Protein trong máu thấp cảnh báo bệnh gì?

Protein đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể mỗi người. Protein giảm phản ánh trạng thái suy mòn của cơ thể, nó gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng.

1. Vai trò của protein toàn phần đối với cơ thể

Protein trong máu gồm 3 thành phần là albumin, globulin và fibrinogen. Protein toàn phần trong huyết tương cao hơn huyết thanh vì có thêm fibrinogen .

Albumin và fibrinogen được tổng hợp duy nhất ở gan. Globulin do các tế bào có thẩm quyền miễn dịch sản xuất ra (tuỷ xương, lách, tế bào lympho,...).

Thông thường protein huyết tương đóng những vai trò quan trọng trong cơ thể:

  • Tham gia cấu tạo nên cơ thể.
  • Tạo áp lực keo đối với quá trình vận chuyển và trao đổi muối nước.
  • Tham gia cấu thành thành phần hệ thống đệm góp phần giữ cân bằng pH cho máu.
  • Ngoài ra nó còn bảo vệ cơ thể: Globulin là yếu tố miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể hơn nữa fibrinogen tham gia vào quá trình đông máu giúp cầm máu khi bị xây xước, chấn thương.
  • Vận chuyển hormon và các enzym, protein còn làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc như thuốc kháng sinh, coumarin, salicylate, thuốc ngủ..

Protein trong hồng cầu máu
Protein trong hồng cầu máu

2. Vì sao protein máu giảm?

Có nhiều nguyên nhân khiến cho protein máu thấp:

2.1. Suy giảm protein albumin

Albumin là một loại protein được tạo thành ở gan. Lượng albumin trong cơ thể chiếm khoảng 60% tổng số protein.

Vai trò chính của albumin trong máu là để duy trì áp suất thẩm thấu keo nhờ đó giúp giữ nước nằm ở trong mạch máu. Bên cạnh đó, albumin còn đóng vai trò vận chuyển các thành phần quan trọng trong máu đi khắp cơ thể, chẳng hạn như các loại thuốc, nội tiết tố và các enzym.

Vì albumin được tổng hợp ở gan nên nó chính là tiêu chuẩn để đánh giá chức năng gan. Khi bệnh ảnh hưởng đến các tế bào gan, tế bào gan mất khả năng tổng hợp albumin. Mức albumin trong máu sẽ giảm đáng kể.

2.2. Suy giảm globulin

Globulin miễn dịch có khoảng 25% protein huyết tương là những phân tử được biệt hóa có hoạt động kháng thể. Thông thường lượng globulin bị suy giảm trong các trường hợp:

  • Giai đoạn sau sinh.
  • Do hòa loãng máu.
  • Do mất protein: Hội chứng thận hư, bỏng, bệnh ruột gây mất protein.
  • Khi bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch.
  • Bệnh nhân bị suy giảm gamma globulin máu bẩm sinh hoặc không có gamma globulin máu bẩm sinh.

Thận hư có thể làm suy giảm globulin
Thận hư có thể làm suy giảm globulin

2.3 Giảm nồng độ fibrinogen

Fibrinogen là một yếu tố đông máu, một protein rất cần thiết cho sự hình thành cục máu đông. Nó được sản xuất ở gan và tiết vào máu khi cần thiết cùng với một số yếu tố đông máu khác.

Lương fibrinogen bị suy giảm trong các trường hợp:

  • Các bệnh lý gan nặng.
  • Do các bệnh lý huyết khối.
  • Do các thuốc gây tiêu hủy fibrinogen
  • Do có sự suy giảm fibrinogen hoặc không có fibrinogen máu bẩm sinh: xảy ra trong các bệnh hiếm gặp, di truyền. Ở các bệnh nhân nói trên (mà chủ yếu ở các người đồng hợp tử), hoạt độ sinh học của fibrinogen bị biến đổi, vì vậy bệnh nhân có thể có biểu hiện hoặc là các biến chứng chảy máu, hoặc hình thành các huyết khối và rối loạn khả năng tạo sẹo.

3. Protein máu thấp gây ra những hậu quả gì?

Protein giảm phản ánh trạng thái suy mòn của cơ thể, nó gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng:

  • Giảm áp lực keo gây phù tuy nhiên nó chỉ xảy ra khi mất số lượng lớn
  • Giảm khả năng kết hợp, vận chuyển của protein với nhiều chất gây nên rối loạn 1 số chất nặng làm cơ thể nhiễm độc
  • Rối loạn đông máu, tăng chảy máu
  • Giảm sức đề kháng do gan giảm tổng hợp kháng thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe