Tạo giấc ngủ lành mạnh cho trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

So với thức ăn, thức uống thì giấc ngủ cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Mặc dù đây là điều hiển nhiên nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa tạo điều kiện để trẻ có giấc ngủ quan trọng đủ để phát triển cân bằng về thể chất và tinh thần. Thông qua bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu các cách để giúp trẻ ngủ sâu, trẻ ngủ ngon và đủ giấc hơn.

1. Tổng quan về vai trò của giấc ngủ

Trong cuộc sống ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ bị kéo theo lịch làm việc dày đặc, công việc gia đình, chăm sóc con cái chiếm hết quỹ thời gian ít ỏi. Trẻ em cũng tương tự, bị áp đảo bởi lịch học, các hoạt động ngoài giờ và các yếu tố lối sống khác khiến giờ nghỉ ngơi càng bị rút ngắn lại, thời gian đi ngủ bị lùi lại muộn hơn, buổi sáng phải thức dậy sớm hơn...Nghe có vẻ không quá quan trọng nhưng nếu thói quen trên diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Giấc ngủ không chỉ là thời gian nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động căng thẳng mà còn là cơ hội để tái tạo nguồn năng lượng, giúp đầu óc bạn tỉnh táo và bình tĩnh. Các giấc ngủ dù ngắn hay dài cũng đều giúp sạc lại năng lượng cho não. Trẻ ngủ sâu và ngủ đủ giấc có thể vận dụng trí não hiệu quả hơn, tăng sự tập trung và cải thiện trí nhớ. Khi trẻ ngủ ngon thì não bộ sẽ ở trạng thái tốt để hoạt động.


Trẻ ngủ ngon giúp tái tạo nguồn năng lượng cho bộ não
Trẻ ngủ ngon giúp tái tạo nguồn năng lượng cho bộ não

2. Hậu quả của rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ vì bất cứ lý do gì đều có dẫn đến những hậu quả đáng kể và nghiêm trọng. Các vấn đề về giấc ngủ không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của trẻ mà còn làm gián đoạn cả hoạt động ban ngày, bằng cách khiến trẻ kém tỉnh táo, khó tập trung và dễ uể oải, mệt mỏi hơn. Nếu diễn ra trong thời gian dài có thể khiến trẻ trở nên bốc đồng, nóng nảy hoặc lười biếng hơn.

Các ảnh hưởng khác của việc trẻ thiếu ngủ:

  • Trẻ thậm chí có thể bị thiếu ngủ mãn tính, dẫn đến các cơn buồn ngủ vào ban ngày tăng dần và có hiện tượng muốn ngủ bù, ngủ rũ.
  • Cơ thể trẻ thậm chí có thể sinh ra các phản ứng chống đối với sự mệt mỏi bằng cách cố gắng giữ tỉnh táo hết mức có thể. Một số cách giữ tỉnh táo có thể gây hại cho trẻ như lạm dụng trà, cà phê, nước tăng lực...để kích thích não bộ tiết các hormone tự nhiên gây tỉnh táo như adrenaline.
  • Kể cả khi thiếu ngủ vào ban đêm và hoàn toàn tỉnh táo vào ban ngày, thì cơ thể trẻ cũng dễ kiệt sức, gây cáu kỉnh, căng thẳng và càng khó để quay về nhịp ngủ đúng vào ban đêm.

3. Ưu điểm của một giấc ngủ chất lượng

Ngược lại, nếu trẻ ngủ đủ giấc và có nhịp sinh học cân bằng, trẻ sẽ có các ưu điểm sau:

  • Trẻ ngủ ngon giấc sẽ có sự tập trung, chú ý và khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn.
  • Việc cải thiện giấc ngủ sẽ cải thiện đáng kể quan hệ bạn bè và các mối quan hệ xung quanh của trẻ.
  • Trẻ sẽ có sức khỏe tinh thần tốt hơn và hòa đồng, năng động, thích tham gia các hoạt động thể chất hơn.
  • Trẻ ngủ ngon hơn được nghiên cứu là có chỉ số thông minh cao hơn (áp dụng với mọi lứa tuổi).

Trẻ ngủ ngon giấc giúp nâng cao khả năng tập trung và trí nhớ
Trẻ ngủ ngon giấc giúp nâng cao khả năng tập trung và trí nhớ

4. Cách để tạo nên giấc ngủ lành mạnh cho trẻ

Nhìn chung, có giấc ngủ chất lượng sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thần kinh và là liều thuốc thích hợp để ngăn ngừa nhiều vấn đề về học tập và hành vi của trẻ. Để giúp trẻ ngủ ngon và phát triển cân bằng về mặt tinh thần lẫn thể chất, sẽ cần có các tiêu chí sau:

  • Ngủ đủ giấc (ngủ tối thiểu 8-9 tiếng mỗi ngày)
  • Giấc ngủ không bị gián đoạn bởi tác nhân bên ngoài.
  • Thường xuyên có giấc ngủ ngắn phù hợp với lứa tuổi.
  • Lịch đi ngủ đồng bộ với nhịp sinh học tự nhiên của trẻ.

Theo thời gian, nếu bất kỳ yếu tố nào bên trên không được đáp ứng thì các triệu chứng thiếu ngủ và các hậu quả liên quan có thể xảy ra. Là cha mẹ, các bậc phụ huynh có trách nhiệm theo dõi và bảo vệ giấc ngủ của con mình bằng các cách:

  • Nói với trẻ về tầm quan trọng và lợi ích của việc ngủ đủ giấc.
  • Khi nhắc con đi ngủ, hãy nói với giọng tích cực. Thay vì nói trẻ “phải đi ngủ”, hãy nói “đã đến giờ để con nghỉ ngơi”.
  • Tạo môi trường ngủ tối ưu cho con, ví dụ như phòng tối, không gian yên tĩnh và thoải mái, nệm gối êm ái, sạch sẽ sẽ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
  • Trẻ dưới 13 tuổi không nên được tiếp cận với mạng xã hội và thiết bị điện tử quá thường xuyên, đặc biệt là trước giờ đi ngủ. Cha mẹ nên giới hạn thời gian dùng thiết bị di động của trẻ và lần cuối sử dụng nên cách lúc đi ngủ tối thiểu 1 tiếng.
  • Không nên để phòng ngủ của trẻ có màn hình tivi hay các thiết bị điện tử khác gây xao nhãng giấc ngủ.

Ngoài ra cách tốt để trẻ có thói quen ngủ lành mạnh là được sống trong môi trường gia đình có nhịp sinh hoạt ăn, ngủ nghỉ cân bằng. Trẻ sẽ được học cách quan tâm đến sức khỏe, nếp ngủ thông qua tấm gương từ chính cha mẹ, ông bà...Việc dạy trẻ thấm nhuần những thói quen tốt sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc sửa chữa những thói quen xấu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:Webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe