Trẻ chích lẹo mắt có đau không và có cần xét nghiệm gì không?

Lẹo mắt là một trong những bệnh lý viêm nhiễm ở mi mắt hay gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tình trạng này khiến bệnh nhân khó chịu khi nhìn và ảnh hưởng xấu đến mắt nếu không được điều trị sớm. Nếu lẹo mắt sưng to hoặc viêm, người bệnh cần được thực hiện chích lẹo mắt. Vậy trẻ chích lẹo mắt có đau không và có cần xét nghiệm gì không?

1. Lẹo mắt là gì?

Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính do tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc do vi khuẩn như staphylocoque gây nên. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, sau 3 – 4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ. Lẹo ở mắt rất hay tái phát, hoặc có thể lan từ mi này sang mi khác làm sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.

Các dạng lẹo bao gồm:

  • Lẹo bên trong: Thường hình thành ở tuyến dầu bên trong hoặc dưới mi mắt, tức là phần kết mạc của mi.
  • Lẹo bên ngoài: Nằm ở gốc của nang lông mi, là một nốt đỏ ở mi, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.
  • Đa lẹo: có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, có thể xuất hiện trên cả hai mắt.

2. Nguyên nhân gây bệnh lẹo mắt

  • Lẹo mắt xuất hiện thường do một loại tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi của trẻ gây nên tình trạng viêm nhiễm cấp tính.
  • Lẹo còn xuất hiện do có sự tắc nghẽn ống tuyến dầu của mi mắt. Khi đó, các tuyến dầu nhỏ nằm xung quanh mí mắt của trẻ thoát qua các ống dẫn vào lông mi. Khi hệ thống dẫn lưu bị tắc, dầu không thể thoát ra mà chảy ngược vào các tuyến dẫn, từ đó dẫn đến tình trạng các tuyến bị sưng và viêm, gây ra mụn lẹo.

3. Triệu chứng của lẹo mắt

Lẹo thường xảy ra ở một mắt tại một thời điểm, rất ít trường hợp có thể bị lẹo ở cả hai mắt. Các triệu chứng ban đầu của lẹo mắt thường nhẹ và có thể bắt đầu bằng cảm giác hơi khó chịu hoặc mẩn đỏ dọc theo bờ mi. Khi mụn lẹo phát triển, các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:

  • Có vết sưng đỏ giống như một mụn dọc theo mí mắt gần với lông mi;
  • Hình thành đốm nhỏ màu vàng ở giữa mụn lẹo;
  • Xuất hiện cảm giác lộm cộm khó chịu ở trong mắt;
  • Mắt của trẻ bị nhạy cảm với ánh sáng;
  • Người bệnh bị chảy nước mắt hoặc có ghèn dọc mí mắt;
  • Xuất hiện các nốt sần với triệu chứng tương tự, nhưng khối sần thường cứng và không đau.

4. Chích lẹo mắt có đau không?

Thông thường, cách chữa lẹo mắt ở trẻ em có thể được phép điều trị tại nhà. Để giảm thiểu thời gian bị lẹo mắt và ngăn ngừa tái phát cha mẹ có thể áp dụng một số cách như sau:

  • Rửa tay thường xuyên: Giúp ngăn ngừa bụi bẩn tiếp xúc, cọ xát vào mắt làm tắc nghẽn các tuyến nhờn, ngăn ngừa lẹo mắt phát triển và giảm kích ứng đối với những mụn lẹo hiện có.
  • Không nặn lẹo: Nặn lẹo có thể làm lẹo mắt của trẻ bị vỡ và lây lan nhiễm trùng ảnh hưởng trực tiếp đến mắt của trẻ. Nên để mụn lẹo tự khỏi một cách tự nhiên.
  • Chườm ấm: Cách điều trị hiệu quả nhất với lẹo của trẻ thường là chườm ấm. Cha mẹ có thể dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm và đắp lên vùng mắt bị lẹo tối đa khoảng 15 phút. Nên làm liên tục 3-5 lần mỗi ngày cho đến khi hết mụn lẹo.
  • Chườm túi trà: Tương tự như biện pháp trên, nhưng thay vì dùng khăn, có thể cho túi trà đã được ngâm trong nước nóng để chườm lên vùng mắt bị lẹo của trẻ. Trong trà xanh có một số đặc tính kháng khuẩn có thể giúp giảm tình trạng lẹo mắt.
  • Dùng thuốc: Với những trường hợp ổ lẹo to gây sưng đỏ nhiều hoặc lẹo dai dẳng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng thêm thuốc kháng sinh và thuốc giảm viêm corticoid toàn thân để tiêu mủ ở thời kỳ đầu cho trẻ.

Nếu đã áp dụng cách chữa lẹo mắt ở trẻ em không tiến triển tốt mà xuất hiện các triệu chứng như dưới đây, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tiến hành chích lẹo nếu cần thiết. Một số triệu chứng bao gồm:

  • Các vết lẹo mắt trở nên trầm trọng hơn;
  • Xuất hiện tình trạng chảy máu;
  • Có những biểu hiện ảnh hưởng của lẹo đến thị lực;
  • Xuất hiện những nốt mẩn đỏ ở má hoặc các bộ phận khác trên khuôn mặt.

Trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng như trên hoặc lẹo không tiêu thì bác sĩ có thể chỉ định tiến hành chích lẹo để loại bỏ sạch các chất nhầy và mủ, để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh, tránh tình trạng tái phát nhiều lần. Thủ thuật chích lẹo được thực hiện trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn. Sau khi chích, mắt của trẻ sẽ được băng lại trong vài giờ và được kê toa, dùng thuốc theo chỉ định. Tuyệt đối không được tự dùng tay nặn lẹo cho trẻ vì lẹo mắt của trẻ bị vỡ, có nguy cơ nhiễm trùng cao, rất nguy hiểm cho mắt của trẻ.

Đối với người lớn, chích lẹo là một thủ thuật nhẹ nhàng, không gây đau đớn. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, đôi khi do tâm lý sợ hãi khiến trẻ nhỏ la hét, giãy giụa, gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, ngoài phương pháp chích lẹo thông thường là gây tê tại chỗ, cha mẹ có thể lựa chọn phương pháp chích lẹo gây mê tại phòng mổ để giảm đau đớn cho trẻ.

5. Biện pháp phòng ngừa lẹo mắt

Việc tái phát tùy thuộc vào cơ địa, bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân và phụ thuộc vào sức đề kháng cũng như môi trường sống của trẻ. Để ngăn ngừa mọc lẹo, cần giữ vệ sinh vùng mắt với một số biện pháp sau đây:

  • Tránh để trẻ đưa tay dụi, chà mắt vì hành động này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan.
  • Cần có các biện pháp bảo vệ mắt khỏi khói bụi bằng cách: đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường. Không nên đưa trẻ đến những địa điểm bị ô nhiễm không khí nặng nề.
  • Cha mẹ không nên chữa lẹo bằng cách tự ý nặn mủ hoặc dùng thuốc không theo chỉ định vì dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát và có thể để lại sẹo.
  • Trẻ nhỏ cần được tra dung dịch nước muối sinh lý vệ sinh mắt để bảo vệ mắt khỏi nguy cơ bị viêm nhiễm vùng mi
  • Hạn chế cho trẻ ăn, uống nhiều đồ ngọt.
  • Nếu trẻ đi học cha mẹ cần lưu ý người trông trẻ không dùng chung khăn của trẻ với người khác, nhắc trẻ thường xuyên rửa tay trong ngày.

Lẹo mắt có thể tự khỏi, tuy nhiên, để tránh lẹo mắt ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt là nguy cơ bội nhiễm gây đau đớn, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị sớm. Bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra tình trạng mắt cho trẻ và có phương pháp điều trị phù hợp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe