Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mù màu hay còn gọi là loạn sắc giác, rối loạn sắc giác là một trong những bệnh lý về mắt khiến cho người bệnh có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh nhưng không thể phân biệt được màu sắc của chúng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.
1. Các con số thống kê về bệnh mù màu
Mù màu là bệnh lý có nhiều người mắc phải trong xã hội, dạng mù màu phổ biến nhất là màu màu đỏ và màu xanh lá, thường gặp phải ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Theo thống kê thì có khoảng 8% nam giới ở Bắc Âu và khoảng 3% nam giới nguồn gốc Châu Á và Châu Phi bị mù màu đỏ và xanh lá. Trong khi đó, đối với nữ giới thì con số đó chỉ ở khoảng 0,5% trên toàn thế giới.
Tỷ lệ mù màu vàng và màu xanh dương chỉ ở khoảng dưới 1/10.000. Số người bị mù màu hoàn toàn rất hiếm và chỉ ở khoảng 1/40.000 (trên toàn thế giới). Những người có nguồn gốc từ Thái Bình Dương sẽ có nguy cơ bị mù màu hoàn toàn nhiều hơn.
2. Dấu hiệu của bệnh mù màu
Ở mỗi người bệnh khác nhau thì triệu chứng của bệnh mù màu sẽ có sự khác nhau, có người triệu chứng nặng và người triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một điểm là không thể phân biệt rõ ràng màu sắc hoặc gặp phải sự nhầm lẫn khi nhận diện các loại màu sắc giữa:
- Các đồ dùng, đồ vật có màu màu đỏ - màu xanh lá
- Các đồ dùng, đồ vật có màu xanh lá - xanh dương
- Không thể nhận ra màu sắc nào trong số các màu
Trẻ em có dấu hiệu mù màu khi:
- Thường xuyên dùng sai màu khi vẽ
- Gặp vấn đề khi phân biệt các loại màu hoặc đồ dùng có các màu khác nhau
- Trong môi trường ánh sáng yếu thì khó phân biệt màu sắc
- Có sự nhạy cảm với ánh sáng
- Với những trang sách có nhiều màu sắc thường không đọc được
- Trẻ thường kêu đau đầu, đau mắt khi nhìn vào đồ vật có màu đỏ trên nền xanh lá và ngược lại
- Trẻ không hứng thú với trò chơi đếm đồ vật có nhiều màu sắc khác nhau hoặc không muốn tô nhiều màu sắc khác nhau
3. Bệnh mù màu có chữa được không?
Có rất nhiều thắc mắc không biết bệnh mù màu có chữa được không. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại thì bệnh mù màu vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh mù màu, đặc biệt với trường hợp mù màu do di truyền.
Vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên những người bị mù màu thường sẽ phải học cách thích nghi và sống chung với bệnh tật. Khi đã quen với tình trạng bệnh thì có thể việc nhầm lẫn màu sắc chỉ là những bất tiện nhỏ trong cuộc sống. Thực tế, có rất nhiều người bệnh không biết bản thân bị mù màu cho đến khi trưởng thành. Một số cách để người bệnh có thể sống chung với bệnh mù màu chính là:
- Học cách ghi nhớ thứ tự màu sắc của các đồ vật, những thứ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
- Nhờ người có thị lực bình thường gắn nhãn màu sắc cho quần áo của mình và sắp xếp các đồ dụng để dễ dàng khi kết hợp với nhau.
- Sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính dành riêng cho người bị mù màu.
- Trường hợp người mù màu là một đứa trẻ thì cần nói chuyện với giáo viên để giúp trẻ nhận diện màu sắc tốt hơn vì trẻ bị mù màu thường gặp khó khăn khi nhìn chữ trên bảng xanh lá hoặc khi đọc bài được in trên trang sách nhiều màu, nhiều mực.
- Sử dụng kính cho người mù màu
Những người bị mù màu có thể là mù màu đỏ, mù màu xanh hoặc mù cả màu đỏ và màu xanh hoặc mù hoàn toàn mọi màu sắc. Mặc dù chưa có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh mù màu nhưng có thể chẩn đoán trước sinh, do đó cần thăm khám trước khi có ý định sinh con để loại trừ khả năng mắc bệnh mù màu ở đứa trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.