Ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng là một trong những thành tựu khoa học lớn nhất trong y học. Ghép gan là biện pháp điều trị tốt nhất đối với các bệnh lý gan giai đoạn cuối như ung thư gan, xơ gan mất bù hoặc suy gan. Ca ghép gan đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Hoa Kỳ năm 1963. Tại Việt Nam ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2004.
1. Chỉ định ghép gan
- Xơ gan (chiếm 70% chỉ định ghép gan ở Hoa Kỳ, trong đó có 60 - 70% xơ gan là do viêm gan C);
- Hoại tử gan cấp (chiếm khoảng 8% chỉ định ghép gan);
- Ung thư biểu mô tế bào gan (chiếm khoảng 7% chỉ định ghép gan);
- Rối loạn tắc mật, rối loạn chuyển hóa, thường gặp ở trẻ em (3% mỗi loại);
- Ứ mật khác và các rối loạn không ứ mật (khoảng 8%);
- Đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, chỉ định ghép gan được áp dụng khi có 1 khối u < 5cm hoặc có thể lên đến 3 khối u < 3cm và đối với một số loại tế bào xơ dẹt.
- Với ung thư di căn gan, phẫu thuật ghép gan được chỉ định đối với khối u thần kinh nội tiết không kèm theo phát triển ngoài gan sau mổ cắt bỏ khối u nguyên phát.
2. Chống chỉ định tuyệt đối của phẫu thuật ghép gan
- Tăng áp lực nội sọ (> 40 mmHg) hoặc áp lực tưới máu não thấp (<60 mmHg) ở bệnh nhân hoại tử gan cấp;
- Tăng áp phổi nặng (> 50 mm Hg);
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Ung thư biểu mô tế bào gan tiến triển hoặc ung thư đã di căn.
3. Vai trò của Albumin trong ghép gan
Ghép gan được chia thành ghép gan từ người hiến chết não và từ người hiến sống. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ gan bệnh lý của bệnh nhân và thay bằng mảnh ghép gan toàn bộ lấy từ người hiến chết não hoặc mảnh ghép gan phải lấy từ người hiến sống.
Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể con người có khả năng sản xuất ra albumin. Mỗi ngày gan tạo ra khoảng 10.5g albumin, vì vậy chỉ số albumin thể hiện rõ chức năng gan. Vậy albumin đóng vai trò trong giai đoạn nào và có tác dụng như thế nào trong quá trình điều trị bệnh nhân ghép gan?
Ghép gan được chia thành 2 giai đoạn chính là trước khi ghép và sau khi ghép. Đặc biệt là nhóm bệnh nhân có xơ gan mất bù trước ghép, khi xuất hiện những biến chứng của xơ gan thì tỷ lệ bị loại bỏ khỏi danh sách chờ ghép gan rất cao do các nguy cơ về tử vong. Albumin đóng vai trò quan trọng trong cả 2 giai đoạn của quá trình ghép gan.
3.1. Giai đoạn trước ghép
Đối với giai đoạn trước ghép, đặc biệt là nhóm bệnh nhân xơ gan mất bù có biến chứng như:
- Cổ trướng: tỷ lệ xuất hiện là 50% trong vòng 10 năm kể từ khi được chẩn đoán xơ gan và tỉ lệ tử vong là 50% trong vòng 2 năm;
- Biến chứng về hội chứng gan thận có tỷ lệ xuất hiện là 39% và thời gian sống thêm trung vị chỉ là 3 tháng.
- Biến chứng viêm phúc mạc tự phát và nguyên phát chủ yếu xuất hiện ở nhóm bệnh nhân ở bệnh viện với tỉ lệ tử vong dao động từ 10 - 50%.
Việc kết hợp sử dụng albumin và các biện pháp điều trị đặc hiệu cho từng loại biến chứng của xơ gan giúp nâng cao kết quả điều trị cho bệnh nhân. Trong một nghiên cứu uy tín thực hiện trên 120 bệnh nhân xơ gan có dịch cổ trướng, toàn bộ bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 sử dụng thuốc lợi tiểu đơn thuần và nhóm 2 sử dụng thuốc lợi tiểu kết hợp với albumin với liều 12.5g/ngày cho thấy kết quả là: bệnh nhân nhóm 2 có đáp ứng tốt với thuốc lợi tiểu khi so sánh với nhóm 1. Đối với bệnh nhân có dịch cổ trướng mức độ nặng có chỉ định cần chọc dịch cổ trướng, nếu lượng chọc dịch cổ trướng trên 5 lít thì sau chọc có nguy cơ rối loạn tuần hoàn, do đó theo các Hướng dẫn điều trị của Châu Âu và của Hoa Kỳ thì cần bổ sung albumin với liều là 8g/1000ml dịch chọc. Hướng dẫn của Châu Âu năm 2018 cũng không khuyến cáo bất cứ loại dịch thay thế plasma nào ngoài albumin.
Trong một nghiên cứu đa trung tâm về việc sử dụng albumin trong kiểm soát dịch cổ trướng, đây là nghiên cứu ngẫu nhiên trên 431 bệnh nhân có dịch cổ trướng kéo dài được chia thành các nhóm sử dụng thuốc lợi tiểu đơn thuần và nhóm sử dụng thuốc lợi tiểu kết hợp với albumin kéo dài trong 18 tháng với liều là 40g x 2 lần/tuần trong 2 tuần đầu và 40g ở tuần sau đó, kết quả cho thấy rằng thời gian sống thêm 18 tháng của nhóm kết hợp với albumin cao hơn so với nhóm dùng lợi tiểu đơn thuần (77% và 66%), đồng thời tương ứng với việc giảm 38% tỉ lệ tử vong. Ngoài ra việc sử dụng albumin kết hợp giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng dịch cổ trướng và giảm tỉ lệ can thiệp chọc dịch cổ trướng cũng như tỉ lệ dịch cổ trướng tái lập trở lại.
Các nghiên cứu về điều trị viêm phúc mạc tự phát nguyên phát cho thấy kết quả với nhóm bệnh nhân sử dụng kháng sinh kết hợp với albumin liều 1.5g/kg cân nặng ở thời điểm chẩn đoán và 1g/kg cân nặng sau đó 2 ngày, nhóm này có tỷ lệ tổn thương thận thấp hơn đồng thời giảm tỷ lệ tử vong tại bệnh viện so với nhóm bệnh nhân sử dụng kháng sinh đơn thuần.
Việc sử dụng đồng thời albumin và terlipressin cũng làm tăng kết quả điều trị và thời gian sống thêm đối với bệnh nhân có hội chứng gan thận type I.
3.2. Giai đoạn sau ghép
Ghép gan là phẫu thuật phức tạp bậc nhất của chuyên ngành tiêu hóa - gan - mật, các nghiên cứu đã chứng minh rằng stress của phẫu thuật và sự hồi phục chậm chức năng mạch ghép liên quan đến việc giảm albumin sau mổ ở nhóm bệnh nhân ghép gan. Đặc biệt khi nồng độ albumin giảm nhiều trên 10g/l của ngày thứ nhất sau mổ là yếu tố tiên lượng sớm của các biến chứng sau mổ.
Các nghiên cứu uy tín cũng chỉ ra rằng nồng độ albumin sau mổ trên 30g/l giúp giảm những rối loạn liên quan đến huyết động ở những bệnh nhân nhận gan sau mổ.
Tóm lại, albumin đóng vai trò quan trọng ở cả giai đoạn trước và sau ghép gan, việc kết hợp albumin và các biện pháp điều trị đặc hiệu trong các biến chứng của xơ gan giúp nâng cao kết quả điều trị và việc kiểm soát nồng độ albumin trên 30g/l giúp giảm những rối loạn huyết động và ngăn ngừa một số biến chứng ở bệnh nhân nhận gan.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ghép gan
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.