Thuốc chống dị ứng cho trẻ em: Dùng thế nào cho an toàn?

Các loại thuốc chống dị ứng cho trẻ em có công dụng điều trị viêm mũi dị ứng, dị ứng theo mùa hoặc các tình trạng dị ứng khác. Vậy thuốc chống dị ứng cho trẻ em dùng thế nào cho an toàn? Cùng tham khảo những thông tin dưới đây để biết cách dùng thuốc chống dị ứng an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất cho trẻ nhỏ.

1. Thuốc chống dị ứng hoạt động theo cơ chế nào?

Thuốc chống dị ứng hay còn gọi là thuốc kháng histamin thường được chỉ định cho những trường hợp bị dị ứng như: viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, dị ứng theo mùa....

Khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn, virus thì các histamin sẽ được giải phóng và gây kích thích dây thần kinh cảm giác với các triệu chứng như: hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, giãn rộng mạch máu khiến da bị đỏ và sưng tấy.... Đồng thời histamin còn tập hợp các loại tế bào bạch cầu để chống lại các tác nhân gây dị ứng.

Trong một số trường hợp khác, cơ thể có thể bị dị ứng với bụi, phấn hoa, thực phẩm.... Chính vì điều này, bạn cần phải uống thuốc kháng histamin để ngăn chặn hoặc làm giảm các triệu chứng dị ứng.

2. Vậy trẻ bị dị ứng uống thuốc gì?

Không chỉ có người lớn mà trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng dị ứng, trong đó trẻ thường bị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ và đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi kém hơn rất nhiều so với người lớn. Vì vậy, điều trị dị ứng ở trẻ em thì các bậc cha mẹ cần phải hết sức thận trọng.

Việc trẻ bị dị ứng uống thuốc gì cần được sự kê đơn của bác sĩ chuyên môn. Bởi trẻ dùng thuốc quá liều hoặc không phù hợp cũng dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn so với người lớn. Do đó, các bậc cha mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng.

Tính đến thời điểm hiện tại, thuốc chống dị ứng (thuốc kháng histamine) được phân thành 2 nhóm chính:

  • Thuốc kháng histamin thế hệ 1 thường sẽ gây buồn ngủ, bao gồm một số thuốc như: Promethazine, Chlorpheniramine, Triprolidine, Hydroxyzine, và Diphenhydramine.
  • Thuốc kháng histamin thế hệ 2 ít gây buồn ngủ và thường được sử dụng rộng rãi hơn, bao gồm: Cetirizine, Desloratadine, Loratadine và Fexofenadine.

Trong một thời gian dài, thuốc chống dị ứng cho trẻ em thế hệ 1, đặc biệt là Diphenhydramine (Benadryl) được sử dụng khá phổ biến để điều trị dị ứng, ngứa da, viêm mũi dị ứng, ho, mất ngủ...

Thuốc kháng histamin thế hệ 2 được sử dụng rộng rãi hơn vì nó ít gây ra tác dụng phụ và đặc biệt là ít gây buồn ngủ. Vì vậy, nhóm thuốc này được khuyên dùng nhiều hơn cho trẻ em bị dị ứng.

3. Thuốc chống dị ứng cho trẻ em gây ra tác dụng phụ nào?

Thuốc chống dị ứng cho trẻ em khi dùng cần được định lượng dựa trên cân nặng và độ tuổi của trẻ. Nếu cho trẻ dùng quá liều lượng có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là cho trẻ dùng thuốc kháng histamin thế hệ 1 như Diphenhydramine.

Trong đó, một số tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng ở trẻ em mà các bậc cha mẹ cần lưu ý đó là:

  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Khô miệng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Bồn chồn hoặc ủ rũ
  • Thiếu tập trung
  • Chán ăn
  • Táo bón
  • Tầm nhìn mờ.

Ngoài ra, việc dùng thuốc kháng histamin cho trẻ em còn có thể khiến trẻ gặp phải một số tác dụng phụ khác hiếm xảy ra hơn như:

4. Cách dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ em

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất khi sử dụng thuốc chống dị ứng cho trẻ em, các bậc cha mẹ cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Nhìn chung, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng. Tuy nhiên, cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ dùng để được kê đơn phù hợp và an toàn.
  • Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống dị ứng cho trẻ khác nhau, nhưng con bạn có thể chỉ phù hợp với một loại thuốc nhất định. Vì vậy, bạn không được tùy tiện cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
  • Cha mẹ nên đọc kỹ thông tin của thuốc như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng, liều dùng, hạn sử dụng... trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Không được tùy tiện kết hợp các loại thuốc kháng histamin khác nhau để cho trẻ uống. Điều này có thể sẽ khiến trẻ dùng thuốc quá liều hoặc gây tương tác thuốc và gặp nguy hiểm.
  • Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc chống dị ứng mà người lớn đang dùng. Mặc dù cùng là thuốc chống dị ứng nhưng hàm lượng thuốc dùng cho trẻ khác với hàm lượng dùng cho người lớn. Trẻ dùng thuốc kháng histamin của người lớn có thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Cha mẹ nên theo dõi con chặt chẽ sau khi cho trẻ uống thuốc chống dị ứng. Nếu phát hiện con gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào thì hãy gọi điện cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đồng thời, mang theo tất cả các loại thuốc chống dị ứng mà trẻ đang dùng để bác sĩ nắm bắt tình hình và có chỉ định phù hợp, hiệu quả.

5. Cách phòng tránh dị ứng cho trẻ

Trẻ có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt là vào những lúc thời tiết giao mùa. Vì thế, để phòng ngừa dị ứng cho trẻ, các bậc phụ huynh nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Dùng nước muối sinh lý rửa mũi hàng ngày cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ vừa ra ngoài.
  • Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để đảm bảo môi trường sống trong lành cho trẻ. Với những trẻ đang bị viêm mũi dị ứng, trước lúc đi ngủ thì cha mẹ nên dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi để trẻ dễ ngủ hơn.
  • Nếu dị nguyên khiến cho trẻ bị viêm mũi dị ứng là do lông chó mèo hay phấn hoa thì bạn nên hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với những yếu tố này.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi ngủ và sau khi thức dậy cho trẻ. Hãy dạy trẻ cách đánh răng và dùng nước súc miệng đúng cách để đường hô hấp và răng miệng luôn được khỏe mạnh.
  • Tăng cường sức đề kháng: Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, nên bổ sung cho trẻ nhiều rau và hoa quả tươi. Bên cạnh đó cho trẻ ngủ đều và đủ giấc để giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
  • Vào những ngày giao mùa thì cần đặc biệt chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ nhỏ để trẻ không bị lạnh, hạn chế các bệnh đường hô hấp và viêm mũi dị ứng.

Trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 6 tuổi dùng thuốc chống dị ứng thường dễ gặp phải tác dụng phụ hơn so với người lớn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như ảo giác hoặc hôn mê. Vì vậy, cách tốt nhất là các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám và cho trẻ dùng thuốc kháng histamin theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe