Hệ thống miễn dịch khởi động lại khi ngủ

Các nhà nghiên cứu cho biết ngủ ngon có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Các bằng chứng khoa học đang minh chứng rằng giấc ngủ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch, có thể dẫn đến sự phát triển của nhiều loại rối loạn.

1. Bằng chứng khoa học về mối tương quan giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch

Trong một nghiên cứu công bố gần đây, các nhà khoa học tuyên bố họ phát hiện chất lượng giấc ngủ tốt có thể thúc đẩy các tế bào lympho T trong cơ thể chiến đấu chống nhiễm trùng, bằng cách tăng cường khả năng bám dính và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và các mầm bệnh khác của tế bào T.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết có những vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn liên quan đến giấc ngủ kém. Một ví dụ đơn cử như trong một cuộc khảo sát theo dõi kéo dài 11 năm, ở những người mất ngủ ở mức vừa phải (giới hạn thời gian ngủ đến 4 giờ trong một đêm) đã làm giảm hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer cell - NK) xuống trung bình 72%, so với hoạt động của tế bào NK ở những người ngủ đủ giấc. Nghiên cứu chỉ ra rằng tế bào NK có vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt tế bào khối u. Giảm chức năng của tế bào NK có liên quan đến nguy cơ tử vong do ung thư (ở tất cả các cơ quan) cao hơn 1,6 lần.

Bà Besedovsky là nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm lý Y tế và Sinh học Thần kinh Hành vi tại Đại học Tubingen ở Đức. Gần đây, bà và các cộng sự đã công bố một nghiên cứu về tác động của giấc ngủ lên hệ miễn dịch như sau: Thời gian ngủ đến 4 giờ trong một đêm dẫn đến việc hình thành các cytokinesa gây viêm (Các cytokine gây viêm là các phân tử protein được tiết ra bởi các tế bào miễn dịch và các loại tế bào khác để báo hiệu cho các tế bào khác thúc đẩy quá trình viêm), là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của bệnh lý rối loạn tim mạch và chuyển hóa.

Mất ngủ cũng được cho là gây nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Thời gian ngủ đến 4 giờ trong một đêm trong 6 ngày, dù ngủ 12 giờ mỗi đêm trong 7 ngày tiếp theo, vẫn dẫn đến việc sản xuất kháng thể sau tiêm phòng cúm giảm hơn 50% so với những người có số giờ ngủ đều đặn.

14 nam thanh niên khỏe mạnh, độ tuổi trung bình 25, được lấy mẫu máu khi họ ngủ xuyên đêm và một lần nữa khi họ thức trắng đêm. Các mẫu được phân tích để tìm nồng độ tế bào T, là tế bào bạch cầu - nền tảng của hệ thống miễn dịch. Khi những người tham gia có một giấc ngủ trọn vẹn vào ban đêm, nồng độ của tất cả các loại tế bào lympho T sẽ giảm trong vòng ba giờ sau khi chìm vào giấc ngủ. Nhưng mức tế bào lympho T vẫn ở mức cao khi các tình nguyện viên thức suốt đêm. Không rõ các tế bào lympho T đã đi đâu khi chúng rời khỏi dòng máu trong khi ngủ. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây cho thấy chúng có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết.


Nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch liên quan đến giấc ngủ
Nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch liên quan đến giấc ngủ

2. Giấc ngủ - Miễn dịch bẩm sinh – Miễn dịch tập nhiễm

Ngủ là một giai đoạn quan trọng của cơ thể để nghỉ ngơi và các nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của chúng ta. Trên thực tế, giấc ngủ góp phần vào cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch tập nhiễm.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong giấc ngủ hàng đêm, một số thành phần nhất định của hệ thống miễn dịch hoạt động. Ví dụ, có sự gia tăng sản xuất các cytokine liên quan đến tình trạng viêm. Hoạt động này dường như được thúc đẩy bởi cả giấc ngủ và nhịp sinh học, là đồng hồ bên trong 24 giờ của cơ thể.

Khi ai đó bị bệnh hoặc bị thương, phản ứng viêm này có thể giúp phục hồi, củng cố khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng khi cơ thể hoạt động để sửa chữa vết thương hoặc chống lại nhiễm trùng.

Giống như giấc ngủ có thể giúp não củng cố khả năng học tập và trí nhớ, nghiên cứu cho thấy rằng giấc ngủ giúp tăng cường trí nhớ miễn dịch. Sự tương tác của các thành phần của hệ thống miễn dịch trong khi ngủ củng cố khả năng của hệ thống miễn dịch trong việc ghi nhớ cách nhận biết và phản ứng với các kháng nguyên nguy hiểm.

Các chuyên gia không chắc tại sao quá trình này lại diễn ra trong khi ngủ, nhưng một số yếu tố có thể liên quan:

  • Trong khi ngủ, hoạt động thở và cơ chậm lại, giải phóng năng lượng cho hệ thống miễn dịch để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này.
  • Tình trạng viêm xảy ra trong khi ngủ có thể gây hại cho hoạt động thể chất và tinh thần nếu nó xảy ra trong giờ thức, vì vậy cơ thể đã tiến hóa để các quá trình này diễn ra trong giấc ngủ hàng đêm.
  • Melatonin, một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ được sản xuất vào ban đêm, có khả năng chống lại căng thẳng có thể có do viêm trong khi ngủ.

Một khía cạnh quan trọng của quá trình này là nó có khả năng tự điều chỉnh. Khi thời gian ngủ kết thúc, nhịp sinh học của cơ thể giảm tình trạng viêm nhiễm này. Bằng cách này, ngủ đủ giấc chất lượng cao sẽ tạo điều kiện cho sự cân bằng tinh tế của chức năng miễn dịch, hay có thể nói là hệ thống miễn dịch đã khởi động lại khi ngủ, vốn rất quan trọng cho cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch tập nhiễm.


Giấc ngủ tốt cho hệ miễn dịch giúp cơ thể luôn được khỏe mạnh
Giấc ngủ tốt cho hệ miễn dịch giúp cơ thể luôn được khỏe mạnh

3. Làm thế nào để cải thiện giấc ngủ và tăng cường hệ miễn dịch?

Với tầm quan trọng của giấc ngủ đối với chức năng miễn dịch, việc ưu tiên ngủ đủ giấc mỗi đêm không bị gián đoạn có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.

Cải thiện giấc ngủ thường bắt đầu bằng cách tập trung vào thói quen, hành vi và môi trường ngủ của bạn. Đây được gọi chung là vệ sinh giấc ngủ. Thậm chí các bước đơn giản, chẳng hạn như có một lịch trình ngủ nhất quán và tránh sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng trên giường, có thể giúp bạn dễ dàng có một giấc ngủ ngon.

Những người có vấn đề về giấc ngủ mãn tính hoặc nghiêm trọng hay các vấn đề về bệnh tái phát nên nói chuyện với bác sĩ để xác định nguyên nhân cơ bản và tìm ra biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Những người bị rối loạn giấc ngủ như mất ngủ có thể được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ (CBT-I). Cách tiếp cận này có tác dụng làm giảm những suy nghĩ tiêu cực về giấc ngủ và thúc đẩy giấc ngủ lành mạnh và giảm các dấu hiệu viêm.

Các kỹ thuật thư giãn, bao gồm yoga hoặc thái cực quyền, cũng cho thấy kết quả tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ đồng thời tăng cường chức năng hệ miễn dịch, như tăng phản ứng với vắc xin và giảm các chỉ số về viêm nhiễm toàn thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe