Lưu ý khi uống thuốc kích trứng Femara

Thuốc kích trứng Femara có thành phần chính là Letrozole hàm lượng 2,5 mg. Thuốc Femara công dụng kích trứng trưởng thành nhằm tăng cơ hội mang thai, đồng thời điều trị hỗ trợ cho phụ nữ sau tuổi mãn kinh bị ung thư vú giai đoạn đầu... Tìm hiểu các thông tin cơ bản cũng như những lưu ý khi uống thuốc kích trứng Femara sẽ mang lại cho bệnh nhân và người thân hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Thuốc Femara là thuốc gì?

Thuốc Femara được bào chế dưới dạng viên nén, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Letrozole hàm lượng 2,5 mg.
  • Tá dược: Vừa đủ 1 viên 2,5 mg

Cơ chế tác dụng

Letrozole là một hoạt chất ức chế men Aromatase không steroid thế hệ ba và không làm giảm chức năng của các thụ thể Estrogen, đồng thời duy trì hoạt động của cơ chế phản hồi lên vùng hạ đồi tuyến yên nhằm kích thích sự phát triển của nang noãn trong buồng trứng, từ đó tăng số nang noãn phát triển vượt trội và rụng trứng.

Letrozole cũng có cơ chế tác dụng tương tự như Clomiphene, đây là một chất kích thích rụng trứng hoạt động thông qua thụ thể Estrogen chọn lọc (SERM). Letrozole khả năng kích thích giải phóng hormone luteinizing – LHhormone kích thích nang trứng – FSH - là những hormone chính ảnh hưởng trên sự rụng trứng. Từ đó dẫn đến sự phát triển và trưởng thành của các nang noãn sau đó là vỡ nang trứng và rụng trứng.

Tuy nhiên, hiện nay thuốc Femara thường được sử dụng trong điều trị hỗ trợ cho phụ nữ sau tuổi mãn kinh bị ung thư vú giai đoạn đầu thông qua cơ chế ức chế men Aromatase, từ đó ứng chế sự chuyển đổi Androgen thành Estrogen, là một hormon có liên quan đề sự phát triển của một bệnh loại ung thư vú.

2. Thuốc Femara kích trứng có tác dụng gì ?

Ngoài việc sử dụng như một chất kích trứng phát triển để làm thụ tinh nhân tạo (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), Femara còn được sử dụng phổ biến trong các trường hợp sau:

  • Điều trị hỗ trợ cho những phụ nữ mãn kinh bị ung thư vú ở giai đoạn đầu, có các thụ thể hormone dương tính.
  • Điều trị hỗ trợ kéo dài cho những phụ nữ mãn kinh bị ung thư vú giai đoạn đầu mà trước đây đã được trị liệu hỗ trợ chuẩn bằng thuốc Tamoxifen.
  • Lựa chọn điều trị đầu tay cho những phụ nữ mãn kinh bị ung thư vú tiến triển phụ thuộc Hormone Estrogen.
  • Điều trị hỗ trợ ung thư vú tiến triển ở những phụ nữ sau mãn kinh tự nhiên hay nhân tạo mà trước đây đã được điều trị bằng các thuốc kháng Estrogen.
  • Điều trị trước phẫu thuật ở những phụ nữ mãn kinh bị ung thư vú khu trú có thụ thể Hormone dương tính, nhằm cho phép phẫu thuật bảo tồn vú ở những bệnh nhân vốn không được xem là đối tượng cho phẫu thuật này. Điều trị sau phẫu thuật cần theo đúng trị liệu chuẩn của bác sĩ.

3. Chống chỉ định của thuốc Femara

Chống chỉ định của thuốc kích trứng Femara trong những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh bị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Femara.
  • Dị ứng quá mẫn với các loại thuốc khác có chứa Letrozole.
  • Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh
  • Sử dụng thời kỳ nội tiết trước khi tắt kinh.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận nặng.
  • Trước phẫu thuật nếu thụ thể Hormone âm tính.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

4. Liều lượng sử dụng thuốc Femara

4.1. Liều dùng

  • Liều kích trứng: Uống 2,5 mg (1 viên) vào ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, và thứ 7 của chu kỳ kinh nguyệt. Có thể tăng liều lên 5 mg (2 viên) tùy vào đáp ứng của từng bệnh nhân.
  • Liều điều trị hỗ trợ ung thư vú: Uống 2,5 mg (1 viên)/ngày và nên tiếp tục sử dụng trong 5 năm hoặc cho đến khi khối u tái phát.
  • Không cần điều chỉnh liều thuốc ở những bệnh nhân suy gan hoặc suy thận có độ thanh thải Creatinine > 10 ml/phút. Khuyến cáo giảm liều đi 50% ở những bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng hoặc xơ gan có chỉ số Child-Pugh C.

4.2. Cách dùng

  • Thuốc Femara dùng đường uống kèm với thức ăn hoặc không.
  • Nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh quên thuốc. Nếu quên thuốc hay uống ngay khi nhớ ra, hoặc bỏ qua liều đã quên nếu liều đó gần với thời điểm dùng liều tiếp theo. Không khuyến cáo tăng gấp đôi liều thuốc trong trường hợp quên thuốc.

5. Tác dụng phụ của thuốc kích trứng Femara

Uống thuốc kích trứng Femara với liều cao hoặc kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Nhiễm khuẩn đường tiểu (ít gặp).
  • Đau do khối u (ít gặp).
  • Rối loạn về máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu (ít gặp).
  • Rối loạn chuyển hóa, dinh dưỡng: Chán ăn, tăng ngon miệng, tăng cholesterol máu (thường gặp). Phù nề toàn thân (ít gặp).
  • Rối loạn hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt (thường gặp). Buồn ngủ, mất ngủ, giảm trí nhớ, rồi loạn cảm giác, rối loạn vị giác, hội chứng ống cổ tay, tai biến mạch máu não (ít gặp).
  • Rối loạn ở mắt: Đục thủy tinh thể, kích ứng mắt, nhìn mờ (ít gặp).
  • Rối loạn nhịp tim: Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh (ít gặp).
  • Rối loạn chức năng mạch máu: Viêm tĩnh mạch huyết khối, các biến cố do tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp (ít gặp). Thuyên tắc phổi, nhồi máu mạch máu não, huyết khối động mạch (hiếm gặp).
  • Rối loạn chức năng hô hấp: Ho, khó thở (ít gặp).
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy (thường gặp). Khô miệng, viêm miệng, đau bụng (ít gặp).
  • Rối loạn gan mật: Tăng men gan (ít gặp), viêm gan (hiếm gặp).
  • Rối loạn da và các mô dưới da: Rụng tóc, tăng đổ mồ hôi, nổi ban (thường gặp). Ngứa, da khô, mề đay (ít gặp). Phù mạch, phản ứng sốc phản vệ, hồng ban đa dạng, hoại tử thượng bì nhiễm độc (hiếm gặp).
  • Rối loạn hệ cơ xương khớp và mô liên kết: Đau khớp (rất thường gặp). Đau cơ, đau xương, gãy xương loãng xương (thường gặp). Viêm khớp (ít gặp). Ngón tay cò súng (không rõ tần suất).
  • Rối loạn tiểu tiện: Tiểu nhiều lần (ít gặp).
  • Rối loạn chức năng sinh dục: Chảy máu âm đạo, khô âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường, đau vú (ít gặp).
  • Rối loạn toàn thân: Nóng bừng (rất thường gặp). Tăng cân, mệt mỏi, phù ngoại biên (thường gặp). Sốt, khát nước, khô niêm mạc, sụt cân (ít gặp).

Bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc Femara khi xuất hiện các triệu chứng trên hoặc bất kỳ các triệu chứng bất thường khác. Bên cạnh đó, bệnh nhân và người thân nên báo cáo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng Femara hoặc đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

6. Lưu ý sử dụng thuốc Femara

  • Cần thăm khám bằng siêu âm, định lượng nồng độ hormone, mật độ xương trước và trong thời gian điều trị bằng thuốc kích trứng Femara.
  • Thuốc kích trứng Femara chỉ được sử dụng tại các phòng khám hoặc bệnh viện có chuyên khoa sản phụ khoa.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc kích trứng Femara trên những bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận, bệnh nhân có những bệnh lý về cơ xương khớp như phụ nữ loãng xương, ung thư vú ở nam giới.
  • Phụ nữ có thai: Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa xác định chính xác tác dụng của hoạt chất Letrozole trong thuốc Femara ở phụ nữ có thai. Vì thế, hạn chế sử dụng thuốc Femara trong thai kỳ nhằm bảo đảm tính an toàn cho cả mẹ và bé.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Không sử dụng thuốc Femara hoặc bất kỳ các thuốc khác có chứa hoạt chất Letrozole trên đối tượng này.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp dấu hiệu như buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt... sau khi sử dụng thuốc Femara. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Femara trước và trong khi làm việc.

7. Tương tác thuốc kích trứng Femara

  • Thận trọng khi dùng thuốc Femara phối hợp với các Isoenzym như 2C19, P450, 2A6 hoặc các thuốc có khoảng điều trị hẹp.
  • Sử dụng thuốc kích trứng Femara cùng với các thuốc như Warfarin, Cimetidine, Furosemide, Benzodiazepine, Barbiturate, Omeprazole không gây ra tương tác đang kể trên lâm sàng.
  • Không sử dụng thuốc Femara cùng với rượu bia, thuốc lá, vì có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Trên đây là những thông tin khái quát và những lưu ý khi sử dụng thuốc kích trứng Femara. Để đạt được hiệu quả điều trị cao khi sử dụng thuốc Femara, bệnh nhân và người thân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc, đồng thời tham khảo ý kiến tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phụ sản.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe