Chúng ta đều biết rằng thói quen ngủ tốt rất quan trọng đối với trẻ em. Nhưng lịch trình làm việc bận rộn của cha mẹ, các hoạt động sau giờ học và bài tập về nhà đều có thể cắt giảm thời gian dành cho gia đình vào các buổi tối ở trường và có thể ảnh hưởng lớn đến thời gian ngủ của trẻ.
Trên thực tế, thời gian ở cùng nhau của rất nhiều hộ gia đình bắt đầu vào khoảng 6 hoặc 7 giờ hoặc thậm chí muộn hơn vào buổi tối, thật khó để đặt một giờ đi ngủ sớm. Và vì các chuyên gia nói rằng trẻ em ở độ tuổi đi học gần như cần ngủ khoảng 9 đến 11 giờ - có nghĩa là trẻ cần đi ngủ lúc 8 hoặc 9 giờ tối, tùy thuộc vào thời gian chúng cần thức dậy. Vậy bạn có thể làm gì để đảm bảo con bạn ngủ đủ giấc để hoạt động tốt nhất? Và giúp trẻ độ tuổi đi học thiết lập thói quen ngủ lành mạnh. Do đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp một số cách bạn có thể giúp trẻ có được thói quen này.
1. Giấc ngủ điển hình của trẻ trong độ tuổi đi học
Trong độ tuổi từ 5 đến 8 tuổi, trẻ em thường cần giấc ngủ kéo dài từ 10 đến 12 tiếng mỗi đêm. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi này đều đi ngủ từ 7:30 đến 9 giờ tối và thức từ 6:30 đến 8 giờ sáng. Khi trẻ bắt đầu đi học, đặc biệt ở những trẻ đang học nửa ngày được chuyển lên học cả ngày thì các phụ huynh sẽ cảm nhận được rằng trẻ thực sự cần ngủ nhiều hơn và sẵn sàng ngủ sớm hơn so với thời gian trước khi đi học.
Bên cạnh đó, khi trẻ không được đảm bảo ngủ đủ giấc có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hành vi của trẻ vào ban ngày và kết quả học tập do thiếu ngủ khiến trẻ không tập trung vào bài học và tiến độ tiếp thu bài của trẻ cũng giảm sút.
Thiếu ngủ thường xuyên còn dẫn tới một số vấn đề sức khỏe của trẻ như trẻ trở nên cáu kỉnh, khó tập trung, tăng huyết áp, béo phì, đau đầu và nặng hơn có thể bị trầm cảm. Đối với trẻ em ngủ đủ giấc và giấc ngủ đạt chất lượng tốt sẽ có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn và hiệu suất học tập, hành vi, trí nhớ và sức khỏe tâm thần tốt hơn.
2. Làm gì để giúp trẻ hình thành thói quen ngủ tốt ?
Khi trẻ không ngủ được vì cảm thấy khó ngủ, chưa muốn ngủ,... thì các phụ huynh có thể tham khảo một số cách dưới đây để giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn:
- Cố định giờ đi ngủ của trẻ: Các phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen đi ngủ vào một giờ nhất định mỗi đêm kể cả cuối tuần. Thời điểm lý tưởng cho trẻ đi ngủ là từ 7:30 đến 8:30. Điều này sẽ hình thành đồng hồ sinh học trong tiềm thức của trẻ và giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ một cách nhanh chóng vào giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, trẻ không còn cảm thấy khó chịu khi cảm thấy phải đi ngủ sớm hoặc mệt mỏi, thiếu ngủ khi cảm thấy đi ngủ muộn.
- Giữ thói quen đi ngủ nhất quán: Các nghi thức trước khi đi ngủ không chỉ dành cho trẻ sơ sinh, ở những đứa trẻ lớn hơn có thể tự lập hơn. Trẻ có thể tự mình chuẩn bị chăn gối, hay có thể đọc truyện, nghe nhạc, thậm chí là đi tắm... trước khi đi ngủ, những thói quen này có thể giúp trẻ cảm thấy thỏa mái, dễ chịu hơn sau một ngày học tập mệt mỏi, bận rộn. Các phụ huynh cần đảm bảo được rằng trẻ có không gian tĩnh lặng trước khi đi ngủ, tránh gây ra tiếng ồn khiến trẻ giật mình hoặc tỉnh giấc, điều này sẽ khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Các phụ huynh nên hạn chế cho trẻ xem phim trước khi đi ngủ, hoặc không nên để tivi trong phòng ngủ, điều này không giúp trẻ ngủ ngon hơn mà khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, dẫn tới nhiều cơn ác mộng và các vấn đề giấc ngủ khác. Toàn bộ thói quen trước khi đi ngủ thường kéo dài từ 30 đến 45 phút, nếu các phụ huynh cảm thấy trẻ mất nhiều thời gian cho việc này thì nên điều chỉnh cắt ngắn lại. Ví dụ thay vì đọc cho trẻ một câu chuyện kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ thì các phụ huynh có thể thay thế bằng những mẩu chuyện ngắn hơn, mỗi ngày một câu chuyện sẽ khiến trẻ thích thú hơn. Không nên kể cho trẻ nghe những câu chuyện gồm nhiều chương liên quan đến nhau như tập truyện của Harry Potter, việc phải suy nghĩ những tình tiết tiếp theo có thể xảy ra sẽ khiến trẻ trằn trọc, không ngủ luôn được.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên đảm bảo tạo được cho trẻ thói quen ngủ quay về một hướng. Ví dụ như khi các phụ huynh gọi trẻ lên tầng để tắm, không nên để trẻ quay lại tầng dưới để nói chúc ngủ ngon với thú cưng của gia đình khi đã tắm xong. Thay vào đó, hãy để trẻ tắm xong, vào phòng ngủ mặc đồ ngủ và kể những câu chuyện dẫn dắt trẻ vào giấc ngủ.
Các phụ huynh cũng nên cho trẻ những khoảng thời gian để gạt bỏ những lo lắng, suy nghĩ về những việc xảy ra trong ngày hôm đó của trẻ. Thực tế, giờ đi ngủ có thể coi là một cơ hội để gắn kết tình cảm của con đối với cha mẹ, các phụ huynh có thể trò chuyện với con, lắng nghe trẻ kể những câu chuyện ở trường hay những người bạn mới,... việc này sẽ giúp cho gia đình được kết nối, gần gũi nhau hơn.
Một số phụ huynh quá bận trong công việc, không thể dành thời gian chăm sóc, lắng nghe những câu chuyện của trẻ,... khiến trẻ mang những lo lắng vào trong giấc ngủ, thậm chí trẻ còn chẳng ngủ được, dần dần trẻ sẽ khép mình lại và tạo nên khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Thay vì để điều đó xảy ra, đôi khi các phụ huynh chỉ cần hỏi con về những khoảnh khắc tốt nhất và điều tệ nhất đã xảy ra đối với trẻ trong ngày hôm nay, những câu hỏi đơn giản nhưng khiến trẻ trải lòng, cảm thấy gần gũi cũng như tạo cánh cửa cho cuộc sống ngày càng độc lập của trẻ.
Hãy cho trẻ hoạt động trong ngày, các phụ huynh nên đảm bảo trẻ có những hoạt động thú vị và đa dạng trong ngày, bao gồm cả hoạt động thể chất và không khí trong lành. Nên hạn chế cho trẻ ngồi một chỗ và sử dụng điện thoại thông minh hoặc tivi, máy tính,...đặc biệt vào ban đêm. Để ngăn giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn thì các phụ huynh nên tắt các thiết bị đó ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ.
Môi trường phòng ngủ và nhà an toàn cũng là sẽ giúp trẻ cảm thấy thỏa mái và yên tâm khi ngủ. Phụ huynh cũng nên lưu ý giảm độ sáng của đèn trước khi đi ngủ và kiểm tra nhiệt độ trong phòng của trẻ, đừng để đồ chơi chất đầy lên giường trẻ vì đây là nơi để ngủ, cần thiết phải rộng rãi và không có vật cản trở quá trình trẻ ngủ. Ngoài ra, trẻ có thể ôm gấu, búp bê nhỏ để có thể cảm thấy an toàn, ấm áp hơn trước khi bước vào giấc ngủ.
3. Những cơn ác mộng trong giấc mơ của trẻ
Những cơn ác mộng ôm nỗi sợ hãi đi ngủ thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Đặc biệt ở những trẻ có nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh, hay những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú, tự ám thị nỗi sợ hãi về những con vật dưới gầm giường hay một vài con “ma”,... hoặc một số những nguy hiểm “thực sự ” khác. Vậy nên việc nói chuyện với trẻ về những lo lắng của trẻ là điều cần thiết đối với phụ huynh.
Bên cạnh đó, các phụ huynh có thể trấn an trẻ bằng cách an ủi, động viên cho trẻ rằng luôn có bố mẹ ở bên, sẽ không có chuyện gì xảy ra,... và thảo luận với trẻ các đối phó với nỗi sợ hãi đó. Lúc này, sách hoặc những câu chuyện cá nhân về việc hộ xử lý những nỗi sợ hãi đó như thế nào sẽ trở thành trợ giúp đắc lực. Tuy nhiên, nếu những giấc mơ xấu hoặc nỗi sợ hãi ban đêm của trẻ vẫn tiếp diễn trong thời gian dài, các phụ huynh nên tìm hiểu những nguồn gây lo lắng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ và nói cho trẻ cách khắc phục. Ví dụ như khi trẻ có những lo lắng kết quả học tập ở trường hay có xích mích với bạn học có thể dẫn tới khó ngủ, phụ huynh nên tìm nguyên nhân và giúp trẻ giải quyết vấn đề được tốt hơn.
Khi trẻ càng lớn thì càng không chịu đi ngủ “sớm”, thời gian này, trẻ cần nhiều thời gian để học bài, để chơi hoặc để xem bộ phim trẻ thích,... nên việc đi ngủ sớm sẽ trở nên khó chịu đối với trẻ. Các phụ huynh cũng không nên cáu gắt và bắt buộc trẻ đi ngủ mà nên nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ, trao đổi với trẻ về giấc ngủ quan trọng như thế nào và trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn như thế nào khi được nghỉ ngơi sau một đêm ngủ ngon giấc.
Mặc dù điều quan trọng nhất vẫn là để trẻ nói lên vấn đề của trẻ, các phụ huynh nên chú tâm vào vấn đề đó và đưa trẻ vào giấc ngủ bằng cách đọc truyện cho trẻ, ôm trẻ vào lòng hay bật một bản nhạc nhẹ nhàng sau khi tắt đèn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, healthychildren.org