Thuốc tránh thai hoạt động như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thuốc tránh thai là phương pháp kiểm soát sinh sản hiệu quả để tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Tìm hiểu cơ chế hoạt động, những tác dụng phụ mà thuốc mang lại, cũng như các yếu tố để giúp bạn đưa ra một quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn phương pháp tránh thai hiệu quả cho bản thân.

1. Phân loại thuốc tránh thai

1.1 Thuốc kết hợp

Thuốc kết hợp là thuốc có chứa các dạng tổng hợp (nhân tạo) của hormone estrogen và progestin. Hầu hết các viên thuốc trong mỗi chu kỳ đều có chứa hormone hay còn gọi là thuốc hoạt động. Một số loại thuốc kết hợp phổ biến như:

  • Thuốc monophasic: Chúng được sử dụng trong chu kỳ một tháng và mỗi viên thuốc hoạt động cung cấp một liều hormone. Uống viên không hoạt động ở tuần cuối cùng của chu kỳ để có kinh nguyệt.
  • Thuốc Multiphasic: Chúng được sử dụng trong chu kỳ một tháng và cung cấp các mức độ hormone khác nhau trong chu kỳ. Uống viên không hoạt động ở tuần cuối cùng của chu kỳ để có kinh nguyệt.
  • Thuốc dài chu kỳ: Thuốc được sử dụng trong 13 tuần/chu kỳ, tức là uống thuốc hoạt động trong 12 tuần, và trong tuần cuối cùng của chu kỳ, uống thuốc không hoạt động và có kinh nguyệt. Vì vậy người sử dụng thuốc này sẽ có chu kỳ kinh nguyệt 3 đến 4 lần/năm.

1.2 Thuốc chỉ có progestin

thuốc chỉ chứa progestin mà không có estrogen. Loại thuốc này còn được gọi là minipill. Đây là một lựa chọn tốt cho những phụ nữ không thể sử dụng estrogen vì lý do sức khỏe hoặc các lý do khác. Đối với loại thuốc này, tất cả các viên thuốc trong chu kỳ đều hoạt động. Không có thuốc không hoạt động.

Trắc nghiệm: Thuốc tránh thai khẩn cấp có những tác dụng phụ gì?

Thuốc tránh thai khẩn cấp giúp ngừa thai hiệu quả nhưng cũng là con dao hai lưỡi vì có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người sử dụng. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây để biết thuốc tránh thai khẩn cấp có những tác dụng phụ gì?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

2. Hoạt động của thuốc tránh thai

2.1. Thuốc kết hợp

Thuốc kết hợp hoạt động theo hai cách, ngăn cơ thể bạn rụng trứng. và làm cho dày chất nhầy cổ tử cung. Chất nhầy này là chất lỏng xung quanh cổ tử cung, giúp tinh trùng di chuyển đến tử cung để nó có thể thụ tinh với trứng. Một khi chất nhầy dày sẽ ngăn không cho tinh trùng đến tử cung.

Thuốc kết hợp có nhiều dạng khác nhau. Chúng bao gồm các vỉ hàng tháng, theo chu kỳ 21 ngày, 24 ngày hoặc 28 ngày. Phác đồ kéo dài có thể theo 91 ngày/chu kỳ. Người sử dụng uống một viên thuốc mỗi ngày vào cùng một thời điểm trong ngày.

2.2 Thuốc chỉ có progestin

Cơ chế hoạt động của thuốc này hoạt động chủ yếu bằng cách làm dày chất nhầy cổ tử cung và làm mỏng nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là nơi trứng được cấy sau khi thụ tinh. Nếu lớp lót này mỏng hơn, trứng sẽ khó cấy hơn, điều này sẽ ngăn thai phát triển. Ngoài ra, thuốc chỉ có progestin có thể ngăn ngừa rụng trứng. Thuốc chỉ có progestin, chỉ có trong vỉ 28, người sử dụng uống một viên thuốc cùng một lúc mỗi ngày.

3. Hiệu quả của thuốc tránh thai

Nếu dùng đúng cách, thuốc tránh thai rất hiệu quả trong việc ngừa thai. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát phòng ngừa bệnh tật), cả hai loại thuốc kết hợp và thuốc chỉ có progestin đều có tỷ lệ thất bại 9% với việc sử dụng thông thường. tương đương với việc cứ 100 người sử dụng thuốc tránh thai thì khả năng chỉ có 9 phụ nữ sẽ có thai.

Để có hiệu quả đầy đủ, thuốc tránh thai nên được uống trong cùng khoảng thời gian mỗi ngày. Một số loại thuốc có thể làm cho một trong hai loại thuốc kém hiệu quả như: Kháng sinh rifamycin; Một số loại thuốc điều trị HIV như lopinavir và saquinavir; Một số loại thuốc chống động kinh như carbamazepine và topiramate. Thuốc cũng có thể ít hiệu quả hơn nếu người sử dụng bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Trong trường hợp này, việc sử dụng một biện pháp tránh thai dự phòng nên được áp dụng để tránh mang thai ngoài ý muốn.


Thuốc tránh thai giúp tránh mang thai ngoài ý muốn
Thuốc tránh thai giúp tránh mang thai ngoài ý muốn

4. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai

Mặc dù thuốc tránh thai an toàn cho hầu hết phụ nữ, nhưng chúng cũng có một số tác dụng phụ và rủi ro. Mỗi phụ nữ phản ứng khác nhau với các hormone trong thuốc tránh thai. Ở một số phụ nữ khi dùng thuốc tránh thai sẽ có những biểu hiện như:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Buồn nôn chảy máu giữa các thời kỳ
  • Tăng cân
  • Ngực đau hoặc sưng
  • Thay đổi tâm trạng

Những tác dụng phụ này, chúng có thể sẽ cải thiện sau một vài tháng sử dụng thuốc. Nếu không cải thiện, các bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang một loại thuốc tránh thai khác. Nếu gặp bất kỳ một trong số các biểu hiện sau, hãy liên hệ với bác sĩ của ngay lập tức. Nếu không thể đến gặp bác sĩ, hãy đến phòng cấp cứu hoặc trung tâm chăm sóc khẩn cấp để đánh giá, vì những triệu chứng này là dấu hiệu của một số rối loạn nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh gan, bệnh túi mật, đột quỵ, cục máu đông, huyết áp cao hoặc bệnh tim.

  • Đau bụng (đau dạ dày)
  • Tức ngực
  • Nhức đầu (nặng)
  • Vấn đề về mắt (mờ mắt)
  • Sưng hoặc đau ở chân và đùi

5. Các câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc tránh thai

5.1 Làm thế nào để tôi bắt đầu thuốc ngừa thai?

Hãy hỏi bác sĩ về thời gian nào thì bạn nên bắt đầu dùng thuốc tránh thai. Nếu ngày bạn bắt đầu dùng thuốc vẫn đang trong chu kỳ thì bạn vẫn uống theo đúng hướng dẫn. Chu kỳ của bạn sẽ tiếp tục sau 25 ngày sau khi bắt đầu gói thuốc.

Tốt nhất là nên uống thuốc cùng một thời điểm ở mỗi ngày. Bạn có thể uống thuốc bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng uống thuốc trước khi ăn sáng hoặc khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ nhớ hơn.

5.2 Khi nào nên bắt đầu một vỉ thuốc tránh thai khác?

Bạn sẽ bắt đầu một vỉ thuốc tránh thai mới vào cùng một ngày trong tuần mà bạn bắt đầu sử dụng nó. Nếu bạn đang dùng vỉ thuốc 21 ngày, hãy bắt đầu gói thuốc mới bảy ngày sau khi bạn hoàn thành gói thuốc cũ. Nếu bạn đang dùng vỉ thuốc 28 ngày, hãy bắt đầu gói mới sau khi uống viên thuốc cuối cùng trong vỉ cũ. Bắt đầu vỉ thuốc mới của bạn theo lịch trình mà không phải quan tâm đến việc bạn đang có kinh nguyệt hay không

5.3 Thuốc ngừa thai sớm có tác dụng như thế nào?

Thuốc tránh thai thường có hiệu quả trong tháng đầu tiên sử dụng. Để an toàn, một số bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng một hình thức kiểm soát sinh sản khác, chẳng hạn như bao cao su trong tháng đầu tiên. Sau tháng đầu tiên, bạn có thể tin tưởng vào khả năng của thuốc tránh thai.

5.4 Nếu tôi quên uống thuốc tránh thai thì sao?

Nếu bạn quên uống thuốc tránh thai, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu bạn không nhớ cho đến ngày hôm sau, hãy tiếp tục và uống hai viên thuốc vào ngày hôm đó. Nếu bạn quên uống thuốc trong hai ngày, hãy uống hai viên thuốc vào ngày bạn nhớ và hai viên thuốc vào ngày hôm sau. Nếu bạn bỏ lỡ nhiều hơn hai viên thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể.

Nếu quên uống thuốc, bạn phải sử dụng một hình thức kiểm soát sinh khác. Vì khi bạn quên uống thuốc, bạn sẽ tăng khả năng phóng trứng ra khỏi buồng trứng. Nếu bạn quên uống một hoặc nhiều viên thuốc hoạt động thì hãy đi thử thai.


Trong trường hợp bạn quên uống thuốc tránh thai, bạn hãy uống lại ngay lập tức
Trong trường hợp bạn quên uống thuốc tránh thai, bạn hãy uống lại ngay lập tức

5.5 Bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể uống thuốc tránh thai?

Thuốc tránh thai có thể được sử dụng an toàn bởi hầu hết phụ nữ. Tuy nhiên, chúng không được khuyến khích cho phụ nữ trên 35 tuổi hút thuốc. Nếu bạn không hút thuốc, bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố cho đến khi mãn kinh.

Ngoài ra, bạn không nên dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố nếu bạn có các vấn đề sức khỏe như: Cục máu đông ở cánh tay, chân hoặc phổi; Bệnh tim hoặc gan nghiêm trọng ; Ung thư vú hoặc tử cung ; Huyết áp cao không kiểm soát ; Chứng đau nửa đầu. Ngoài ra, ban nên thông báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn có người thân cấp một (cha mẹ, anh, chị, em) bị cục máu đông ở chân hoặc phổi.

5.6 Những bất lợi của thuốc tránh thai là gì?

Thuốc tránh thai không bảo vệ chống nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Để chắc chắn rằng bạn đã được bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng thì bạn cần sử dụng bao cao su ngoài viên thuốc hàng ngày. Nếu bạn quên uống thuốc nguy cơ mang thai của bạn tăng lên.

5.7 Quyết định loại thuốc tránh thai để sử dụng cần lưu ý gì?

Không phải mọi loại thuốc tránh thai đều phù hợp với mọi phụ nữ. Hãy nói chuyện với bác sĩ để lựa chọn thuốc nào sẽ hiệu quả nhất cho bạn. Các yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn các biện pháp tránh thai gồm có: Các triệu chứng kinh nguyệt cho dù bạn đang cho con bú, Tình trạng sức khỏe tim mạch; Các tình trạng sức khỏe mãn tính khác; Các loại thuốc khác đang sử dụng.

Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:

  • Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
  • Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
  • Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
  • Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
  • Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
  • Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe