Bé 7 tháng thì ăn được bao nhiêu ml cháo mới đủ? Là câu hỏi đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm hiện nay. Vấn đề bé 7 tháng ăn bao nhiêu ml cháo sẽ giúp cho mẹ xây dựng thực đơn cho trẻ hiệu quả nhằm hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện nhất về thể chất và trí tuệ. Hãy tìm hiểu lượng cháo cho bé khi 7 tháng và lưu ý khi chế biến cháo cho trẻ thông qua bài viết sau đây.
1. Trẻ 7 tháng sẽ ăn được bao nhiêu ml cháo?
Sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất với giai đoạn trẻ được 7 tháng. Nếu đã quay trở lại với công việc thì mẹ có thể cho bé uống thêm sữa công thức. Trẻ ăn dặm thời điểm này sẽ chỉ đóng vai trò như bổ sung dinh dưỡng nhưng với số lượng rất ít. Đối với trẻ 7 tháng, sữa mẹ (sữa công thức) vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính. Trẻ 7 tháng tuổi vẫn nên duy trì được chế độ ăn cháo bột hoặc xay nhuyễn. Những món ăn dạng này vừa dễ nuốt lại vừa cung cấp cho trẻ đầy đủ vitamin A, vitamin C, chất xơ, carbohydrate, protein và đạm- những nhóm chất cần thiết. Qua đó đảm bảo được sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh của bé giai đoạn con đang lớn.
Như vậy, về nguyên tắc thì mẹ nên tập cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Trong những bữa đầu thì có thể bé chỉ ăn được 1 hay 2 thìa cà phê thức ăn. Nếu bé tỏ ra háo hức thì trong những lần tiếp theo mẹ có thể phải tăng dần lượng thực phẩm. Cho tới khi bé ăn được khoảng từ 50 -100 ml/ lần. Khi lượng thức ăn dặm được tăng dần, bé sẽ bú hoặc uống ít sữa hơn. Tuy nhiên, sữa mẹ hoặc sữa công thức thì vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé trong suốt năm đầu đời. Đối với trẻ 1 tuổi, sữa vẫn nên chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn.
Vì thế, lời giải hợp lý nhất cho câu hỏi “Bé 7 tháng ăn bao nhiêu ml cháo?” là 100 – 200ml/bữa/ngày. Mẹ cũng cần phải lưu ý chuẩn bị cháo, bột từ loãng đến sền sệt rồi đặc. Thức ăn thì cũng cần xay hoặc nghiền nhỏ.
2. Cho trẻ 7 tháng ăn dặm như thế nào mới là đúng?
Một trong những điều mà cha mẹ cần phải lưu ý khi cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm đó là trẻ cần phải đảm bảo vẫn nhận được đủ lượng sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) trong một ngày. Thực chất, việc ăn dặm trong giai đoạn này cũng mới chỉ là để tập luyện dần, còn nguồn dinh dưỡng chủ yếu mà con có được vẫn là từ sữa. Vì vậy, trong thời điểm bé 7 tháng tuổi thì mẹ cần đảm bảo bổ sung cho trẻ:
- 5 cữ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tương đương từ 770 - 950ml sữa trên ngày
- Uống khoảng 60 - 120ml nước lọc, nước ép trái cây (không thay thế hoàn toàn nước lọc bằng nước ép trái cây).
- Bé cần ăn từ 2 đến 3 phần ngũ cốc cho các loại hạt (1 phần = 1 - 2 thìa canh) và 2 phần trái cây (1 phần trái cây = 2 đến 3 thìa canh).
- 2 đến 3 phần rau (1 phần bằng 2 - 3 thìa canh)
- 1 - 2 khẩu phần có chứa protein (1 phần = 1 - 2 thìa canh).
Các khẩu phần ngũ cốc, rau, protein sẽ kết hợp thành các món cháo hoặc bột cho bé ăn dặm. Bé 7 tháng ăn dặm đa dạng thực phẩm với các loại thịt lợn, gà, bò, trứng, cá, các loại rau củ sẽ gồm: rau ngót, rau cải, rau dền và các loại củ quả như khoai tây, khoai lang, bí ngô...
Mặt khác, các mẹ cũng nên chú ý quan sát xem con yêu của bạn có hứng thú với loại thực phẩm nào để bổ sung kịp thời cho bé. Nếu cho con ăn những món hợp khẩu vị thì bé sẽ thích thú và ăn nhiều hơn. Hãy cho trẻ bắt đầu ăn dặm từ từ và cho trẻ 1 khoảng thời gian để có thể thưởng thức và khám phá những món ăn.
Thời gian ăn dặm của bé cũng nên được xây dựng theo 1 chuẩn chung và áp dụng thống nhất đúng giờ hàng ngày. Việc cho bé sinh hoạt, ăn uống đúng bữa, đúng giờ sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bé hoạt động ổn định hơn, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Mẹ có thể tham khảo thời gian ăn của bé dưới đây:
- 6h sáng: cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức
- 9h sáng: ăn cháo hoặc bột
- 10h sáng: ăn trái cây
- 11h trưa: cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức
- 14h chiều: cho trẻ ăn cháo hoặc bột ăn dặm
- 16h chiều: uống nước trái cây
- 18h tối: cho trẻ ăn cháo hoặc bột ăn dặm
- Sau 19h cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức theo nhu cầu.
Đồng thời, cha mẹ cũng đừng nên lo lắng nếu trẻ 7 tháng tuổi biếng ăn nhé. Và cũng không nên bắt bé cần phải tuân theo bất kì một lịch ăn uống cụ thể nào. Trẻ sẽ được tự do ăn tới khi nào cần và nếu bé có những dấu hiệu không muốn ăn nữa thì mẹ nên dừng lại ngay.
Khi cho con ăn dặm thì cha mẹ nên chú ý quan sát thật kỹ những dấu hiệu của trẻ. Nếu như bé cố rướn tới cái thìa mẹ đang cầm hoặc há miệng to tức là bé cũng đang muốn ăn thêm.
Trong trường hợp trẻ quay đầu, lắc đầu và ngậm chặt miệng hoặc quấy khóc khi mẹ cho ăn thì có nghĩa là chúng thực sự không muốn ăn nữa. Cha mẹ cũng đừng bận tâm lo lắng nếu trẻ không ăn hết lượng thức ăn đã chuẩn bị sẵn và cũng không nên ép trẻ phải “ăn cố thêm một miếng nữa” khi mà trẻ đã muốn dừng lại nhé.
3. Bé 7 tháng sẽ ăn bao nhiêu gram thịt?
Mẹ hãy bắt đầu tạo thói quen ăn thịt cho bé bằng cách là bổ sung các loại thịt đỏ hoặc gan động vật vì những loại này chứa rất nhiều sắt. Nếu như thịt heo có thể cho bé ăn dặm khi được 6 tháng thì mẹ có thể phải đợi đến khi con 7 tháng mới nên cho con ăn thịt bò.
Đối với thịt gà cũng vậy, thực phẩm này có chứa rất nhiều protein nên những bé 7-8 tháng tuổi trở lên khi hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện hơn mới nên cho con ăn. Khi mẹ cho con ăn thịt bò và gà quá sớm sẽ khiến cho bé bị đầy hơi, chướng bụng và khó hấp thụ hết protein trong đó sẽ dẫn đến mắc một số các bệnh về đường ruột.
Khi bé mới bắt đầu ăn dặm thì mẹ hãy xay nhuyễn thịt và nấu dưới dạng bột. Đợi cho đến khi trẻ được 9 tháng tuổi thì mẹ có thể viên thịt thành những viên nhỏ cho trẻ ăn.
Giai đoạn bé được 6 từ 9 tháng tuổi, mẹ hãy cho bé ăn 30 gram thịt mỗi ngày. Khi bé được 10 từ 12 tháng tuổi, bé có thể cho bé ăn 50 gram thịt mỗi ngày. Thời điểm này thì bé cũng đã có thể nhai nên mẹ có thể viên hoặc thái mỏng để tập phản xạ nhai nuốt cho con.
Khi bé được 1 tuổi trở lên thì mẹ nên tăng cường lượng thịt trong mỗi bữa ăn của bé như mỗi ngày có thể bổ sung 75 gram thịt, thêm cá và trứng để có đủ đạm đối với bé.
Mặc dù đây chính là thực phẩm dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển cơ thể của bé nhưng mẹ cũng không nên lạm dụng cho bé ăn quá nhiều thịt vì bổ sung quá nhiều một chất sẽ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng. Thêm vào đó, các loại thịt đỏ như thịt heo và thịt bò đều có chứa nhiều axit béo bão hòa, ăn nhiều nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao và làm cho quá trình trao đổi chất quá nhanh gây nên tác hại không nhỏ.
Vì vậy, mẹ nên kết hợp thịt với các loại củ quả và rau xanh để có thể cân bằng được các dưỡng chất trong cơ thể thì con mới phát triển được toàn diện.
4. Các món cháo cho trẻ 7 tháng tuổi
4.1. Cách nấu cháo tôm bí đỏ
Nguyên liệu
- 2 con tôm tươi
- 20g gạo tẻ
- 1 miếng bí đỏ
- Dầu olive
Cách nấu:
Bước 1: Tôm tươi mới mua về được cắt đầu, đuôi, bóc vỏ, rút phần chỉ đen dọc sống lưng, rửa thật sạch, chần nhanh qua nước sôi, sau đó xay thật nhuyễn. Đối với cách này sẽ giúp bé làm quen trước với món tôm, vì nếu không làm kỹ sẽ khiến bé bị đau bụng và đi ngoài.
Bước 2: Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, đem thái nhỏ và xay nhuyễn. Gạo tẻ vo sạch và ngâm nước khoảng 40 phút để gạo nhuyễn hạt.
Bước 3: Bắc nồi lên bếp, đổ gạo vào cùng một lượng nước vừa đủ và đun nhỏ lửa để cháo nhừ. Khi cháo chín thì cho vào tôm ít nước đánh ta và cho vào nồi cháo, vừa cho vừa khuấy đều để tôm không bị vón cục.
Bước 4: Cuối cùng, thả bí đỏ vào đun thêm một lúc nữa cho đến khi bí chín thì mẹ tắt bếp. Mẹ có thể sử dụng rây mắt to rây khi cháo còn nóng, rây xong cho bé dùng khi vừa ấm.
4.2. Cách nấu cháo cá hồi
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 10g lá rau ngót
- 20g cá hồi phi
- 30g gạo tẻ
- 250ml nước lọc
- Dầu ăn cho bé
Cách nấu:
Bước 1: Đem cá hồi rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó cho vào nồi luộc chín. Sau đó vớt cá ra rồi tán nhuyễn.
Bước 2: Rau ngót rửa sạch rồi cho vào nồi cùng với 1 xí nước luộc chín. Rau chín cho cả rau và cả nước vào máy xay xay nhuyễn.
Bước 3: Gạo vo sạch rồi cho vào nồi, sau đó thêm 250ml nước nấu thành cháo chín nhừ (tỷ lệ 1: 7)
Bước 4: Cháo chín nhừ cho cá hồi vào tán nhuyễn vào nấu cùng thêm vài phút cho cháo và cá chín nhừ. Tiếp đến là cho rau ngót xay nhuyễn vào nấu cùng, khuấy đều tay nấu thêm 2 - 3 phút nữa là được. Tắt bếp rồi đổ cháo ra bát.
Khi cháo cá hồi nguội bớt thì cho thêm xíu dầu ăn cho bé và cho bé ăn khi còn ấm nóng.
4.3. Cách nấu cháo thịt gà và cà rốt cho bé
Nguyên liệu:
Cách nấu:
Bước 1: Rửa sạch thịt gà, sau đó xay nhuyễn
Bước 2: Cà rốt thái nhỏ, xay nhuyễn, lọc lấy nước
Bước 3: Xào gà với 1 thìa cà phê dầu ăn.
Bước 4: Hòa bột gạo với nước lọc, khuấy đều cho tan bột rồi cho lên bếp đun lửa vừa, khuấy đều tay.
Bước 5: Cho hỗn hợp gà và cà rốt vào, khuấy đều tay cho đến khi cháo chín.
4.4. Món cháo ăn dặm thịt heo rau củ
Nguyên liệu:
- Gạo
- Củ cải
- Thịt lợn
- Cà chua
- Dầu ăn
Cách nấu:
Bước 1: Củ cải gọt vỏ và cắt nhỏ rồi đem luộc chín. Sau đó băm nhuyễn.
Bước 2: Rồi băm nhỏ thịt lợn với một chút hành trắng.
Bước 3: Cà chua đã được bỏ hạt, rửa sạch rồi băm nhỏ và xào lên. Sau đó, cho cà chua vào hỗn hợp nước dùng của củ cải và thịt băm nhỏ.
Bước 4: Gạo vo đem nấu chín cho tới khi sôi thì cho hỗn hợp thịt băm, cà rốt, cà chua vào và nấu tới sôi thì tắt bếp đị. Múc cháo ra bát và cho thêm 1,5 thìa dầu ăn và đợi cháo nguội bớt rồi cho bé ăn.
5. Những lưu ý về cách chăm sóc trẻ 7 tháng tuổi ăn dặm
Trước hết, bố mẹ hãy lựa một trong các loại thức ăn trên, sau đó cho trẻ nếm thử từng chút một. Nếu trẻ chịu ăn món nào thì hãy cho trẻ ăn tăng dần món đó từ ít đến nhiều.
Mẹ lưu ý nhé, tuyệt đối không cố gắng đút muỗng thức ăn quá sâu vào miệng của trẻ vì như vậy dễ gây nôn, ói và làm trẻ có cảm giác sợ hãi khi bị ép ăn. Bên cạnh đó thì trẻ cần từ 3 – 5 ngày để có thể làm quen với một loại thức ăn mới.
Nếu trẻ chống cự, quấy khóc, không chịu ăn và bố mẹ có thể dùng cách khác. Thay vì sử dụng muỗng cho ăn, bố mẹ hãy thử lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn đút vào miệng cho trẻ nuốt. Nếu vẫn không thành công, bạn hãy tạm lùi thời gian tập ăn lại khoảng 1-2 tuần, không nên cưỡng ép trẻ vì như vậy chỉ khiến trẻ càng biếng ăn hơn mà thôi.
Khi trẻ đã quen dần với một loại thức ăn thì bố mẹ hãy tập cho trẻ nếm thử loại mới cùng với cách tương tự như trên. Dần dần, khi trẻ đã quen với nhiều mùi vị món ăn thì mẹ cũng nên tăng dần độ đặc của thức ăn. Nếu mà trẻ có đi tiêu hơi lỏng, màu sắc có khác trước chút ít nhưng trẻ vẫn khỏe, vẫn chơi bình thường thì cũng yên tâm tiếp tục cho trẻ ăn theo dự định nhé.
Bố mẹ cũng chỉ nên tập cho trẻ ăn đủ lượng thức ăn trong mỗi bữa khi trẻ đã ăn giỏi. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc kéo dài từ 3 đến 5 ngày để cho trẻ làm quen dần với món ăn mới nhé. Đồng thời, bố mẹ cũng có thể phát hiện kịp thời loại thức ăn nào dẫn đến dị ứng cho trẻ để biết mà loại trừ.
Ngoài thực ăn dặm (ăn bổ sung), nếu chưa biết trẻ 7 tháng tuổi nên ăn gì thì cha mẹ nên cho trẻ uống thêm nước trái cây hoặc ăn các loại trái cây đã chín, tán nhuyễn. Bên cạnh đó, mẹ hãy nhớ chú ý duy trì việc cho trẻ bú sữa mẹ, khoảng 600-700ml/ 24h.
Mặt khác thì bố mẹ cũng không nên nêm cho gia vị vào thức ăn dặm để bảo vệ thận của bé. Khi nấu cháo, để đảm bảo độ đặc của cháo thì mẹ nên tuân theo tỉ lệ 1:7, tức là cứ 10g gạo thì cần đổ thêm 70ml nước. Bố mẹ nên nấu cháo cho trẻ với các loại thịt, cá, tôm, rau hoặc củ quả,... kết hợp với thay đổi cách chế biến thường xuyên để đa dạng bữa ăn và làm phong phú khẩu vị của bé.
Đừng quên nhóm chất béo (từ dầu ăn cho trẻ em) khi mẹ chế biến món ăn cho bé nhé. Hơn nữa, món trứng cho trẻ phải được nấu chín hoàn toàn và không để “lòng đào” vì có thể khiến đường ruột của bé bị nhiễm khuẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.