Các loại mụn cóc có thể xâm nhập vào cơ thể và xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt da. Việc nhận biết các nguyên nhân gây mụn sẽ giúp bạn phòng tránh và điều trị bệnh lý tốt nhất.
1. Mụn cóc là gì?
Mụn cóc còn gọi là mụn cơm, là một dạng tăng sinh da bất thường. Nó thường mọc thành nốt mụn sần sùi, có thể nổi giống bông súp lơ ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Mụn có màu trắng hoặc vàng, nâu, xám,... kích thước to nhỏ khác nhau nhưng thường tương đương hạt cơm.
Tác nhân gây mụn cóc nói chung là virus HPV (Human Papilloma Virus). Virus đi vào cơ thể qua các vết trầy xước hoặc tổn thương trên da. Sau đó, virus phát triển, gây kích ứng các tế bào biểu mô bề mặt làm tăng sinh và hình thành hạt cơm.
2. Nguyên nhân các loại mụn cóc thường gặp
Dưới đây là các loại mụn cơm thường gặp và nguyên nhân gây mụn:
2.1. Mụn cóc thông thường
Mụn cóc thông thường có hình giống cây súp lơ, ranh giới rõ ràng, thô ráp, cứng, tròn hoặc bờ không đều, đường kính từ 2 - 10mm, thường xuất hiện trên bàn tay, ngón tay, khớp ngón tay và khuỷu tay. Chúng có thể ở dạng một chấm đen hoặc sẫm màu do đông máu ở mạch máu. Loại mụn cóc này thường gây ra bởi virus HPV 1, 2, 4, 27, 29. Mụn cóc thông thường là một tình trạng nhiễm trùng ở lớp trên của da, cần được điều trị ngay để tránh trường hợp tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
2.2. Mụn cóc lòng bàn chân
Mụn cóc bàn chân có biểu hiện là những mảng cứng, dày trên lòng bàn chân, có thể gây đau khi người bệnh đi lại. Mụn cóc ở bàn chân thường phẳng hoặc mọc ngược vào trong da (do trọng lượng cơ thể đè xuống và áp lực đặt lên lòng bàn chân). Loại mụn cóc này hình thành khi virus HPV 1 tiếp xúc với da qua các vết xước, vết nứt, vết cắt,...
2.3. Mụn cóc dạng nhú
Mụn cóc dạng nhú thường dài, hẹp, nằm trên mặt, cổ, môi hoặc mí mắt. Trong các loại mụn cóc thì dạng mụn này thường không có triệu chứng, hình thái chủ yếu là lành tính và dễ điều trị.
2.4. Mụn cóc hình chỉ
Mụn cóc hình chỉ có màu giống với màu da, thường xuất hiện xung quanh vùng cổ, mũi, vai và khu vực dưới cằm. Những người được ghép tặng hoặc nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị mụn cóc hình chỉ do suy yếu hệ miễn dịch.
2.5. Mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng có biểu hiện là nhẵn, phẳng, xuất hiện ở vùng mặt và cổ. Loại mụn cóc này thường có màu vàng, xám, hồng hoặc nâu nhạt, thường xuất hiện với số lượng nhiều (từ 20 - 100 cái). Mụn cóc phẳng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, gây ra bởi HPV 3, 10, 28 và 49. Mụn cóc phẳng có thể lây lan nhanh chóng trên mặt do cạo râu (vì chúng thường nằm dọc theo những vết xước trên mặt). Mụn cóc phẳng thường không gây ra triệu chứng nhưng tương đối khó điều trị.
2.6. Mụn cóc sinh dục
Mụn cóc sinh dục còn gọi là sùi mào gà - là một triệu chứng phổ biến của bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra chủ yếu bởi HPV 16 và HPV 18. Mụn cóc sinh dục giống như cây súp lơ, có dạng sẩn phẳng, bề mặt bóng mịn hoặc thô ráp, mọc ở vùng cơ quan sinh dục, có thể gây đau và khó chịu.
2.7. Mụn cóc Mosaic
Mụn cóc Mosaic là một nhóm mụn chỉ xuất hiện trong một khu vực nhỏ. Loại mụn cóc này thường hình thành khi mụn cóc hình chỉ không được điều trị, lan rộng thành cụm mụn cóc.
2.8. Mụn cóc miệng
Mụn cóc miệng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như môi, lưỡi, nướu,... Chúng có thể xuất hiện ở dạng tổn thương đơn lẻ hoặc mọc thành một cụm, gây khó chịu và đau đớn khi nhai nuốt. Mụn cóc miệng hình thành do virus HPV gây ra do quan hệ tình dục đường miệng. Nguy cơ nhiễm HPV tỷ lệ thuận với số lượng bạn tình.
2.9. Mụn cóc thể khảm
Mụn cóc thể khảm là các mảng mụn cóc được hình thành bởi sự kết hợp của nhiều mụn cơm nhỏ ở lòng bàn chân. Chúng khá nhạy cảm, gây đau, khó chịu khi đi bộ.
2.10. Mụn cóc quanh móng
Mụn cóc quanh móng thường xuất hiện như da dày lên, nứt, giống cây súp lơ mọc quanh móng. Chúng thường không có triệu chứng nhưng khi mụn cóc lan rộng thì sẽ gây đau, người bệnh thường bị mất lớp biểu bì, dễ bị tách móng. Mụn cóc quanh móng hay gặp ở bệnh nhân cắn móng tay hoặc người có nghề nghiệp mà tay thường xuyên phải tiếp xúc với nước (thợ rửa bát, thợ pha chế,...).
3. Cách điều trị mụn cóc
3.1 Khi nào nên điều trị các loại mụn cóc?
Thông thường, thời gian ủ bệnh của mụn cóc là từ 1 - 3 tháng, sau đó mụn nổi lên các vị trí khác nhau. Có khoảng 70% các trường hợp, triệu chứng mụn cóc sẽ tự mất sau 2 năm mà không cần điều trị. Có khoảng 25% mụn cóc tự cải thiện sau 3 - 6 tháng, 65% mụn cóc còn lại có thể khỏi trong vòng 2 năm. Đôi khi, cũng có trường hợp mụn cóc cần tới khoảng 5 năm để tự hết (đặc biệt là mụn cóc ở những khu vực dễ bị ma sát).
Mặc dù mụn cóc có thể tự hết nhưng nó gây ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ, sinh hoạt và sự tự tin của người bệnh. Vì vậy, trường hợp mụn tái phát hoặc nổi nhiều, dày đặc ở một số vị trí khác nhau thì bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được điều trị tận gốc. Cách điều trị phụ thuộc vào loại mụn, vị trí và triệu chứng của nó. Một điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân theo liệu trình điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ ngang.
3.2 Cách điều trị mụn cơm tại nhà
Một số mẹo trị mụn cóc tại nhà mà bạn có thể thực hiện gồm:
- Dùng tỏi: Thành phần chính trong tỏi là allicin có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm tốt. Dân gian đã tận dụng đặc tính này của tỏi để loại bỏ các nốt mụn hạt cơm. Để trị mụn cơm, bạn chỉ cần giã nát tỏi, lấy nước cốt thoa lên các nốt mụn, để khoảng 2 - 3 tiếng rồi rửa lại bằng nước ấm. Kiên trì thực hiện sẽ giúp bạn dần thấy có hiệu quả rõ rệt;
- Đắp lá tía tô: Bạn giã nát lá tía tô, đắp lên các nốt mụn rồi dùng vải mềm quấn hoặc gạc nhằm cố định tốt. Tốt nhất bạn nên đắp lá tía tô vào buổi tối để tránh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt. Nên đắp liên tục vài tuần, mụn sẽ teo dần và tự bong ra;
- Sử dụng vỏ chuối xanh: Bạn có thể lột vỏ chuối xanh, chà xát mặt trong vỏ chuối lên các nốt mụn (sau khi đã rửa sạch khu vực bị mụn cóc). Bạn cần giữ nguyên nhựa chuối sau khi thực hiện chà xát nốt mụn. Thực hiện 2 lần/ngày, sau vài tuần bạn sẽ thấy mụn cơm dần dần biến mất;
- Dùng giấm táo: Thành phần axit malic và axit lactic trong giấm có tác dụng ăn mòn mụn cóc. Bạn nên bôi giấm táo lên các nốt mụn cơm khoảng 3 - 4 lần/ngày để đạt hiệu quả nhanh hơn;
- Dùng nha đam: Bạn bẻ lá nha đam, để chất nhựa trong suốt nhỏ lên trên các nốt mụn. Axit trong nhựa nha đam có thể làm các vết mụn cơm tiêu dần.
Lưu ý: Không cố loại bỏ mụn cóc trên mặt hoặc mụn cơm ở những nơi nhạy cảm khác trên cơ thể (ví dụ bộ phận sinh dục) bằng các biện pháp điều trị tại nhà.
3.3 Cách điều trị mụn cóc tại bệnh viện
Khi đi khám, bạn có thể được bác sĩ chỉ định một số biện pháp điều trị mụn cóc như sau:
- Sử dụng acid salicylic: Hầu hết các loại kem, gel và thuốc trị mụn cóc không kê đơn đều có chứa acid salicylic. Khi sử dụng thuốc bôi, bạn chú ý bảo vệ vùng da xung quanh mụn bởi acid salicylic có thể phá hủy làn da khỏe mạnh. Bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn không nên sử dụng chất này trên mặt. Để tăng hiệu quả điều trị thì trước khi thoa thuốc bạn nên ngâm mụn cơm trong nước khoảng 5 phút, sử dụng thuốc mỗi ngày trong khoảng 3 tháng; nếu da bị đau thì ngừng điều trị;
- Liệu pháp áp lạnh: Bác sĩ phun nitơ lên mụn cơm để phá hủy các tế bào. Với mụn lớn, bác sĩ có thể sẽ cần gây tê cục bộ, phun nitơ vài lần;
- Phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị mụn cóc khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Trong thủ thuật này, người bệnh được gây tê tại chỗ, bác sĩ dùng dao loại bỏ mụn cóc. Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chỉ định bôi kem tại chỗ để loại bỏ hoàn toàn mụn cơm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng chùm tia laser để đốt mụn cóc.
Bài viết đã chia sẻ cho bạn những thông tin cần biết về nguyên nhân và cách điều trị căn bản cho các loại mụn cóc. Bạn cần chú ý tuân thủ đúng hướng dãn của bác sĩ trong quá trình điều trị mụn cơm và phòng ngừa nguy cơ các nốt mụn lây lan ra những vùng da xung quanh hoặc lây cho người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.