Rau xanh góp phần cung cấp năng lượng cho trẻ, chống lại các bệnh mãn tính về sau. Hầu hết trẻ lười ăn rau vì không thích vị đắng hoặc chua của rau. Cách tốt nhất để giúp trẻ ăn nhiều rau là cha mẹ nên ăn rau và làm tấm gương tốt cho con.
1. Ăn rau quan trọng như thế nào đối với trẻ em?
Rau là một loại thực phẩm cung cấp năng lượng, đa dạng các loại vitamin, dồi dào chất xơ và nhiều nước. Chúng giúp bảo vệ con chống lại các bệnh lý mãn tính có thể gặp phải sau này trong cuộc sống, bao gồm bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Chính vì thế, một chế độ ăn nhiều rau và nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm chính khác rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
Các bác sĩ dinh dưỡng nhi khoa đã khuyến nghị rằng trẻ em ở từng độ tuổi cần ăn một lượng rau mỗi ngày như sau:
- 1-2 tuổi nên có 2 khẩu phần rau mỗi ngày;
- 2-3 tuổi nên có 2 đến 3 khẩu phần rau mỗi ngày;
- 4-8 tuổi nên có đủ khẩu phần rau trong mỗi bữa ăn.
Nếu thấy con không ăn đủ rau, điều quan trọng là cha mẹ phải tiếp tục khuyến khích con. Nếu cha mẹ giúp trẻ phát triển thói quen ăn uống lành mạnh ngay bây giờ với đa dạng các loại rau xanh, trẻ sẽ thiết lập những thói quen bền vững cho cuộc sống về sau.
2. Vậy tại sao trẻ lười ăn rau?
Dưới đây là một số giải thích về việc bé không ăn rau:
- Sợ thức ăn: Các loại rau xanh rất đa dạng. Bé không ăn rau thường là do sợ thức ăn mới hoặc chưa biết rõ, còn được gọi là chứng sợ thức ăn, một hành vi tự nhiên thường thấy ở trẻ mới biết đi và hành vi này đạt đến đỉnh điểm khi trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Hơn nữa, khi vào lứa tuổi này, trẻ đang từng bước chủ động tính độc lập của mình trong việc lựa chọn thức ăn theo khẩu vị riêng. Do đó, sự kết hợp của hai yếu tố này thường dẫn đến “cuộc chiến” trong giờ ăn tối giữa cha mẹ và con cái.
- Hương vị không thể trộn lẫn: Một lý do khiến trẻ không ăn rau rất có thể vì vị của rau rất đắng. Cơ sở của vị đắng trong rau tạo nên là do thành phần nguyên tố canxi và các chất dinh dưỡng thực vật tự nhiên. Chất dinh dưỡng thực vật là một thuật ngữ bao trùm để chỉ các phenol và polyphenol có nguồn gốc thực vật, flavonoid, isoflavone, tecpen và glucosinolate cũng như là thành phần hóa học tự bảo vệ của thực vật. Tầm quan trọng của các chất dinh dưỡng thực vật và lợi ích của nó cũng có ý nghĩa đối với sức khỏe của con người.
- Tập làm quen: Như đã đề cập, con người thường có ác cảm bẩm sinh với các loại thực phẩm có vị chua và đắng, vậy tại sao khi lớn lên, mọi người vẫn ăn được và thích thú với bông cải xanh, cải xoăn, quả chanh, cam và những thứ tương tự? Điều này có phải là do vị giác của con người đã thay đổi trong quá trình phát triển không? Câu trả lời là không. Đó là bởi vì thời gian trôi qua, mọi người đã dần thích những thức ăn có vị chua và đắng này. Đúng là sẽ khó ăn rau vào lần đầu tiên, đặc biệt nếu nó không phải là mùi vị dễ chịu. Nhưng nếu tiếp xúc nhiều lần, vị giác sẽ tập làm quen.
Bé không ăn rau thường vì những lý do trên. Do đó, trẻ em thường sẽ cần ít nhất 10 đến 15 lần tiếp xúc (lặp đi lặp lại) với một loại thức ăn mới trước khi thực sự chấp nhận nó.
3. Bé không ăn rau, mẹ phải làm sao?
3.1. Cha mẹ cần làm gương khi trẻ lười ăn rau
Con cái sẽ học hỏi về sự lựa chọn thực phẩm từ cha mẹ. Vì vậy, cách tốt nhất để khuyến khích trẻ ăn rau là để trẻ nhìn thấy cha mẹ tự chọn thực đơn rau xanh và thưởng thức đa dạng các loại một cách ngon lành.
Bởi vì bữa ăn gia đình là thời điểm tốt để dạy trẻ về cách ăn uống lành mạnh, bao gồm cả ăn rau. Các món ăn thông thường trong mọi gia đình như món xào, canh súp, cà ri, thịt nướng và mì ống đều có hương vị tuyệt vời với nhiều rau củ hơn. Một bát salad tươi mát bên cạnh cũng là một lựa chọn nhanh chóng cho bữa phụ và rất ngon miệng.
Nếu trẻ nhìn thấy cha mẹ và anh chị em của chúng chọn đầy rau xanh vào đĩa để thưởng thức, trẻ có thể cũng muốn làm như vậy.
3.2. Kiên nhẫn giới thiệu rau cho trẻ
Trẻ không thích một số loại rau khi lần đầu tiên nếm là điều bình thường. Như vậy, nếu trẻ không thích một loại rau cụ thể, hãy thử cho trẻ ăn một lượng nhỏ loại rau đó cùng với một loại thực phẩm lành mạnh khác mà trẻ thích. Đồng thời, cũng nên khuyến khích trẻ ăn thử và nếm các loại rau củ khác nhau.
Sau nhiều lần lặp đi lặp lại, trẻ có thể sẽ thay đổi quan điểm về rau củ. Một số trẻ cần thử một loại thức ăn mới đến 10 lần trước khi chúng chấp nhận và 10 lần nữa trước khi chúng quyết định thích món đó.
3.3. Dùng lời khen khi trẻ ăn thử rau
Nếu cha mẹ khen trẻ mỗi lần trẻ ăn hoặc ăn thử rau, trẻ sẽ có nhiều khả năng ăn lại rau hơn. Khen ngợi có hiệu quả tốt nhất khi cha mẹ nói với con chính xác những gì con đã làm tốt. Tuy vậy, cần nhớ mục đích đạt được là khuyến khích trẻ ăn rau vì chính bản thân trẻ thích chứ không phải vì trẻ muốn cha mẹ khen ngợi và nhận phần thưởng.
Ngược lại, các hình thức phạt hay trách mắng nếu bé không ăn rau có thể biến rau thành một món tiêu cực đối với trẻ. Như vậy, nếu trẻ lười ăn rau trong bữa ăn này, đừng quát mắng hay đánh trẻ mà hãy thử lại vào lần khác.
3.4. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia nấu ăn với rau
Khi trẻ được tham gia vào việc bếp núc của cha mẹ, từ bước lựa chọn các loại thực phẩm cần chuẩn bị và chế biến các món ăn gia đình với rau xanh, trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi tận hưởng thành quả của mình hơn.
Ví dụ, cha mẹ có thể để con mình:
- Chọn rau cho các bữa ăn khi đi mua sắm
- Cho rau đã sơ chế vào nồi hoặc chảo để chế biến
- Sắp xếp ớt chuông, cà chua và nấm thái lát trên đế bánh pizza
- Rửa sạch và vò lá xà lách.
- Trẻ lớn hơn có thể giúp bào hoặc cắt rau khi cha mẹ cảm thấy chúng có thể cầm các dụng cụ nhà bếp sắc bén hơn một cách an toàn.
3.5. Chọn rau như một món ăn vặt
Rau củ hoàn toàn có thể trở thành một món ăn nhẹ tuyệt vời. Nếu cha mẹ dự trữ nhiều rau cho bữa ăn nhẹ và hạn chế đồ ăn vặt không lành mạnh trong nhà, trẻ sẽ có nhiều khả năng chọn rau khi đói.
Dưới đây là một số cách thức chuẩn bị thức ăn nhẹ bằng rau:
- Giữ một hộp rau cắt nhỏ, chẳng hạn như dưa chuột, cà rốt hoặc ớt chuông trong tủ lạnh để trẻ lấy ăn khi thích;
- Cho trẻ lớn hơn ăn đậu Hà Lan đông lạnh, nhưng lưu ý rằng chúng có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ nhỏ hơn;
- Phục vụ những que rau nhiều màu sắc với đồ nhúng, như sữa chua tự nhiên, pho mát hoặc bánh mì nguyên cám.
3.6. Tìm nhiều loại rau với nhiều hương vị
Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tìm hiểu nhiều loại rau khác nhau, trẻ sẽ dễ dàng tìm thấy chúng thích thú với loại nào. Nếu cha mẹ chế biến rau mới cùng với thức ăn mà con thích thì toàn bộ trọng tâm của bữa ăn không phải là rau mới, trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn.
Hãy nhớ rằng hương vị rất quan trọng. Ví dụ, cha mẹ nấu nướng các loại rau cùng những nguyên liệu, kết hợp gia vị thơm ngon có thể sẽ hấp dẫn trẻ ăn hơn là những miếng rau hấp đơn điệu.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể bày trò cho trẻ vui chơi với rau củ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Đôi khi trẻ có thể thích phụ làm những việc đơn giản với rau như nhặt rau, rửa hay trình bày ra đĩa.
3.7. Thường xuyên đưa rau vào bữa ăn của trẻ theo những cách khác nhau
Trước mắt, cha mẹ có thể “ngụy trang” rau củ trong những thực phẩm trẻ thường thích ăn. Ví dụ, cha mẹ có thể cho bé ăn rau xay nhuyễn hoặc bào vào nước sốt mì ống hay súp.
Tuy nhiên, điều này sẽ không thay đổi hành vi và suy nghĩ của trẻ về các loại rau lâu dài, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ phải thường xuyên cho trẻ ăn rau ở dạng ban đầu. Khi cha mẹ làm điều này, trẻ sẽ có cơ hội nhận diện được loại mà chúng yêu thích và sẽ tích cực lựa chọn rau xanh cho các bữa ăn tiếp theo.
Tóm lại, khi bé không ăn rau, điều này sẽ không còn là sự thách thức đối với cha mẹ nếu biết các cách khắc phục nêu trên. Luôn nhớ rằng mỗi bữa ăn của trẻ là một sự trải nghiệm đầu tiên đầy mới mẻ, khi các bữa ăn gia đình thường xuyên đầy đủ nhiều loại rau đa dạng với màu sắc và hương vị hấp dẫn, tình trạng trẻ lười ăn rau sẽ mau chóng cải thiện.
Nguồn tham khảo: carlsbadfoodtours.com, yourkidstable.com, family-medicine.ca, raisingchildren.net.au