Cách để trở thành một người biết lắng nghe

Lắng nghe là một kỹ năng sống quan trọng. Để biết lắng nghe người khác, bạn cần phải làm nhiều hơn là nghe những gì người khác đang nói với bạn. Bài viết này sẽ phân tích thêm những vấn đề xung quanh việc lắng nghe.

1. Tầm quan trọng của việc lắng nghe

Người biết lắng nghe không chỉ tạo cảm giác tôn trọng cho đối phương mà còn giúp tích lũy được kỹ năng sống giúp họ thành công khi giao tiếp. Vì vậy, biết lắng nghe người khác sẽ trở thành một kỹ năng rất cần thiết đối với mọi người. Cụ thể,

  • Lắng nghe cho thấy rằng bạn đang tôn trọng và quan tâm đến những gì mọi người nói. Đây cũng chính là biểu hiện của một người biết lắng nghe.
  • Kỹ năng lắng nghe giúp xây dựng lòng tin với đối phương
  • Kỹ năng lắng nghe có thể giúp mở rộng quan điểm của bạn về chủ đề trò chuyện.
  • Người biết lắng nghe giúp giảm khả năng hiểu lầm không đáng có
  • Lắng nghe tốt sẽ giúp bạn hỗ trợ giải quyết vấn đề.‌

Trở thành một người biết lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày, giúp tạo ra sự hiểu biết giữa mọi người và khuyến khích sự phát triển của những ý tưởng mới. Kỹ năng lắng nghe cũng có thể giúp các công ty cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ. Lắng nghe thấu cảm không chỉ đơn giản là chú ý mà là việc làm cho ai đó cảm thấy được xác thực và nhìn thấy.

2. Cách để trở thành một người biết lắng nghe

Cách để trở thành một người biết lắng nghe là khi bạn có thể lắng nghe và đồng cảm với người khác. Từ đó giúp các mối quan hệ trở nên sâu sắc và thân thuộc hơn. Dưới đây là một số cách giúp bạn đạt mục tiêu trở thành người biết lắng nghe:

2.1. Điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể

Sự lắng nghe thấu cảm có mối liên quan sâu sắc đến toàn bộ cơ thể. Bước đầu tiên để thể hiện bạn hoàn toàn chú ý đến điều đối phương nói trong bất kì cuộc nói chuyện nào là đối mặt trực tiếp với họ và duy trì giao tiếp bằng mắt một cách thoải mái.

Trong một cuộc giao tiếp, chúng ta có thể vô thức quay lưng với đối phương khiến họ cảm thấy không được tôn trọng.


Người biết lắng nghe là người có thể lắng nghe và đồng cảm với người khác
Người biết lắng nghe là người có thể lắng nghe và đồng cảm với người khác

2.2. Xóa bỏ phiền nhiễu

Chúng ta thường bị cuốn vào điện thoại của mình đến nỗi không nhận ra ai đó trước mặt chúng ta đang cố gắng kết nối một cách có ý nghĩa. Thay vì trả lời tin nhắn văn bản và gật đầu với bất cứ điều gì đối tác của bạn đang nói, thì bạn hãy đặt tất cả các thiết bị ra xa và yêu cầu họ làm điều tương tự. Bằng cách loại bỏ những phiền nhiễu, bạn có thể tập trung vào câu chuyện và cùng nhau trao đổi thông tin.

2.3. Lắng nghe mà không phán xét

Mọi người khó kết nối thực sự khi họ cảm thấy bị đánh giá hay phán xét về một lĩnh vực nào đó. Để tránh điều này, bạn hãy lưu ý khi lắng nghe đối phương và tránh trả lời bằng thái độ phản đối hoặc chỉ trích ngay cả khi cá nhân bạn không đồng ý với những gì đối phương đang nói.

Một người bạn tâm sự với bạn rằng họ đang gặp vấn đề trong mối quan hệ nào đó. Bạn không nên ngay lập tức đưa ra những nhận xét không khách quan. Bởi điều này đôi khi có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người đang nói hoặc gây hiểu lầm từ người đối phương. Vì vậy, bạn nên lắng nghe và cẩn trọng khi đưa ra những nhận xét cá nhân.

2.4. Bày tỏ sự cảm thông với đối phương

Bạn sẽ cố gắng không nói ra quan điểm của riêng bạn khi đối phương đang chia sẻ điều gì đó quan trọng với bạn.

Ví dụ, nếu ai đó vừa mất một người thân, bạn không nên đề cập đến những mất mát của chính bạn. Thay vào đó, bạn hãy cho họ thấy bạn quan tâm đến cảm xúc của họ bằng cách đặt câu hỏi tiếp theo về trải nghiệm của họ hoặc đơn giản là đề nghị hỗ trợ.

Bên cạnh việc lắng nghe, bạn có thể bày tỏ sự cảm thông với đối phương như: “Tôi rất tiếc về sự mất mát của bạn. Tôi biết bạn đã yêu họ nhiều như thế nào. ”; “Hãy cho tôi biết thêm về mẹ của bạn.”; “Tôi không thể hiểu được cảm giác của bạn, nhưng tôi ở đây khi bạn cần”.

2.5. Duy trì sự chú ý

Khi đối phương đang trò chuyện, để tránh cắt ngang lời họ, bạn nên làm chậm mọi thứ và đợi các khoảng dừng trong cuộc trò chuyện để bắt đầu lời nói của mình. Để thực hiện được điều này thì bạn cần cố gắng tập trung và hình dung những gì họ đang nói để giúp bạn tỉnh táo trong các cuộc trò chuyện dài hơn.

2.6. Chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ

Bạn không chỉ nghe bằng tai mà bạn còn phải cảm nhận được giọng điệu của ngôn ngữ. Thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ có thể biết một người đang cảm thấy phấn khích, khó chịu hay choáng ngợp. Đồng thời bạn cần chú ý biểu hiện xung quanh mắt, miệng và cách họ ngồi.

Ví dụ: Nếu vai của đối phương bị chùng xuống trong khi họ kể cho bạn nghe về một ngày, có thể họ đang gặp phải những chuyện không tốt và cần sự hỗ trợ từ bạn.

2.7. Tránh đưa ra các giải pháp

Đối phương chia sẻ các vấn đề của bản thân nhưng không có nghĩa là họ đang tìm kiếm lời khuyên từ phía bạn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng hầu hết mọi người đang tìm kiếm một sự xác thực và hỗ trợ chứ có thể họ sẽ không quan tâm đến việc nghe các giải pháp bạn đưa ra.

Ví dụ, nếu bạn của bạn vừa bị mất việc và muốn trút bầu tâm sự, thì bạn hãy tránh đề xuất ngay những nơi họ có thể gửi hồ sơ xin việc (bạn có thể cung cấp thông tin này sau nếu họ bày tỏ sự quan tâm).


Trở thành một người biết lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng trong công việc
Trở thành một người biết lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng trong công việc

2.8. Đừng hạ thấp mối quan tâm của họ

Lắng nghe đồng cảm nghĩa là có ý thức trong các cuộc trò chuyện không thoải mái và không phủ nhận mối quan tâm hoặc lo lắng của người kia. Ngay cả khi vấn đề của họ có vẻ nhỏ đối với bạn, chỉ cần thừa nhận cảm xúc của họ có thể khiến họ cảm thấy được lắng nghe và xác nhận.

2.9. Hồi tưởng lại cảm xúc của họ

Khi lắng nghe, điều quan trọng là bạn phải thể hiện được rằng bạn đã hiểu những gì người khác đang cố gắng nói với bạn. Để chứng minh rằng bạn đang nghe, hãy thử các cụm từ sau: "Bạn phải vui mừng!"; "Đó có vẻ như là một tình huống khó khăn."; "Tôi hiểu rằng bạn cảm thấy bị tổn thương."

2.10. Đừng lo lắng về việc làm sai

Không có ai hoàn hảo cả. Bạn có thể có những khoảnh khắc trong một cuộc trò chuyện mà bạn không chắc mình phải làm gì hoặc nói gì. Và đôi khi, bạn có thể nói sai. Mọi người đều có thể gặp trường hợp này tại một số thời điểm. Thay vì lo lắng về việc bạn có đang lắng nghe hoặc phản hồi đúng cách hay không, hãy tập trung vào việc giữ cho bản thân luôn hiện diện. Thông thường, mọi người chỉ muốn được lắng nghe và thấu hiểu.

Biết lắng nghe người khác không chỉ giúp bạn tạo nên những mối quan hệ sâu sắc mà còn tích lũy thêm vốn sống, kỹ năng giao tiếp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd, healthline

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe