Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn phổ biến gây ra tình trạng hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau gồm da, khớp, thận, tim, phổi, não bộ và máu. Do đó, nâng cao hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?
Lupus ban đỏ được chia thành hai dạng chính: Lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Lupus ban đỏ hệ thống là căn bệnh tự miễn do hệ miễn dịch tấn công nhầm các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Tuy chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, việc chẩn đoán và điều trị sớm bằng các biện pháp phù hợp có thể giúp kiểm soát bệnh ngay từ đầu.
Lupus ban đỏ tấn công chủ yếu vào phụ nữ ở độ tuổi 15 đến 50, với tỷ lệ mắc bệnh là 50 người trên 100.000 dân. Cụ thể, thống kê cho thấy 90% bệnh nhân lupus ban đỏ là nữ giới.
2. Cơ chế gây bệnh
Hệ miễn dịch đóng vai trò là lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài như vi khuẩn, virus,... Tuy nhiên, ở những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác, hệ thống miễn dịch lại gặp trục trặc, mất khả năng phân biệt "lạ - quen". Hệ miễn dịch "lầm tưởng" các mô khỏe mạnh trong cơ thể là kẻ thù nên phản ứng, tạo kháng thể tấn công lại chính các tế bào này.
Khoa học hiện đại vẫn chưa thể hoàn toàn giải mã nguyên nhân dẫn đến lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng đây là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố. Một số yếu tố đóng vai trò quan trọng bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Người có anh chị em ruột mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường.
- Yếu tố môi trường: Bao gồm tác nhân nhiễm khuẩn, hóa chất và ánh nắng mặt trời.
- Yếu tố nội tiết: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Một số loại thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây ra các triệu chứng giống lupus, dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm. Việc sử dụng thuốc tránh thai cũng được cho là có thể khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm.
3. Biểu hiện của lupus ban đỏ
Lupus tấn công nhiều bộ phận trong cơ thể do đặc tính hệ thống của bệnh. Bệnh có thể bùng phát đột ngột hoặc diễn biến âm ỉ trong nhiều tháng, nhiều năm.
3.1 Biểu hiện ở da
Biểu hiện trên da là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lupus ban đỏ, các nốt phát ban nổi bất thường trên da xuất hiện ở hơn 75% bệnh nhân. Phát ban hình cánh bướm trên mặt là dấu hiệu đặc trưng nhất nhưng tổn thương cũng có thể xảy ra ở các vùng hở khác như cổ, bàn tay…
Các tổn thương da này rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và có thể teo đi ở phần giữa nếu không được điều trị kịp thời, tạo thành "hồng ban dạng đĩa". Một số trường hợp có thể xuất hiện các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc miệng và vùng hầu họng cũng có thể bị loét nhưng không đau. Bệnh nhân Lupus cũng thường gặp tình trạng tóc vàng, dễ gãy rụng.
Viêm mô mỡ do lupus ban đỏ có thể dẫn đến các nốt sưng dưới da, đôi khi được gọi là viêm mô mỡ lupus. Trên da, các tổn thương do viêm mạch thường biểu hiện dưới dạng nổi phát ban đỏ lấm chấm ở tay và ngón tay, mẩn đỏ quanh móng tay, tổn thương hoại tử nếp gấp móng, nổi mề đay và ban xuất huyết có thể sờ thấy.
3.2 Triệu chứng ở tim mạch
Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tương tự như viêm cơ tim hoặc viêm màng tim. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến suy tim.
3.3 Triệu chứng ở phổi
Viêm phổi và viêm màng phổi là những biến chứng phổ biến ở bệnh nhân lupus ban đỏ, có thể dẫn đến suy hô hấp nguy hiểm.
3.4 Triệu chứng ở khớp
Viêm khớp là một triệu chứng phổ biến của bệnh lupus ban đỏ (90% bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp, thường xuất hiện dưới dạng viêm đa khớp cấp tính), ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động và đi lại của người bệnh.
Hầu hết các trường hợp viêm khớp do bệnh lupus ban đỏ không phá hủy và gây biến dạng khớp. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể gặp biến dạng khớp do biến dạng lệch trục bên trụ khớp bàn ngón tay và khớp nóng tay hoặc viêm khớp Jaccoud mà không kèm theo bào mòn xương hay sụn.
Cần lưu ý rằng đau xơ cơ - một bệnh mạn tính phổ biến, có thể dễ bị nhầm lẫn với lupus ban đỏ do có các triệu chứng giống nhau như đau khớp ngoại vi, đau toàn thân và mệt mỏi.
3.5 Triệu chứng huyết học
Hầu hết bệnh nhân lupus ban đỏ đều gặp tình trạng thiếu máu từ nhẹ đến nặng, thể hiện qua các triệu chứng như da xanh, nhợt nhạt, môi tái và hạn chế khả năng vận động. Kết quả xét nghiệm huyết đồ cho thấy sự sụt giảm bất thường của cả ba dòng tế bào máu chính trong cơ thể: hồng cầu, bạch cầu (thường gặp nhất là giảm bạch cầu lympho, với < 1500 tế bào/mcL) và tiểu cầu.
3.6 Triệu chứng ở thận
Viêm thận do lupus là biến chứng phổ biến trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thuộc nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Tổn thương này có thể nhẹ và không biểu hiện triệu chứng nhưng cũng có thể tiến triển nặng, gây tử vong. Mức độ tổn thương đa dạng, từ viêm cầu thận cục bộ đến viêm cầu thận tăng sinh màng lan tỏa.
Bệnh nhân thường đến khám vì các triệu chứng như tiểu đục, tiểu máu, phù nề toàn thân, tăng huyết áp. Ở giai đoạn đầu, viêm thận do lupus dễ bị nhầm lẫn với viêm đường tiết niệu không triệu chứng. Xét nghiệm nước tiểu sẽ có dấu hiệu bất thường và trong một số trường hợp, sinh thiết thận có thể được chỉ định.
3.7 Vấn đề về tâm lý, thần kinh
Một số bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về thần kinh như rối loạn phương hướng, giảm nhận thức và mất trí nhớ. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội hoặc co giật toàn thân. Việc sử dụng corticoid liều cao và kéo dài có thể khiến các triệu chứng thần kinh này trở nên nặng nề hơn.
Thực tế trên lâm sàng, nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng không rõ ràng như sụt cân, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, sốt nhẹ kéo dài, tóc rụng, lở miệng lâu ngày và đau nhức các khớp nhỏ. Đáng chú ý, có không ít trường hợp chỉ đến khám vì đau mỏi cơ và rối loạn kinh nguyệt.
Triệu chứng của bệnh lupus thường xuất hiện theo từng đợt, bùng phát xen kẽ với giai đoạn thuyên giảm. Do có nhiều điểm tương đồng với các bệnh lý khác, việc chẩn đoán lupus thường gặp khó khăn và có thể mất vài năm kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
3.8 Biểu hiện sản khoa
Biểu hiện sản khoa bao gồm sảy thai ở giai đoạn sớm và muộn. Ở bệnh nhân có kháng thể kháng phospholipid, nguy cơ sảy thai tái phát tăng cao.
Mang thai hoàn toàn có thể xảy ra đối với phụ nữ mắc bệnh lupus ban đỏ, đặc biệt là sau khi bệnh đã lui hoàn toàn từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bệnh có xu hướng bùng phát trở lại trong thai kỳ, nhất là ở giai đoạn sau sinh. Do đó, thời điểm tốt nhất để mang thai là khi bệnh đã hoàn toàn lui và ổn định.
Phụ nữ mang thai có kháng thể SSA dương tính cần được theo dõi chặt chẽ bởi đội ngũ bác sĩ sản khoa nhằm theo dõi các dấu hiệu bùng phát bệnh lupus và nguy cơ xảy ra huyết khối. Siêu âm thai nên được thực hiện vào tuần 18 và 26 để tầm soát dị tật tim bẩm sinh.
4. Những biến chứng có thể xảy ra
Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có diễn biến phức tạp, thường xuyên tái phát thành từng đợt, mỗi đợt có thể nặng hơn đợt trước. Bệnh gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Mức độ tổn thương ở mỗi cơ quan sẽ tương ứng với các triệu chứng lâm sàng biểu hiện ra ngoài.
- Biến chứng tại tim: Lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn nguy cơ viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, hiếm gặp hơn thì có viêm động mạch vành, tổn thương van tim và viêm nội tâm mạc Libman-Sacks. Ngoài ra, xơ vữa động mạch tiến triển cũng là một biến chứng tim mạch đáng lo ngại ở bệnh nhân Lupus. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng suy tim mạn tính có thể xảy ra. Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp diễn biến cấp tính, dẫn đến viêm cơ tim cấp, suy tim cấp và thậm chí tử vong đột ngột do trụy mạch.
- Biến chứng tại phổi: Bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó thở, thậm chí suy hô hấp cấp do dịch hoặc viêm nhiễm tích tụ trong khoang màng phổi, bao quanh phổi. Một biến chứng nguy hiểm khác là xuất huyết phế nang lan tỏa. Tiên lượng của bệnh thường không tốt. Ngoài ra, bệnh còn có thể dẫn đến các biến chứng khác như tắc mạch phổi, tăng áp lực động mạch phổi và hội chứng phổi thu nhỏ.
- Biến chứng tại thận: Lupus tấn công cầu thận gây viêm cầu thận, dẫn đến tổn thương. Theo thời gian, tổn thương này có thể tiến triển thành suy thận.
- Biến chứng tại hệ thần kinh: Bệnh nhân có khả năng xuất hiện các cơn co giật và rối loạn tâm thần.
- Biến chứng tại hệ tạo máu: Lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu máu và xuất huyết. Thiếu máu kéo dài dẫn đến suy giảm hoạt động của các hệ cơ quan, trong khi xuất huyết làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu và tiềm ẩn nguy cơ tử vong do xuất huyết não, chèn ép não.
Thuốc ức chế miễn dịch, vốn đóng vai trò quan trọng trong điều trị lupus ban đỏ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Hệ miễn dịch suy yếu do tác dụng của thuốc khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh. Nguy hiểm hơn, nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra, đưa bệnh nhân vào tình trạng sốc và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
5. Bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Câu trả lời cho bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu rất khác nhau, dao động từ vài tháng đến nhiều năm như người bình thường.
Trước đây, lupus ban đỏ là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, chỉ 50% bệnh nhân sống quá 4 năm sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong y khoa suốt hơn 2 thập kỷ qua, hiện nay hơn 95% người mắc bệnh lupus có thể sống hơn 10 năm, thậm chí đạt được tuổi thọ như người khoẻ mạnh.
Tỷ lệ sống của bệnh nhân lupus ban đỏ được cải thiện nhờ vào:
- Phân loại bệnh nhân chính xác hơn.
- Chẩn đoán sớm.
- Thuốc mới hiệu quả.
- Các phương pháp điều trị hiệu quả cho các biến chứng như tăng huyết áp, nhiễm trùng và suy thận giúp cải thiện tuổi thọ cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KIM MIỄN KHANG
Dùng cho người bị vảy nến, lupus ban đỏ do tự miễn
- Giúp tăng cường miễn dịch trong các bệnh tự miễn như vảy nến, lupus ban đỏ, bạch biến.
- Hỗ trợ giảm nguy cơ tiến triển các triệu chứng ngứa, bong vảy do bệnh tự miễn.
BV Da liễu Trung ương chứng minh Kim Miễn Khang giúp: 80,5% người mắc vảy nến sạch tổn thương (viêm ngứa, dày sừng, bong tróc da), giảm mức độ vảy nến từ nặng sang nhẹ mà không gặp tác dụng phụ.(*)
Thành phần: Cao Sói rừng, cao Nhàu, cao Bạch thược, cao Hoàng bá, cao Thổ phục linh, L-Carnitine fumarate, chiết xuất Nhũ hương, Boron.
Đối tượng dùng: Người bị bệnh tự miễn như vảy nến, lupus ban đỏ, bạch biến.
Tiếp thị và phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu.
Thông tin chi tiết về sản phẩm TẠI ĐÂY
(XNQC: 1077/2020/ATTP-XNQC)
*Sản phẩm có bán tại các nhà thuốc trên toàn quốc.
*Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
(*) Kết quả nghiên cứu công bố trong bài viết của nhóm Bác sĩ Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Da liễu TW đăng trên Tạp chí Y học Thực hành (925) số 7/2014