Khi nào cần đo thính lực?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Thính giác đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng về mặt xã hội và tình cảm của con người. Đo thính lực giúp phát hiện sớm các dấu hiệu mất thính giác để điều trị và giảm thiểu những ảnh hưởng sức khỏe do mất thính lực gây ra.

1. Vì sao cần phải đo thính lực cho trẻ em?

Tổ chức chăm sóc sức nghe thế giới ước tính cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ bị nghe kém ở mức độ nhẹ hay nặng hơn. Hầu hết các phụ huynh khi đưa con đi kiểm tra thính lực đều đã mất thời gian rất dài trước đó để chờ đợi, phỏng đoán và hoài nghi về khả năng nghe của con mình. Việc đo thính lực sẽ giúp phụ huynh nắm chính xác về khả năng nghe của con.

Nghe kém có thể dẫn đến chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ và gây ra sự chậm trễ học tập cũng như các vấn đề xã hội và hành vi. Can thiệp sớm là chìa khóa để có thính giác khỏe mạnh.

2. Khi nào cần đo thính lực?

Trẻ sơ sinh nghe bình thường phản ứng với tiếng động và tiếng thì thầm, tiếng cười hay tiếng nói ríu rít. Khi các bé lớn hơn, chúng biết nhìn và quay đầu cũng như nói bi bô và thay đổi cao độ giọng nói của chúng để tìm kiếm nguồn âm thanh phát ra.

Trẻ ở tuổi tập đi nhận ra tên các đồ chơi, các bộ phận cơ thể và các đồ vật quen thuộc khác. Chúng lắc lư theo nhạc và cố gắng lặp lại các từ. Đến 18 tháng tuổi, các bé có một ít vốn từ vựng, chúng sử dụng để nói các câu có 2 từ và âm thanh tiếng nói của chúng bình thường. Các bé có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản từ mẹ như: “Đưa cho mẹ cái hộp kia”.

Nếu con của bạn không đạt được các giai đoạn quan trọng này, đừng hoảng sợ. Con của bạn có thể chỉ phát triển ở một mức khác hơn so với các trẻ cùng tuổi. Bạn nên đưa con của mình đi đo thính lực nếu bé:

  • Không có bất kỳ đáp ứng nào với tiếng động lớn bất ngờ.
  • Không quay đầu theo hướng giọng nói của bạn.
  • Không bập bẹ hay cố gắng bắt chước âm thanh.
  • Không hiểu các cụm từ đơn giản lúc 12 tháng tuổi.
  • Không đáp ứng với âm thanh hoặc tên của mình và không thể xác định vị trí nơi âm thanh được phát ra.
  • Không bắt chước nói hoặc sử dụng những từ đơn giản đối với những người và các đồ vật quen thuộc.
  • Không nghe tivi ở các mức bình thường.
  • Không sử dụng tiếng nói hay cho thấy sự phát triển ngôn ngữ như các trẻ cùng tuổi.
  • Nói chuyện quá lớn.
  • Xem tivi và nghe nhạc ở âm lượng cao bất thường.
  • Phàn nàn không nghe được giáo viên nói và mức độ khó chịu.
  • Trẻ chậm nói, nói không rõ.
  • Làm sai các chỉ dẫn hoặc có vẻ hay “mơ mộng”.
  • Phàn nàn tiếng chuông, tiếng rít hoặc các âm thanh khác trong tai.

Có thể thấy, nếu con của bạn là trẻ sơ sinh hay trẻ mới biết đi, không đáp ứng với tiếng động từ phía sau và không giật mình với các âm thanh lớn, khi có những dấu hiệu này nên đưa bé đi khám thính giác.


Trẻ nhỏ không đáp ứng với tiếng động từ phía sau hoặc không giật mình với các âm thanh lớn có thể là dấu hiệu thính giác có vấn đề
Trẻ nhỏ không đáp ứng với tiếng động từ phía sau hoặc không giật mình với các âm thanh lớn có thể là dấu hiệu thính giác có vấn đề

3. Các phương pháp đo thính lực

Với trẻ nhỏ, trước tiên sẽ kiểm tra bằng phép đo sàng lọc âm ốc tai để đánh giá xem trẻ có hay không có giảm thính lực. Nếu kết quả cho biết trẻ có nghe kém, bác sĩ sẽ chỉ định để thực hiện các phép đo chuyên sâu hơn nhằm xác định thính lực của trẻ.

  • Đo âm ốc tai: một miếng gắn lỗ tai có đầu mềm, nhỏ được đặt ở phần bên ngoài của lỗ tai. Âm thanh được truyền vào tai. Khi tai nhận âm thanh, phần bên trong gọi là ốc tai tạo ra một phản ứng gọi là âm ốc tai, âm này có thể đo được. Có sự hiện diện của âm ốc tai, thường có nghĩa là có thính giác tốt.
  • Đo thính lực đơn âm: bệnh nhân sẽ đáp ứng với âm thanh bằng cách giơ tay lên hoặc bấm một cái nút. Các âm thanh ở các mức âm lượng và âm sắc khác nhau được đưa vào tai qua các tai nghe.
  • Đo thính lực lời: bệnh nhân sẽ lặp lại các từ hoặc chỉ tay vào các bức hình. Test này có thể kết hợp với phương pháp đo thính lực đơn âm để cho một cái nhìn đầy đủ hơn về thính giác của người bệnh.
  • Đo nhĩ lượng: test này đo sự chuyển động của màng nhĩ và phát hiện dịch trong tai giữa. Test này cũng có thể phát hiện những vấn đề khác của tai giữa.

4. Hai cách đo thính lực phổ biến hiện nay

Để có kết quả về sức nghe hay còn gọi là kết quả đo thính lực hay thính lực đồ, có 2 cách để thực hiện.

Với trẻ em nhỏ < 5 tuổi

Trẻ chưa biết hợp tác nên sẽ sử dụng phương pháp đo thính lực đơn âm khách quan. Quy trình đo thính lực đơn âm khách quan được thực hiện khi bé ngủ say và môi trường đo phải yên tĩnh. Phép đo này được mô tả như sau: khi đo sẽ sử dụng âm thanh kiểu đơn âm kích thích vào tai của trẻ, các kỹ thuật viên sẽ gắn các đầu điện cực lên trán và sau tai của trẻ giúp thu nhận và ghi lại các phản hồi của thần kinh thính giác. Phép đo sẽ kéo dài khoảng 30 - 45 phút, phép đo an toàn và không gây đau đớn gì cho trẻ.

Với trẻ > 5 tuổi và người lớn

Áp dụng phép đo thính lực đơn âm chủ quan. Quy trình đo thính lực đơn âm chủ quan được thực hiện như sau: người bệnh sẽ đeo chụp tai chuyên dụng và chú ý lắng nghe các âm thanh loại đơn âm do máy đo thính lực phát ra đưa thẳng vào tai. Nếu người được đo nghe được tín hiệu âm thanh thì phải bấm máy báo cho kỹ thuật viên biết. Việc đo thính lực sẽ thực hiện trên 8 tần số với các mức cường độ âm thanh khác nhau. Thời gian đo sẽ mất khoảng từ 10 đến 30 phút hoặc có thể hơn tùy vào sự hợp tác của người bệnh khi đo.

5. Ý nghĩa của kết quả đo thính lực

Kết quả đo thính lực (thính lực đồ) sẽ cho ta biết khả năng nghe của trẻ hoặc của chính mình ở mức độ khác biệt so với mức bình thường là bao nhiêu? Trẻ hoặc bạn sẽ gặp khó khăn ở những môi trường âm thanh nào trong cuộc sống và học tập hàng ngày? Cần phải áp dụng các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính hay chưa? Hoặc máy trợ thính thì đã đủ đáp ứng nhu cầu nghe của trẻ để học nói và phát triển ngôn ngữ chưa hay sẽ phải cấy điện cực ốc tai?

6. Mất thính giác là tạm thời hay vĩnh viễn?

Mất thính giác có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Mất thính giác dẫn truyền thường tạm thời, mất thính giác thần kinh giác quan thường là vĩnh viễn. Hầu hết mất thính giác ở trẻ nhỏ là tạm thời và có thể chữa trị được. Chuyên viên thính học sẽ xác định con bạn mất thính giác kiểu gì qua test thính học. Chuyên viên thính học là người được huấn luyện đặc biệt để làm các test thính giác và điều trị thính giác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe