Chọc dò tủy sống sơ sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chọc dò tủy sống hay chọc dò thắt lưng là một kỹ thuật được thực hiện bằng cách dùng một kim thăm dò chọc vào khoang dịch não tủy vùng thắt lưng nhằm lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm và đánh giá áp lực của khoang dịch não tủy. Đây là một phương pháp cơ bản và an toàn trong chẩn đoán cũng như điều trị một số bệnh lý của hệ thần kinh trung ương.

1. Chọc dò tủy sống sơ sinh là gì?

Cũng như chọc dò tủy sống ở người lớn, chọc dò tủy sống ở trẻ sơ sinh cũng nhằm mục đích tương tự đối với các trường hợp bệnh lý hệ thần kinh như: viêm não, viêm màng não, xuất huyết màng não do căn nguyên vi khuẩn hay virus khác.

Dịch não tủy duy trì khoảng 150-180ml trong các não thất, khoang dưới nhện và các bể não, là một dịch trong, không màu. Với lượng dịch não tủy được sinh ra và hấp thu tương đương nhau trong cả ngày, dịch não tủy có tác dụng hạn chế các sang chấn cơ học lên não, tham gia vào việc dinh dưỡng và chuyển hóa cho hệ thần kinh trung ương.

Chọc dò tủy sống
Chọc dò tủy sống giúp chẩn đoán áp lực trong khoang dịch não tuỷ

2. Chọc dò tủy sống được chỉ định trong các trường hợp lâm sàng

Trong chẩn đoán:

  • Đánh giá về áp lực trong khoang dịch não tuỷ, sự lưu thông dịch não tủy trong các khoang;
  • Xét nghiệm (tế bào, sinh hóa, nuôi cấy tìm vi khuẩn...) dịch não tuỷ;
  • Bơm thuốc cản quang để chụp tủy, chụp bao rễ...

Trong điều trị:

  • Đưa thuốc vào khoang dưới nhện tủy sống;

Trong gây tê phẫu thuật:

  • Đưa kháng sinh, thuốc chống ung thư, corticoid ... để điều trị các bệnh của hệ thần kinh trung ương.
  • Nhằm để theo dõi kết quả điều trị kháng sinh với các trường hợp viêm não, viêm màng não do vi khuẩn.

3. Các chống chỉ định của chọc dò tủy sống

  • Hội chứng tăng áp lực trong sọ;
  • Các trường hợp u não được chẩn đoán xác định;
  • Phù não nặng;
  • Tổn thương tuỷ cổ;
  • Nhiễm khuẩn ở vùng da chọc kim;
  • Rối loạn đông máu do thuốc hay do bệnh lý, khi tiểu cầu suy giảm (<50.000/mm3);
  • Chống chỉ định tương đối trong một số trường hợp dị bẩm sinh vùng thắt lưng-cùng: cột sống chẻ đôi, thoát màng não - tủy.

4. Tai biến có thể có trong chọc dịch tủy sống

Khi làm kỹ thuật chọc dịch tủy sống này cho trẻ sẽ có một số các vấn đề thường gặp có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như:

  • Gây đau đầu, khiến trẻ quấy khóc.
  • Nôn nhiều khi thay đổi tư thế.
  • Vùng da lấy dịch tủy có thể bị nhiễm trùng.
  • Đau tại vị trí chọc dò.

Ngoài ra, còn có những rủi ro nguy hiểm hơn như:

  • Với trẻ sơ sinh có thể gây giảm nhịp tim, trường hợp này cần cho trẻ thở oxy và theo dõi.
  • Sau chọc, một lượng tương đối dịch não tủy được lấy ra sẽ gây thay đổi tạm thời áp lực nội sọ sau chọc dò, gây cho bệnh nhân có thể nôn, choáng, tụt huyết áp. Trường hợp này cần được theo dõi để có biện pháp xử lý phù hợp.
  • Khi vệ sinh, chăm sóc không đúng cách có thể làm nhiễm trùng tại vị trí chọc dò, nhẹ thì nhiễm trùng vùng da tại chỗ, nặng từ đó vi khuẩn đi vào khoang dịch não tủy, gây nhiễm khuẩn nặng hệ thần kinh, viêm màng não, cũng có thể nhiễm trùng máu.
  • Có thể gây chảy máu nhiều, đặc biệt trên các trẻ có vấn đề về đông cầm máu.
  • Nếu trẻ cử động, giãy giụa trong khi làm thủ thuật, việc chọc dò có thể khó khăn, khi đó có thể chọc nhầm mạch máu, dẫn đến máu cục, máu đông trong lòng kim chọc dò, không thể lấy được dịch não tủy. Nếu rơi vào tình huống này, bác sĩ có thể phải làm lại thủ thuật cho trẻ.
Trẻ quấy khóc
Chọc dò tủy sống sẽ khiến trẻ đau tại vị trí chọc dò và quấy khóc

5. Theo dõi và chăm sóc trẻ sau chọc dò tủy sống

Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý khi chăm sóc trẻ:

  • Cho trẻ uống nhiều nước: Bạn có thể cho trẻ uống nước hoa quả, sữa, hoặc ăn các món súp; với trẻ sơ sinh có thể cho trẻ bú để tăng cường bổ sung nước, dịch cho cơ thể nhằm bổ sung lại lượng dịch não tủy được lấy ra.
  • Nghỉ ngơi: Đảm bảo nghỉ ngơi yên tĩnh, đủ thời gian, hạn chế tối đa vận động sau chọc dò thắt lưng.
  • Không hoạt động mạnh: Đừng để trẻ di chuyển nhiều hoặc hoạt động mạnh.
  • Vệ sinh thường xuyên: Giữ vệ sinh sạch sẽ, thay băng, sát khuẩn hàng ngày nếu cần.

6. Khám lại sau chọc dò tủy sống

Bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám kịp thời nếu:

  • Trẻ khóc không ngừng mà không tìm được nguyên nhân.
  • Trẻ bị co giật, giật cơ sau khi chọc dò thắt lưng.
  • Trẻ có thể bị nôn trong thời gian làm xét nghiệm hoặc nếu sau vài giờ nhưng kéo dài hơn hay có thể tới vài ngày mà bé vẫn còn nôn sẽ cần đưa trẻ đi khám ngay.
  • Trẻ biểu hiện mệt mỏi, chán ăn và hay buồn ngủ.

Để có thêm kiến thức nuôi con đúng cách, bố mẹ hãy chủ động cập nhật các thông tin y tế hữu ích trên website Vinmec.com và liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên gia tại Vinmec khi cần hỗ trợ nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan