Khi nào trẻ cần được đánh giá về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là tình trạng sức khỏe tâm thần, gây ra hành vi hiếu động và bốc đồng bất thường, kèm theo khó tập trung chú ý hoặc ngồi yên. Có thể đánh giá các triệu chứng của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý trong vòng 6 tháng và thu thập thông tin từ người lớn để chẩn đoán.

1. Nên đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ độ tuổi nào?

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng rất khó để chắc chắn một đứa trẻ 6 - 7 tuổi có bị ADHD hay không. Nguyên nhân là bởi nhiều biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ điển hình, chẳng hạn như thời gian chú ý ngắn và hành động bốc đồng, là bình thường ở trẻ mẫu giáo và chúng cũng thay đổi rất nhanh trong giai đoạn này.

Nhưng nếu nghi ngờ con đang có dấu hiệu rối loạn bất thường, bạn hoàn toàn có thể hỏi ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa về việc đánh giá trẻ, ngay cả khi con vẫn đang học mẫu giáo. Đặc biệt là khi trẻ mẫu giáo không thể chú ý tập trung, dẫn đến việc học tập không tiến bộ. Các bác sĩ chuyên khoa ngày càng chẩn đoán tình trạng này chính xác hơn, mang lại lợi ích điều trị sớm cho trẻ. Mặc dù thuốc hầu như không thích hợp cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng một số kỹ thuật điều chỉnh hành vi nhất định có thể giúp ích rất nhiều.

Rối loạn tăng động, giảm chú ý là chứng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ
Các biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý thường rất khó phát hiện

2. Tìm bác sĩ chuyên khoa

Bạn nên bắt đầu bằng việc đến gặp bác sĩ nhi khoa, người có thể thực hiện một số kiểm tra sơ bộ để loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như vấn đề về thị lực hoặc thính giác, có thể góp phần dẫn đến hành vi bất thường của con bạn. Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là một tình trạng tương đối mới và có nhiều ý kiến ​​khác nhau về phác đồ điều trị. Nếu bác sĩ biết rõ về con bạn và có nhiều kinh nghiệm đánh giá chứng rối loạn này, họ có thể là người tốt nhất để đưa ra chẩn đoán. Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng bạn phải đến gặp bác sĩ phát triển nhi khoa, bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm thần trẻ em, nhà tâm lý học trẻ em. Điều quan trọng là tìm một người có nhiều kinh nghiệm và đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái khi phối hợp cùng họ.

3. Thời gian và chi phí

Không có tiêu chuẩn chính xác để đánh giá một đứa trẻ về ADHD. Rất nhiều trẻ gặp khó khăn khi chú ý, nhưng không có nghĩa là trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Trầm cảm, lo âu và khuyết tật học tập đều có thể bị chẩn đoán nhầm với ADHD. Khoảng 1/3 số trẻ ADHD cũng đồng thời gặp một số vấn đề khác, chẳng hạn như chậm nói và ngôn ngữ kém.

Video đề xuất:

Dấu hiệu con bạn bị trầm cảm tuổi học đường

Theo chuyên gia, quá trình đánh giá chính xác phải diễn ra ít nhất 3 giờ trở lên. Các triệu chứng ADHD không phải luôn rõ ràng trong mọi tình huống hoặc thời điểm ngẫu nhiên, vì vậy điều quan trọng là chuyên gia phải quan sát con bạn ở các môi trường khác nhau trong một khoảng thời gian. Sau đó, họ cần thảo luận với các đồng nghiệp có kinh nghiệm, cũng như người lớn thường tiếp xúc với trẻ trong một thời gian dài trước khi đưa ra kết luận.

Chi phí đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ không hề rẻ và hiếm khi được bảo hiểm chi trả. Mặc dù chi phí có thể chênh lệch tùy thuộc vào nơi bạn sống và phòng khám bạn chọn, con số trung bình là khoảng $500 ở Mỹ (tương đương 11,5 triệu VNĐ). Cần lưu ý rằng những bác sĩ khám sức khỏe thông thường không phải là bác sĩ chuyên khoa, vì vậy bạn sẽ phải trả thêm phí khám và tư vấn với chuyên gia về lĩnh vực này. Nếu không thể trả giá quá cao, hãy hỏi bác sĩ hoặc trường học của trẻ giới thiệu thông tin về các dịch vụ đặc biệt với chi phí thích hợp.

4. Các bước đánh giá

Sau đây là tóm tắt các bước đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ cần thiết:

4.1. Tìm hiểu kỹ về tiền sử cá nhân, gia đình và y tế

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bạn rất nhiều câu hỏi (hoặc yêu cầu bạn điền vào phiếu khảo sát) về lịch sử sức khỏe của trẻ và gia đình bạn. Rối loạn tăng động giảm chú ý thường xảy ra trong các gia đình đã có người mắc hội chứng này, nhưng có thể là chưa được chẩn đoán. Bác sĩ cũng sẽ muốn tìm hiểu xem con bạn đã có các triệu chứng ADHD trong bao lâu (rõ ràng nhất là kéo dài hơn 6 tháng) và trẻ có biểu hiện như thế trong nhiều môi trường hay không, chẳng hạn như ở trường và ở nhà.

4.2. Phỏng vấn bệnh nhân

Bác sĩ sẽ nói chuyện với trẻ cả khi có mặt bố mẹ và khi chỉ có trẻ ở trong phòng. Đôi khi trẻ em sẽ tự do nói hơn nếu cha mẹ không nghe thấy. Bác sĩ có thể hỏi một số câu như: "Môn học yêu thích của cháu ở trường là gì? Cháu không thích điều gì? Tại sao?" Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà thang đánh giá hoặc phần mềm sẽ xác định mức độ phát triển hoặc những khó khăn.

Bác sĩ cũng sẽ quan sát xem con bạn có bồn chồn, ngồi không yên hoặc ít chú ý đến người phỏng vấn hay không. Tổng bài đánh giá của trẻ có thể sẽ được chia thành hai phiên, mỗi phiên dài khoảng 60 phút.

Thăm khám bác sĩ
Cho trẻ đi thăm khám bác sĩ tâm lý

4.3. Phỏng vấn phụ huynh

Chuyên gia có thể sẽ bắt đầu phỏng vấn bố mẹ cùng với con để hiểu cách gia đình bạn tương tác, và sau đó tiếp tục chỉ với hai vợ chồng bạn. Khi không có trẻ ở đó là lúc bạn nói về những lo lắng và thất vọng của mình về việc con không chú ý, không làm bài tập hoặc việc nhà, hoạt động không ngừng nghỉ, v.v.

Người phỏng vấn sẽ muốn biết về cuộc sống gia đình và phong cách nuôi dạy con cái của bạn, thời gian trẻ làm bài tập ở nhà và trong bối cảnh nào, mức độ hòa đồng của trẻ với những đứa trẻ hàng xóm, v.v. Bạn cũng có thể được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi hoặc thang điểm xếp hạng về khả năng và triệu chứng của con. Cuộc phỏng vấn khi có mặt trẻ thường kéo dài khoảng 1 giờ. Cuộc phỏng vấn thứ hai, không có trẻ, có thể kéo dài 90 phút.

4.4. Phỏng vấn với giáo viên

Nếu con bạn đang đi học, bác sĩ sẽ yêu cầu giáo viên điền vào thang xếp hạng hoặc danh sách kiểm tra hành vi và sẽ phỏng vấn trực tiếp trong khoảng nửa giờ, hỏi về những điều như: trẻ có gặp khó khăn khi phải chờ đến lượt mình không, dường như không lắng nghe khi giáo viên nói hay thường xuyên rời khỏi chỗ ngồi trong lớp học, v.v Nếu con bạn được gửi đến nhà chăm sóc trẻ hoặc tham gia lớp học ngoại khóa, bạn cũng có thể nhận được ý kiến ​​đóng góp từ các giáo viên ở đó.

hỏi giáo viên về học sinh
Nói chuyện với giáo viên giúp đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

4.5. Khám sức khỏe

Bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ khám sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng giống rối loạn tăng động giảm chú ý, chẳng hạn như các vấn đề về thị lực hoặc thính giác.

Video đề xuất:

Làm thế nào khi trẻ bị tăng động giảm chú ý? Lời khuyên từ chuyên gia

4.6. Theo dõi

Sau khi đánh giá hoàn tất, bác sĩ có thể sẽ muốn gặp lại bạn trong khoảng 1 giờ để nói về cách điều trị. Nếu có thể điều trị bằng thuốc, các bác sĩ chuyên khoa sẽ trao đổi với nhau trước khi kê đơn. Nếu không hài lòng với kết quả đánh giá hoặc phương pháp điều trị được đề nghị, bạn có thể đề xuất ý kiến.

Ngoài thuốc, các lựa chọn điều trị khác có thể bao gồm liệu pháp hành vi (thay đổi môi trường của trẻ để cải thiện hành vi), đào tạo phụ huynh (cung cấp cho bạn các kỹ năng để đối phó với hành vi của trẻ theo những cách tích cực), điều kiện ở trường (trao đổi với nhà trường để giúp con bạn học tập dễ dàng hơn) và các phương pháp điều trị thay thế khác.

Trẻ em có tính tò mò, hiếu động nhưng lại rất dễ tổn thương. Tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hướng đến sự phát triển sau này của trẻ. Vì vậy mỗi bậc cha mẹ hãy dành cho con trẻ những yêu thương và sự quan tâm đúng mực, đồng hành cùng trẻ cả hiện tại và tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan