Cha mẹ đều biết ở mỗi giai đoạn trẻ lại có những sự phát triển tâm lý khác nhau dù là bé trai hay bé gái. Vì thế, việc hiểu các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi sẽ giúp cha mẹ biết được đâu là hướng dạy con phù hợp nhất từ đó giúp bé được phát triển toàn diện hơn.
1. Giai đoạn trẻ từ 0-3 tuổi
Ngay từ khi sinh ra trẻ đã có sự thay đổi môi trường từ trong bào thai ra bên ngoài với nhiều biến đổi như ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh... nên trong thời điểm này con cần được thỏa mãn nhu cầu bản năng như: ăn, ngủ, sinh hoạt. Khi đáp ứng tốt những vấn trên, con sẽ thoải mái, ít cáu kỉnh và tâm trạng cũng vui vẻ hơn.
Lớn hơn một chút trẻ bắt đầu nhận biết và tìm hiểu về thế giới quanh mình, con đã bắt đầu hiểu người lớn đang nói gì và giao tiếp với cha mẹ bằng những biểu cảm trên khuôn mặt, những câu nói ê, a. Ví dụ như cha mẹ nói yêu con, con sẽ có biểu hiện mỉm cười, hay vui mừng khi được cho đồ ăn, đồ chơi. Ngược lại con khóc và khó chịu khi có một điều gì đó khiến con không vừa ý. Có thể nói trong giai đoạn này sự phát triển tâm lý trẻ em bị ảnh hưởng và tác động rất nhiều bởi yếu tố môi trường sống xung quanh.
2. Giai đoạn trẻ từ 3- 6 tuổi
Giai đoạn 3 - 6 tuổi con biết nhiều thứ hơn và bắt đầu đặt những câu hỏi tại sao cho cha mẹ hay người lớn. Lúc này vốn ngôn ngữ, khả năng tư duy, sự nhạy bén của trẻ cũng phát triển vượt bậc. Về vấn đề tâm lý, con đã biết nói có, không, thể hiện sự yêu thích rõ ràng trước một vấn đề nào đó.
Nhiều cha mẹ còn cho biết, con trong giai đoạn từ 3-6 tuổi rất bướng bỉnh, khó bảo và hay ăn vạ người lớn. Nguyên nhân lý giải cho điều này bởi, thời điểm này cái tôi của trẻ được hình thành, con muốn được cha me, mọi người ghi nhận và đối xử với con như mọi người lớn trong gia đình.
Trẻ từ 3- 6 tuổi cũng là lúc con gặp nhiều khủng hoảng về mặt tâm lý, vì thế cha mẹ cần hết sức khéo léo, từ tốn trong việc dạy con. Tránh đánh mắng, quát nạt hay có những lời nói khiến trẻ bị tổn thương.
3. Giai đoạn từ 6 trên 11 tuổi
Từ 6 trên 11 tuổi là lúc con bước vào quá trình học tập nhiều hơn nên đây cũng được coi là các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi mà cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm con. Bởi mọi suy nghĩ, tính cách, hành động của con phần nào bị ảnh hưởng bởi bạn bè, môi trường học tập cùng những áp lực mà trẻ phải đối diện hàng ngày.
Giai đoạn này nhân cách của bé được hình thành với những nếp sống, thói quen, những hành vi có ý thức, tự khép mình vào quy tắc xã hội. Cha mẹ luôn cần dành nhiều thời gian ở bên con để có thể sát sao, hướng dẫn đưa ra những lời khuyên cũng như định hướng con trong quá trình học tập, sinh hoạt và cả những mối quan hệ xung quanh.
11 tuổi con đã có nhiều mối quan hệ bạn bè ở cả đời thực và trên mạng xã hội, lúc này tư duy của con vốn còn khá non nớt nên nhiều trẻ chưa thể biết đánh giá đâu là đúng, đâu là sai, cái nào nên làm và không nên làm. Vì thế cha mẹ luôn phải đồng hành, chia sẻ cùng con như một người bạn về mọi khía cạnh trong cuộc sống. Có như thế cha mẹ mới thật sự hiểu con mình cần gì và trẻ đang cảm thấy như thế nào để từ đó có những phương pháp giáo dục cho phù hợp.
4. Giai đoạn từ 11 đến 16 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ dậy thì vì thế trong vấn đề tâm sinh lý con có rất nhiều những thay đổi. Con thường nhạy cảm hơn, biết rung động trước người khác giới và bắt đầu có những điều thầm kín không muốn chia sẻ cùng ai, kể cả cha mẹ. Bé gái chú ý nhiều đến hình thức bên ngoài, còn bé trai muốn chứng minh sức mạnh của mình. Nguyên nhân của những thay đổi trong tâm lý là do sự hoạt động của hệ nội tiết và đáng chú ý nhất đó là sự phát dục. Các đặc điểm sinh dục phát triển, tuyến sinh dục hoạt động nên tính cách của trẻ cũng phần nào có sự ảnh hưởng nhất định.
Tầm tuổi này bé cũng rất nhạy cảm với những đánh giá của mọi người xung quanh. Những điều này vô tình có thể khiến bé trở nên tự tin trong cuộc sống hoặc cũng có thể khiến con tự ti, rụt rè trước đám đông. Vì thế, cha mẹ nên tạo dựng cho con tính cách độc lập, tư vấn và hỗ trợ con một vài vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Bởi dù ở giai đoạn nào của cuộc đời trẻ cũng cần có một chỗ dựa về mặt tinh thần để con có thể yên tâm và phát huy những thế mạnh của bản thân.
Cũng ở lứa tuổi vị thành niên này, bố mẹ, thầy cô, người lớn nên hết sức tế nhị, trong việc giao tiếp và thái độ ứng xử với trẻ, bởi tầm tuổi này con thường gặp những vấn đề về rối loạn trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi chống đối xã hội, rối loạn thích ứng.
Tóm lại thấu hiểu tâm lý của con chưa bao giờ là điều dễ dàng với cha mẹ. Bởi việc dạy con như thế nào cho đúng và tốt nhất luôn cần dựa vào tính cách, môi trường sống, lứa tuổi và quan trọng hơn cả luôn là sự thấu hiểu của cha mẹ dành cho con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.