Trẻ em rất thích quan sát thế giới xung quanh để khám phá và học hỏi. Do đó, thị giác có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, trong đó có vai trò của sự nhận biết và phân biệt màu sắc. Vậy khi nào trẻ biết phân biệt màu sắc? Bài viết sẽ trả lời cho câu hỏi và đưa ra một số gợi ý về cách dạy trẻ phân biệt màu sắc.
1. Trẻ sơ sinh có biết phân biệt màu sắc?
Ngay từ khi ở trong bụng mẹ, trẻ đã có thể nhận biết sự khác nhau giữa ánh sáng và bóng tối. Trẻ sơ sinh không chỉ nhìn thấy mỗi hai màu đen và trắng mà có thể nhìn thấy nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, não của trẻ sơ sinh chưa nhận thực những màu sắc này một cách rõ ràng, sống động như trẻ lớn. Khoảng vài tuần đầu đời, trẻ có thể nhận biết được màu sắc đầu tiên là màu đỏ.
Đối với trẻ sơ sinh, nên lựa chọn cho trẻ những đồ chơi có độ tương phản cao về màu sắc. Màu đen và màu trắng - hai màu có độ tương phản cao nhất - có thể là lựa chọn giúp trẻ tập trung chú ý.
Ngoài màu sắc thì thị lực của trẻ sơ sinh cũng còn hạn chế. Theo AOA (Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ), trẻ có thể tập trung nhìn vào vật cách xa 20-25cm, và thị lực của trẻ sẽ được cải thiện dần sau khoảng 8 tuần.
2. Khi nào trẻ biết phân biệt màu sắc?
Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy những màu sắc có độ tương phản cao nhưng ở mức độ còn hạn chế, chưa rõ ràng.
Trẻ 2 - 4 tháng tuổi sẽ bắt đầu nhận thức được nhiều màu hơn, dần dần trẻ sẽ phân biệt được các sắc độ khác nhau của màu đỏ, màu xanh lục. Không có mốc thời gian chính xác trẻ có thể phân biệt được các màu này mà tùy thuộc vào từng trẻ và cách người lớn dạy trẻ phân biệt màu sắc.
Trẻ thường bắt đầu phân biệt được các màu sắc khác nhau từ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ chưa gọi tên được các màu này vì các kỹ năng giao tiếp chưa phát triển hoàn thiện. Phải đến khi trẻ biết nói và biết dùng từ ngữ để mô tả màu sắc thì mới biết chắc chắn rằng trẻ phân biệt màu sắc được chưa. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, thường từ 3 tuổi, có thể gọi tên được màu đỏ, màu xanh, và từ 3 tuổi rưỡi - 4 tuổi, trẻ có thể nhận biết và phân biệt nhiều màu hơn.
Độ tuổi mà trẻ có thể nhìn thấy đa số các màu sắc thường là 5 tuổi. Tại thời điểm này, thị giác của trẻ phát triển sâu và đầy đủ: trẻ có thể phân biệt cảm giác nông - sâu, phối hợp đồng bộ giữa 2 mắt hay phối hợp cơ thể và mắt.
3. Cách dạy bé phân biệt màu sắc
Phân biệt màu sắc cho bé có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ sau này của trẻ. Những trẻ biết phân biệt màu sắc sớm thường sẽ có óc quan sát tinh tế, sâu sắc và đời sống tình cảm phong phú, đa dạng sau này. Bố mẹ không nên chờ bé đủ lớn mới bắt đầu dạy bé phân biệt màu sắc, mà nên bắt đầu dạy trẻ từ từ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bố mẹ nên sử dụng những đồ chơi với màu sắc có độ tương phản cao để tăng khả năng chú ý, tập trung của trẻ. Ở trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ tiếp xúc với tranh, ảnh hay các đồ chơi, đồ dùng nhiều màu sắc để khuyến khích trẻ quan sát và nhận biết màu sắc. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng nhạy bén, tinh tế của thị giác mà còn là cơ hội để trẻ nhận biết thuộc tính của đồ vật.
Bố mẹ nên tận dụng mọi lúc để phân biệt màu sắc cho bé một cách thường xuyên để trẻ ghi nhớ màu sắc được lâu hơn. Việc dạy bé phân biệt màu sắc nên bắt đầu với những màu cơ bản như: đỏ, xanh, vàng, đen, sau đó mới dạy trẻ phân biệt tỉ mỉ các gam màu cụ thể như: cam, hồng, xanh lục, xanh dương, trắng,... qua các hình ảnh mà bé nhìn thấy hàng ngày.
Có thể cho trẻ chơi một số trò chơi giúp phát triển khả năng phân biệt màu sắc của trẻ như:
- Trò chơi nhặt những đồ vật cùng màu.
- Trò chơi tìm đồ vật khác màu so với những đồ vật còn lại.
- Trò chơi tô màu theo mẫu.
- Trò chơi nặn đất sét với đất nặn nhiều màu.
4. Các dấu hiệu của chứng mù màu
Mù màu là tình trạng trẻ giảm/mất khả năng phân biệt màu sắc, nhưng không ảnh hưởng đến độ sắc nét. Tuy nhiên, trẻ bị mù màu không có nghĩa là hoàn toàn không nhìn thấy màu gì, mà trẻ thường mất khả năng phân biệt một số màu sắc nhất định, hay gặp nhất là màu đỏ và màu xanh lá. Một số trường hợp nặng có thể trẻ bị mù màu hoàn toàn, nhưng rất hiếm.
Các nguyên nhân gây mù màu ở trẻ bao gồm:
- Do di truyền: Nguyên nhân mù màu thường gặp nhất ở trẻ là do di truyền và tỷ lệ bé trai mù màu cao hơn bé gái. Tùy mức độ bệnh mà có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
- Do biến chứng của bệnh: Các bệnh lý mà trẻ mắc phải như đái tháo đường, bệnh bạch cầu, tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng,... có thể là nguyên nhân gây mù màu ở trẻ.
- Thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh lý tim mạch, thần kinh hay nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc.
- Hóa chất độc hại: Sự tiếp xúc với các hóa chất độc hại như phân bón vô cơ, carbon disulfide,... làm ảnh hưởng đến các cơ quan, trong đó có thị giác, và có thể là nguyên nhân dẫn đến mù màu ở trẻ.
Các triệu chứng của mù màu ở nhiều mức độ khác nhau, có thể nhẹ đến mức bố mẹ không nhận ra được là trẻ bị mù màu. Mù màu ở trẻ nên được phát hiện sớm với các biểu hiện thường gặp như:
- Trẻ không phân biệt được một số màu cơ bản khi đã được 4 tuổi, thường gặp nhất là không thể phân biệt được màu đỏ và màu xanh lá cây.
- Trẻ không phân biệt được các đồ vật theo sắc thái.
- Trẻ sử dụng sai từ ngữ để mô tả màu sắc.
- Trẻ tô sai màu đối với những vật dụng quen thuộc (như bầu trời, bãi cỏ).
- Trẻ không hứng thú với tô màu hay chơi với những đồ chơi nhiều màu.
- Trẻ khó phân biệt các màu sắc trong điều kiện ánh sáng yếu, hoặc khi nhiều màu sắc cùng xuất hiện, nhạy cảm khi nhìn trời đêm.
- Trẻ nhạy cảm với ánh sáng, thường bị kích thích hay đau đầu khi nhìn vào màu đỏ hoặc màu xanh lá cây.
- Mắt trẻ chuyển động nhanh (hiếm).
Khả năng phân biệt màu sắc giúp trẻ khám phá thế giới với những điều mới lạ, từ đó phát triển trí tuệ, thể chất cũng như tinh thần. Do đó bố mẹ cần chú ý quan sát và giúp trẻ phát triển khả năng này từ sớm với việc dạy trẻ phân biệt màu sắc. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra và nhận được lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.