Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Đau mỏi khớp gối sau sinh là tình trạng mà hầu hết phụ nữ gặp phải trong thời kỳ hậu sản, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả tâm lý của sản phụ. Do đó, các sản phụ sau sinh luôn mong muốn tìm cách khắc phục tình trạng này.
1. Nguyên nhân gây đau mỏi khớp gối sau sinh?
Đây là một số lý do giải thích tại sao các bà mẹ phải đối mặt với đau khớp sau khi sinh:
- Lý do chính khiến hầu hết các bà mẹ phải đối mặt với đau khớp cấp tính sau sinh là do tình trạng tăng cân xảy ra trong thai kỳ. Cân nặng của thai nhi liên tục tăng trong suốt thai kỳ và cơ thể người mẹ phải cố gắng hết sức để mang được một khối lượng lớn, tạo ra áp lực lớn lên khớp gối, gây đau khớp gối. Dù sau khi sinh xong, cơ thể trở về tình trạng ban đầu thì cơn đau nhức vùng đầu gối vẫn còn kéo dài một khoảng thời gian sau đó.
- Một số bà mẹ thường bị đau khớp trong quá trình mang thai là do gặp phải các vấn đề về xương khớp như bệnh viêm khớp cấp tính hoặc mãn tính. Điều này càng khiến khớp gối trở nên đau nhức dữ dội hơn sau khi sinh.
- Nếu trước đây bạn có tiền sử chấn thương khớp thì cơn đau nhức có thể tái phát sau khi bạn sinh con.
- Có những hormone tiết ra trong quá trình mang thai và sinh nở rất quan trọng cho sự an toàn của mẹ và bé. Những hormone này khiến dây chằng của cơ thể được thư giãn, cho phép người mẹ có thể mang được một khối lượng lớn cân nặng của thai nhi trong suốt thai kỳ và thực hiện một ca sinh nở thành công. Sau khi sinh, dây chằng cần một thời gian để trở về vị trí ban đầu. Điều này, có thể dẫn đến đau khớp.
- Nếu một thai phụ không tập thể dục thường xuyên trong khi mang thai hoặc nếu người mẹ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc chấn thương khiến cô ấy không thể tập thể dục, nguy cơ bị đau khớp sau khi sinh là khá cao.
2. Đau mỏi khớp sau sinh kéo dài bao lâu?
Cũng như bất kỳ bệnh lý nào, thời gian phục hồi phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của từng người. Nhìn chung các cơn đau liên quan đến khớp thường kéo dài trong một vài tuần hoặc lâu hơn.
Trong một số trường hợp nặng, cơn đau có thể tồn tại trong 4-6 tháng. Nếu người mẹ đã có một thai kỳ tốt cùng với việc sinh nở khỏe mạnh và có thể trở lại thói quen ăn uống hợp lý kết hợp với tập thể dục phù hợp, khả năng phục hồi sẽ cao hơn.
3. Điều trị đau mỏi khớp sau sinh như thế nào?
Không có quá trình điều trị đau khớp sau sinh cụ thể. Tuy nhiên, một số biện pháp khắc phục có thể giúp giảm đau:
- Tập các bài tập nhẹ một cách thường xuyên. Đây không phải là các bài tập chính thức, vì quan trọng là để giữ cho cơ thể của bạn hoạt động. Đây là điều cơ bản trong việc kiểm soát cơn đau khớp. Các bài tập không gây áp lực lên khớp nên được ưu tiên, chẳng hạn như bơi lội. Trong mọi trường hợp, tốt nhất là tham khảo ý kiến với chuyên gia trước khi tuân thủ bất kỳ lịch trình tập thể dục nào.
- Bạn có thể dùng đến kỹ thuật vật lý trị liệu như massage, châm cứu, ấn huyệt, dán thuốc giảm đau, chườm nóng, lạnh để giảm cơn đau.
- Nên tránh ngồi lâu một chỗ vì làm căng giãn quá mức vùng chậu gây đau và tích tụ mỡ nhiều vùng bụng dưới. Ngoài ra nên tranh đi giày cao gót ở giai đoạn sau sinh.
Tất cả những cơn đau và nhức mỏi xảy ra sau khi sinh là một phần của quá trình tự nhiên xảy ra trong suốt thai kỳ. Cơ thể người mẹ đã trải qua một sự thay đổi lớn trong chín tháng. Một khi bạn cho cơ thể thời gian tốt để phục hồi và cân bằng thư giãn và hoạt động đúng cách, cơn đau sẽ bắt đầu giảm và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Trong trường hợp cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc bạn bắt đầu quan sát những thay đổi bất thường trong cơ thể, hãy liên lạc với bác sĩ để loại trừ bất kỳ biến chứng sau sinh nào hoặc điều trị giảm đau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.