngâm mình trong nước ấm, hay tắm nước ấm.
- Thay quần áo ấm: Nếu như bạn đi từ bên ngoài vào, quần áo của bạn có thể bị ẩm hoặc ướt do thời tiết mùa đông. Nên thay một bộ quần áo khác và có thể sấy ấm quần áo mới trước khi mặc để có cảm giác ấm áp hơn.
3. Khi nào cần phải chăm sóc y tế khi hạ thân nhiệt?
Nếu nhiệt độ cơ thể của bạn xuống dưới 35 ° C khi đo bằng nhiệt kế thì đây được coi là thân nhiệt hạ và là một trường hợp cấp cứu y tế và cần có sự chú ý của bác sĩ. Điều này có thể gây ra do tiếp xúc với lạnh, có thể dễ xảy ra hơn do tuổi tác cao và các tình trạng sức khỏe nhất định.
Các triệu chứng khác cần được sự chăm sóc y tế bao:
- Da trông có vẻ cứng hoặc có cảm giác như sáp.
- Da có màu khác biệt như hơi xanh, trắng, xám hoặc đỏ sau khi tiếp xúc với nhiệt độ quá khắc nghiệt
- Tứ chi xuất hiện mụn nước khi cố gắng làm ấm chúng quá nhanh
- Sốt sau khi tiếp xúc với môi trường lạnh
- Khó vận động hay cứng cơ sau tiếp xúc lạnh.
- Một số các triệu chứng không giải thích được hình thành sau khi ở ngoài trời lạnh
- Bị nhầm lẫn hay mất phương hướng.
4. Làm gì để phòng tránh hiện tượng hạ thân nhiệt
Một số cách có thể thực hiện để tránh bị lạnh:
- Mặc nhiều lớp quần áo ấm.
- Sử dụng một biện pháp nào đó để sưởi ấm cơ thể khi bạn ở nhà.
- Mang tất và dép đi trong nhà.
- Đóng cửa ở những phòng không sử dụng, đóng lỗ thông gió khi không cần sử dụng để có môi trường ấm áp, tránh gió lùa.
- Uống đồ uống ấm, như nước ấm, trà nóng.
- Mang theo chăn đệm khi di chuyển trên chuyến xe.
- Khi ra ngoài trời nhớ mang theo quần áo, mũ, găng tay để có thể dùng khi cần vào mùa lạnh.
Luôn bảo vệ cơ thể để tránh bị lạnh là biện pháp phòng tình trạng hạ thân nhiệt tốt nhất. Khi bạn thấy bị lạnh có thể áp dụng các biện pháp trên để tăng thân nhiệt và hãy lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm để liên hệ cơ quan y tế khi cần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com