Cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em

Bài viết bởi Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Cơn hoảng hốt khi ngủ là một trong những loại rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất ở trẻ em. Cơn hoảng hốt khi ngủ thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1 đến 8 tuổi, xuất hiện vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ chậm.

1. Biểu hiện cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em

Triệu chứng biểu hiện của cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em là:

  • Đột nhiên trẻ ngồi dậy hoặc vùng vẫy, la hét khóc lóc sau khi đã ngủ được vài giờ
  • Trẻ biểu lộ sự sợ hãi, căng thẳng, bồn chồn, mắt mở to nhưng dường như vẫn đang thiếp ngủ, người mẹ không thể dỗ dành cho trẻ yên hoặc không thể đánh thức cho trẻ tỉnh hẳn được.
  • Cơn xảy ra kéo dài 10 – 15 phút. Sau cơn trẻ ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy trẻ không nhớ gì về cơn đã xảy ra.
Trẻ giật mình khi ngủ
Trẻ đang ngủ bỗng giật mình la hét

2. Chẩn đoán cơn hoảng hốt khi ngủ theo Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ DSM – IV

Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ DSM – IV chẩn đoán diễn tiến cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em như sau:

A. Tái phát các giai đoạn thức dậy đột ngột trong khi ngủ, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn 1/3 đầu của giấc ngủ và bắt đầu bằng tiếng kêu thất thanh, sợ hãi.

B. Cường độ của hoảng hốt là các dấu hiệu thần kinh thực vật như tim đập nhanh, thở nhanh, vã mồ hôi trong giai đoạn hốt hoảng.

C. Bệnh nhân không đáp ứng với sự cố gắng của người khác nhằm làm cho dễ chịu.

D. Bệnh nhân không nhớ lại các chi tiết giấc mơ và thường quên.

E. Giai đoạn hoảng hốt là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc rối loạn chức năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp và các chức năng khác.

F. Rối loạn không do hậu quả của một chất hoặc một bệnh thực tổn.

Trẻ 2 tuổi giật mình, khóc toáng khi ngủ dấu hiệu bệnh gì?
Trẻ hoảng hốt có thể là dấu hiệu thần kinh thực vật

3. Điều trị cơn cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ

Để điều trị cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi ngủ: hít sâu thở đều, thả lỏng cơ bắp, nhẩm đếm theo nhịp thở.

Gia đình thực hiện các biện pháp phòng ngừa những tổn thương cơ thể có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ: không cho trẻ nằm giường cao, không để những vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ ở gần giường ngủ, đóng lối đi cầu thang và cửa nhà, cửa sổ về ban đêm để trẻ không ra khỏi nhà.

Giúp trẻ trở lại giấc ngủ bình thường sau khi trẻ bị cơn hoảng sợ ban đêm bằng cách vỗ về, dỗ dành, an ủi, đặt trẻ nhẹ nhàng vào giường

Đối với những trẻ thường xuyên bị rối loạn ngủ có thể làm giảm tần suất cơn bằng cách: ghi chép khoảng thời gian từ khi trẻ bắt đầu ngủ cho đến khi có cơn trong 7 đêm liên tục để biết được qui luật khi nào thì trẻ có cơn. Sau đó chủ động đánh thức trẻ dậy trước khi cơn vẫn thường xảy ra trước đó 15 phút. Cho trẻ thức tỉnh khoảng 5 phút, sau đó lại cho trẻ ngủ tiếp

Nếu xác định có sang chấn tâm lý thì cần tư vấn cho trẻ và gia đình khắc phục vấn đề này. Nếu áp dụng các biện pháp tâm lý không hiệu quả, một số trẻ phải điều trị bằng thuốc giải lo âu như Diazepam, thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptilin, hoặc thuốc ổn định khí sắc như Carbamazepin, valproate để làm giảm tần suất cơn.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

117.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan