Đừng chủ quan nếu thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng

Chảy máu khi đánh răng là hiện tượng ai cũng đã từng gặp. Thế nhưng, nếu tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài thì bạn cần đặc biệt chú ý, bởi đây có thể là dấu hiệu của một trong những vấn đề sức khỏe cần được điều trị.

1. Chảy máu khi đánh răng là gì?

Hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng là một tình trạng bất thường ở nướu, có thể do chấn thương hoặc bệnh ở nướu gây ra. Nướu khỏe mạnh thường có màu sắc hồng hào, săn chắc, không dễ bị chảy máu ngay cả khi bạn lỡ tay đánh răng và nướu hơi mạnh so với những lần bình thường khác.

Vậy nên, khi tình trạng nướu đang bị chảy máu tự nhiên hoặc với lực tác động rất nhẹ, như đánh răng bằng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa đúng cách thì chắc chắn đó là một biểu hiện bệnh lý ở nướu hoặc xa hơn là bệnh của mô xung quanh răng (bệnh viêm nha chu).


Chảy máu khi đánh răng do nhiều nguyên nhân gây ra
Chảy máu khi đánh răng do nhiều nguyên nhân gây ra

Đa số những người tự nhiên chảy máu khi đánh răng sẽ thường nghĩ là mình thiếu vitamin C và tự ý bổ sung. Tuy nhiên, nếu muốn điều trị khỏi hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng thì bạn cần phải xác định đúng nguyên nhân để điều trị, vì thiếu vitamin C chỉ là một trong số các nguyên nhân không thường gặp.

2. Nguyên nhân gây ra đánh răng hay bị chảy máu

2.1. Viêm lợi gây chảy máu khi đánh răng

Hầu hết mọi người bị viêm lợi là do mảng bám ở trên đường viền nướu trong thời gian dài. Mảng bám răng được hiểu là các mảnh vụn và vi khuẩn bám trên răng của bạn.

Đánh răng là cách để loại bỏ nhanh chóng các mảng bám và có thể ngăn ngừa bệnh sâu răng. Tuy nhiên, mảng bám có thể sẽ vẫn ở trên đường viền nướu nếu bạn không chải răng và dùng chỉ nha khoa theo đúng cách.

Nếu mảng bám lâu ngày không được loại bỏ, nó có thể cứng lại thành cao răng (vôi răng), làm tăng nguy cơ chảy máu khi đánh răng. Sự tích tụ của các mảng bám gần nướu răng của bạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu.

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm lợi bao gồm:

2.2. Chảy máu chân răng do viêm nha chu

Nha chu (viêm nha chu) là bệnh lý răng miệng xảy ra khi tình trạng viêm nướu trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu, xương hàm và các mô nâng đỡ liên kết phần răng và nướu của bạn. Viêm nha chu có thể khiến răng bị lung lay hoặc rụng và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng vào buổi sáng.

2.3. Các bệnh lý của răng

Khi răng bị sâu, nhất là sâu ở vị trí những kẽ răng, thức ăn đọng lại ở lỗ sâu gây viêm lợi ở kẽ răng. Những ổ nhiễm trùng ở chân răng làm lợi sưng cũng gây hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng . Mặt khác, khi răng của bạn bị đau hay xuất hiện cảm giác ê buốt, khó chịu, bạn có xu hướng tránh nhai sang bên răng đang bị đau, điều này làm cho cao răng dễ bám hơn gây ra những bệnh lý răng miệng khác như viêm lợi và lợi bị chảy máu.


Chảy máu khi đánh răng có thể do áp xe răng
Chảy máu khi đánh răng có thể do áp xe răng

2.4. Áp xe răng

Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng và vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong răng của bạn. Khi bị áp xe răng, bạn sẽ cảm thấy đau liên tục, đánh răng hay bị chảy máu, sốt và sưng mặt. Nếu chuyển sang giai đoạn sưng vùng mặt tức là bệnh lý này đã phát triển nặng.

2.5. Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ

Hiện tượng thay đổi nội tiết tố thường xuất hiện trong các giai đoạn cuộc đời của người phụ nữ, từ tuổi dậy thì đến mang thai hoặc giai đoạn mãn kinh và cả khi sử dụng thuốc tránh thai. Thay đổi nội tiết tố là vấn đề khá phổ biến làm tăng nguy cơ chảy máu vùng nướu.

Đối với nhiều người, hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng cũng là dấu hiệu nhận biết sớm của thai kỳ. Ngoài nguyên nhân trực tiếp là do bệnh lý và vệ sinh răng miệng chưa tốt thì một số thay đổi trong giai đoạn thai kỳ khiến tình trạng chảy máu trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, trong giai đoạn này, nồng độ progesterone được sản sinh nhiều hơn sẽ làm tăng lưu lượng máu tới nướu, nhạy cảm và kích thích gây ra chảy máu chân răng.

2.6. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng

Một số thành phần trong các loại thực phẩm chế biến mà bạn ăn hàng ngày có thể khiến kích ứng nướu và gây ra hiện tượng thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng. Vì vậy, bạn cần đến những cách thay thế lành mạnh hơn. Nguyên nhân chảy máu chân răng khi đánh răng từ thực phẩm phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu hụt vitamin C, vitamin K, đây là những loại vitamin cần thiết giúp cho việc đông máu.

Bạn nên bổ sung thêm vào thực đơn các loại rau xanh, trái cây và củ quả. Đặc biệt, bạn cũng cần bổ sung thêm canxi, vitamin C và K, magie để tăng cường sức khỏe.

2.7. Sử dụng một số thuốc trong điều trị bệnh

Dùng thuốc chữa bệnh gây ra hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng khá phổ biến ở những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị bằng thuốc duy trì. Một số thuốc dùng trong điều trị các bệnh lý tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ hay thuốc hóa trị trong điều trị các bệnh ung thư cũng có thể gây ra chảy máu lợi.

2.7. Bàn chải đánh răng thô cứng

Nhiều người cho rằng chảy máu khi đánh răng là do bàn chải quá cứng. Nếu bạn đang sử dụng bàn chải đánh răng loại thô cứng thì nên đổi cái mới mềm mại hơn. Ưu tiên chọn mua và sử dụng những loại bàn chải có đầu lông mềm, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu khi đánh răng.

Bạn cũng lưu ý rằng nếu đánh răng mạnh quá cũng sẽ dễ gây tổn thương đến nướu và gây ra hiện tượng thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng, vì vậy hãy cố gắng thay đổi thói quen không tốt này.

3. Phòng tránh chảy máu khi đánh răng

3.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Đây là bước đầu tiên để kiểm soát tình trạng chảy máu khi đánh răng. Bạn cần ghi nhớ phải đánh răng 2 lần mỗi ngày vào thời điểm trước khi đi ngủ và lúc mới ngủ dậy. Bạn cần lưu ý phải đánh răng đúng kỹ thuật, đánh dọc theo vị trí chân răng từ trên xuống và từ dưới lên hoặc xoay tròn.

Nên sử dụng những loại bàn chải mềm và không đánh răng quá mạnh làm xây xước, tổn thương niêm mạc lợi dẫn đến chảy máu khi đánh răng.

3.2. Kiểm tra răng miệng thường xuyên

Bạn nên đến gặp nha sĩ 2 lần mỗi năm để kiểm tra, khám định kỳ và vệ sinh răng miệng. Nha sĩ sẽ cho bạn biết nếu bạn đang gặp tình trạng viêm lợi và hướng dẫn bạn cách đánh răng đúng cách. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách có thể loại bỏ mảng bám trên đường nướu, giảm nguy cơ phát triển bệnh nha chu và chảy máu khi đánh răng.

Nha sĩ cũng có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng những loại nước súc miệng sát khuẩn để giảm thiểu xuất hiện những mảng bám hình thành trong miệng. Súc miệng bằng nước muối ấm là phương pháp đơn giản và tiết kiệm để có thể giúp làm dịu nướu đang bị sưng dễ chảy máu.


Nên đến gặp nha sĩ 2 lần mỗi năm để khám định kỳ
Nên đến gặp nha sĩ 2 lần mỗi năm để khám định kỳ

3.3. Bổ sung thêm các vi chất cần thiết

Bạn nên bổ sung vitamin C, K cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Vitamin C có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và vitamin K có vai trò trong hạn chế nguy cơ gây chảy máu khi đánh răng. Bạn có thể cung cấp vitamin C từ các loại trái cây quen thuộc như cam, bưởi, chanh và vitamin K khi ăn chuối hay củ cải.

Canxi, magie và những chất chống viêm có trong thành phần của dầu cá cũng đều có lợi cho sức khỏe răng miệng. Bạn nên ăn nhiều rau xanh vì chất xơ trong rau củ có thể có vai trò loại bỏ những mảng bám trên răng và bề mặt nướu tương tự như khi đánh răng.

3.4. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm

Sử dụng bàn chải đánh răng với sợi tơ mềm là cách sẽ tạo nên cảm giác thoải mái hơn cho răng lợi, đặc biệt trong trường hợp bạn thường xuyên bị chảy máu chân răng khi đánh răng. Lông bàn chải đánh răng quá cứng có thể là nguyên nhân gây ra mài mòn men răng.

Bạn cũng có thể xem xét đến việc thay thế các loại bàn chải đánh răng bằng điện. Đầu bàn chải được thiết kế đặc biệt với tác dụng giúp bạn chải sạch đường viền nướu dễ dàng hơn so với những loại bàn chải đánh răng thông thường khác.

Tóm lại, chảy máu chân răng khi đánh răng là một tổn thương rất thường gặp. Hầu hết mọi người đều chủ quan nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý răng miệng cần xử trí sớm. Vì vậy, hãy thực hiện các phương pháp trên để ngăn ngừa chảy máu khi đánh răng, bảo vệ sức khỏe răng miệng của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe