Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Polyp túi mật là bệnh chủ yếu gặp ở người trưởng thành, với tỷ lệ nữ giới bị nhiều hơn nam giới. Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng cụ thể, vì vậy nhiều bệnh nhân lo lắng Polyp túi mật có tự hết không và khi nào cần phẫu thuật?
1. Tổng quan về bệnh polyp túi mật
1.1. Định nghĩa
Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật, là hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Mọi lứa tuổi có thể bị polyp túi mật, nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành, có tác giả cho biết thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 - 50.
Hầu hết các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng gì, vì vậy, thường được phát hiện một cách tình cờ qua khám tổng thể hoặc khám một bệnh nào đó có siêu âm gan, mật.
Tỷ lệ polyp túi mật có triệu chứng chỉ chiếm khoảng từ 6-7% và thường gặp ở người có polyp kích thước lớn. Triệu chứng hay gặp nhất là đau tức, co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải hoặc đau vùng thượng vị kèm theo có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn, một số ít có biểu hiện đầy hơi, trướng bụng, chậm tiêu. Tuy vậy, polyp túi mật ít khi có triệu chứng cấp tính như sỏi mật hoặc viêm đường mật (đau, sốt, vàng da). Các triệu chứng của polyp túi mật khá giống với sỏi đường mật, sỏi túi mật mạn tính hoặc bệnh lý dạ dày - tá tràng.
1.2. Nguyên nhân
Có rất nhiều các yếu tố được cho là có liên quan việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan mật kém, nồng độ đường máu, mỡ máu cao, béo phì, thói quen ăn uống không điều độ, nhiễm virus viêm gan... Nhưng trên thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác nguyên nhân hình thành polyp túi mật.
1.3. Triệu chứng lâm sàng
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Cá biệt, cũng có một số trường hợp người bệnh có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40 mm, hay vừa có polyp-vừa có sỏi túi mật. Đa phần các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ khoảng 6-7% bệnh nhân mắc bệnh polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn – nôn, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải.
1.4. Chẩn đoán
Để chẩn đoán polyp túi mật, cần có các xét nghiệm và các cận lâm sàng hỗ trợ (xét nghiệm chức năng gan mật, sinh thiết, siêu âm nội soi, nội soi dạ dày - hành tá tràng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ...). Trong đó siêu âm chẩn đoán là một kỹ thuật có giá trị lớn trong chẩn đoán polyp túi mật. Tuy vậy, siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định điều trị phẫu thuật. Vì vậy, cần dựa vào nhiều kỹ thuật khác nhau để hỗ trợ cho chẩn đoán.
2. Polyp túi mật có tự hết hay không?
95% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật. Tuy vậy, người bệnh cần khám bệnh theo định kỳ để theo dõi.
Với polyp có kích thước lớn, chân lan rộng, phát triển nhanh hoặc nhiều polyp, nên nghe theo tư vấn của bác sĩ khám bệnh là có nên cắt bỏ hay không, bởi vì nếu không loại bỏ có thể thành u ác tính (ung thư). Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước thì polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm hầu hết lành tính. Ngoài ra những hình ảnh gợi ý tính chất ác khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật.
3. Khi nào cần phẫu thuật polyp túi mật?
Do không thể có một thăm dò nào chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật, vì vậy các bác sĩ đã thống nhất một phác đồ xử trí đối với trường hợp polyp túi mật như sau:
- Một polyp có chân rộng (polyp không cuống).
- Kích thước polyp lớn (hơn 10 mm).
- Polyp kích thước nhỏ, nhưng mọc thành cụm lớn trong túi mật (đa polyp).
- Polyp phát triển nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng thêm về số lượng cũng như kích thước trong một thời gian ngắn.
- Polyp phát triển ở người trên 50 tuổi.
- Polyp có triệu chứng và gây viêm túi mật thường xuyên.
- Polyp ở người có viêm xơ đường mật tiên phát hoặc sỏi túi mật.
Ngày nay với sự phát triển phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là tiêu chuẩn vàng để điều trị sỏi hoặc polyp túi mật, là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng nếu phẫu thuật viên có kinh nghiệm.
Với loại polyp giả, chỉ cần áp dụng chế độ ăn giảm chất béo, hạn chế ăn mỡ, phủ tạng động vật, tôm, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu). Trường hợp đã cắt bỏ túi mật cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống dễ tiêu hóa và nên khám bệnh định kỳ để được theo dõi cẩn thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.