Dậy thì là lứa tuổi có những bất thường trong tính cách, hành vi. Khi thiếu niên có những biểu hiện không tích cực thì có thể đây là bắt đầu của bệnh trầm cảm tuổi dậy thì. Vậy dấu hiệu trầm cảm ở trẻ thanh thiếu niên là gì? Làm thế nào để có thể hỗ trợ trẻ trở lại với nhịp sống sinh hoạt bình thường?
1. Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Người bệnh luôn buồn rầu, giảm các hứng thú, sút cân, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, không thích hoạt động. Nặng hơn, người bệnh có ý nghĩ mình phạm tội lỗi, thấy bản thân không xứng đáng và có thể dẫn tới hành vi tự sát.
2. Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, trầm cảm ở trẻ vị thành niên sẽ biểu hiện một số hoặc bao gồm tất cả các triệu chứng:
- Thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc bực bội, khó chịu, hoặc đôi khi cảm thấy đầu óc trống rỗng
- Giảm hoặc mất quan tâm, hứng thú trong công việc và sinh hoạt mà trước đây là sở thích
- Ăn nhiều hơn hoặc ít hẳn đi, ăn không ngon
- Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, ngủ gián đoạn, thức giấc sớm hoặc ngủ nhiều.
- Lo lắng nhiều một cách vô cớ
- Cảm thấy mình không xứng đáng, mất tự tin hoặc thấy mình là gánh nặng cho những người xung quanh
- Giảm hoặc mất khả năng tập trung, khó khăn khi quyết định công việc
- Giảm hoặc mất trí nhớ.
- Mệt mỏi hoặc mất sinh lực, thấy khó khăn ngay cả với việc đơn giản
- Có ý nghĩ không muốn sống
- Rối loạn cơ thể: Đau đầu, đau bụng, nhức mỏi, buồn nôn... thường xuyên.
- Đặc biệt, ở giai đoạn vị thành niên và thanh thiếu niên hay có trạng thái cảm xúc đặc trưng là có ý nghĩ mình vô dụng, có ý nghĩ và hành vi tự xâm hại bản thân, ý nghĩ tự sát, tự tử
Những biểu hiện này nếu kéo dài trên 2 tuần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
3. Gia đình giúp con vượt qua trầm cảm như thế nào?
- Cha mẹ cùng quan tâm chia sẻ, làm bạn với con dù trẻ ở bất cứ lứa tuổi nào bằng cách lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Đặc biệt là các khó khăn trẻ có thể đã gặp phải ở trường học, trong các mối quan hệ bạn bè.
- Chia sẻ và cùng trẻ thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống
- Sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, không đặt ra nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.
- Đối với trẻ, nhất là ở giai đoạn dậy thì - khi có sự thay đổi về hormone tâm sinh lý cũng thay đổi theo và rất dễ gặp phải các khó khăn tâm lý như: Lo âu, trầm cảm, kém tự tin, giảm tự trọng, rối loạn hành vi,... Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến từng các biểu hiện nhỏ của trẻ như: Ngủ muộn, mất ngủ, chán ăn, uể oải, mệt mỏi, hay tức giận, buồn bực, lầm lì ít nói, lười vệ sinh cơ thể, không thích đi ra khỏi nhà, giảm hoặc mất các hứng thú trước đây vẫn làm,... và những thay đổi nhỏ của trẻ để có hướng xử lý kịp thời.
Khi vấn đề của con trở nên khó khăn, cần gợi ý trẻ tìm đến các bác sĩ tâm thần để được thăm khám và đến với các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và trị liệu cho trẻ.
Phòng khám Y học tái tạo và trị liệu tế bào – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang có chức năng khám, tư vấn, điều trị ngoại trú các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần; kết hợp tâm lý giáo dục trị liệu đa chuyên ngành cho trẻ chậm nói, tự kỷ, chậm phát triển, tăng động, trầm cảm, lo âu,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.