Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khám thính lực dùng để đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe của bệnh nhân so với bình thường. Được chỉ định đối với những trường hợp nghe kém, điếc đột ngột, hay mắc các bệnh lý về tai, ...
1. Khám thính lực
Khám thính lực là biện pháp đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe của bệnh nhân so với mức bình thường. Kết quả sẽ được biểu hiện qua một biểu đồ được gọi là thính lực đồ.
Thính lực đồ thể hiện chi tiết khả năng nghe của người được đo ở từng tần số khảo sát. Bất cứ ai cũng có thể được đo thính lực để biết sức nghe hiện tại của mình. Các mức độ nghe của mỗi người có các vùng từ bình thường, nhẹ, trung bình, trung bình nặng, nặng và sâu, tương ứng với các tần số sau:
- Bình thường: ngưỡng nghe đạt kết quả <25dB
- Mức độ nhẹ: ngưỡng nghe nằm trong khoảng 25 – 40 dB, sức nghe đang bị giảm ở mức độ nhẹ. Người bị giảm thính lực mức độ nhẹ bắt đầu nghe thấy nhỏ hơn so với những người xung quanh.
- Mức độ trung bình: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng 40 – 60 dB sức nghe của bạn đang giảm ở mức trung bình. Người bệnh thường không nghe thấy những tín hiệu nhỏ, riu riu như tiếng gió máy quạt, tiếng nước róc rách, tiếng chim hót...như những người bình thường. Người bị giảm thính lực ở mức độ trung bình thường khó nghe và đôi khi họ nói hơi lớn, tivi mà họ đang xem lúc nào cũng mở lớn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Mức độ nặng: Ngưỡng nghe nằm trong khoảng 60 – 90 dB, sức nghe của bạn đang giảm ở mức nặng. Việc nghe rõ được lời nói cảm thấy khó khăn. Hầu như không nghe được gì khi họp nhóm hay trong đám đông. Bệnh nhân chỉ có thể nhận ra những tín hiệu cảnh báo lớn như tiếng chó sủa, chuông điện thoại bàn,...
- Mức độ sâu: Ngưỡng nghe >90dB khả năng nghe đang gặp phải tình trạng nghiêm trọng và nằm ở mức giảm thính lực mức độ sâu. Hầu như không còn nghe thấy ngôn từ nữa. Bệnh nhân chỉ có thể nhận thấy những loại tiếng động rất lớn như tiếng khoan cắt bê tông, tiếng máy bay, tiếng còi tàu,...
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
Chỉ định khám thính lực đối với những người có biểu hiệu sau:
- Chẩn đoán nghe kém, lãng tai
- Chẩn đoán điếc đột ngột
- Viêm tai giữa hay các bệnh lý về tai khác
- Chuẩn bị sử dụng máy trợ thính
- Kiểm tra hiệu quả sử dụng máy trợ thính
2.2 Chống chỉ định
Không có trường hợp chống chỉ định đối với khám thính lực. Bất kỳ ai cũng có thể khám thính lực để biết rõ mức độ nghe của mình. Tuy nhiên, khám thính lực sẽ không được tiến hành đối với những trường hợp không hợp tác làm thủ thuật.
3. Các phép đo thính lực
3.1 Đo thính lực đơn âm đường khí
Dẫn truyền đường khí là đường dẫn truyền sóng âm từ không khí theo chuỗi xương con vào dịch tai trong. Mục đích của phép đo thính lực đơn âm đường khí là để xác định ngưỡng nghe và mức độ nghe kém, từ đó sẽ có phương pháp điều trị và lựa chọn dòng máy trợ thính phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu nghe.
3.2 Đo thính lực đơn âm đường xương
Đo thính lực đơn âm đường xương là sự rung động lên hệ thống xương sọ do kích thích âm không thông qua tai ngoài và tai giữa mà kích thích trực tiếp lên dịch tai trong.
Đo thính lực đơn âm đường xương để xác định loại khiếm thính là dẫn truyền, tiếp nhận hay hỗn hợp, phép đo này cũng hỗ trợ cho quá trình hiệu chỉnh máy trợ thính chuẩn xác hơn ví dụ như:
- Nghe kém dẫn truyền: nguyên nhân xuất phát từ hệ thống tai ngoài hoặc tai giữa
- Nghe kém tiếp nhận: nguyên nhân xuất phát từ hệ thống tai trong
- Nghe kém hỗn hợp: nguyên nhân xuất phát từ cả hai hệ thống tai ngoài, tai giữa và tai trong.
3.3 Các phép đo khác
- Đo nhĩ lưỡng: là phép đo kiểm tra độ thông thuận, áp suất, độ dốc và thể tích ống tai nhằm xác định tình trạng của hệ thống tai giữa. Giúp đánh giá độ nhạy và hoạt động của chuỗi xương con. Kiểm tra độ thông của vòi nhĩ và đánh giá được tình trạng màng nhĩ
- Đo âm ốc tai: hay còn gọi là đo tầm soát sức nghe là phép đo thường áp dụng cho trẻ sơ sinh, giúp xác định hệ thống ốc tai có bị thương tổn hay không.
- Đo ABR: hay còn gọi là đo điện kích gợi thính giác thân não là phép đo khách quan dành cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc những người không thể hợp tác đo chủ quan được.
4. Quy trình khám thính lực
4.1 Chuẩn bị
Máy đo và các thiết bị chuyên dụng cần có bao gồm:
- Máy đo thính lực đồ có đủ dây dẫn điện, cáp nối tín hiệu
- Hệ thống các chụp tai phát âm, micro, loa đo trường tự do, microphone
- Hệ thống máy vi tính, máy in
- Kiểm tra chức năng phòng cách âm, đèn chiếu sáng
- Giấy bút ghi chép
Đối với người bệnh, bác sĩ sẽ thông báo và giải thích cho bệnh nhân những điều cần thiết phải đo thính lực. Bệnh nhân sẽ được ngồi trong phòng cách âm, phối hợp khi tiến hành đo và được hướng dẫn sử dụng nút bấm cầm tay
4.2 Các bước tiến hành
Đo đường khí:
- Thử test trước khi đo, xác định tai nghe tốt hơn đo trước.
- Tháo bỏ máy trợ thính, các dụng cụ gây vướng khi lắp thiết bị đo.
- Vị trí đặt chụp tai nghe đường khí: Chụp màu xanh bên trai trái và chụp màu đỏ bên trái phải.
- Bắt đầu đo với tần số 1000k/40Db; Lần lượt 2000k, 4000k, 8000k, 250k, 500k.
- Kiểm tra lại tần số đo 1000k, 2000k
Đo đường xương:
- Hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục quá trình đo.
- Lắp đầu dò trên mặt phẳng xương chũm.
- Bắt đầu đo với tần số 1000k/ ngưỡng nghe đường khí, 2000k, 4000k, 500k.
- Kiểm tra lại tần số đo 1000k, 2000k.
Tháo các đầu đo và in kết quả. Sau đó chuyển dữ liệu sang máy vi tính in kết quả đo và xóa dữ liệu cũ chuyển sang bệnh nhân mới.
Tóm lại, khám thính lực là biện pháp dùng để đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe của bệnh nhân so với bình thường. Được chỉ định đối với những trường hợp nghe kém, điếc đột ngột, hay mắc các bệnh lý về tai,... Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể được đo thính lực để biết sức nghe hiện tại của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.